Những gợi mở về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Hiến pháp năm 2013
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Thực tế cho thấy đây là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Nhân tố quan trọng của thời kỳ mới
Nếu quan niệm Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 là bản Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, thì Hiến pháp năm 2013 là sự tiếp nối mạnh mẽ, sâu sắc hơn, đóng vai trò là “nhân tố để nước ta vững bước vào thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển về mọi mặt và chủ động hội nhập quốc tế” (1).
Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong thời gian vừa qua, việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã được thực hiện, tập trung chủ yếu là các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, như: Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức Viện KSND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Bên cạnh đó, các đạo luật khác có vị trí rất quan trọng cũng đã được ban hành, như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Trưng cầu ý dân, Bộ luật Hàng hải (sửa đổi)… Có thể nói, qua gần hết nhiệm kỳ, tiếp tục phát huy những truyền thống trước đó, QH Khóa XIII đã ghi những dấu son trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần hướng đến mục tiêu tiếp tục củng cố nền tảng chính trị – pháp lý vững chắc cho việc thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ở nước ta.
Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta thời gian tới cần quan tâm đến việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ nhất, đổi mới và không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường năng lực, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; cụ thể hóa đầy đủ nguyên tắc hiến định: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới. Trong việc thể chế hóa nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, cần chú ý bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của bản Hiến pháp, theo đó, không làm triệt tiêu quy định của Hiến pháp (Điều 69 Hiến pháp năm 2013) về vị trí, vai trò của QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Giữ vững bản chất, đặc điểm và tính thực tiễn của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong quá trình này.
Cho đến nay, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đã khá hoàn chỉnh. Nhiệm vụ trong thời gian tới là đưa luật vào cuộc sống; lắng nghe nhận diện và sửa đổi, bổ sung kịp thời những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn mà quá trình ban hành các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước thời gian vừa qua chưa dự liệu được.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân (bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước). Hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, điều kiện để người dân tham gia thực chất vào hoạt động quản lý nhà nước, từ việc tham gia ý kiến trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật đến việc tham gia giám sát cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.
Phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người
Một nội dung rất quan trọng khác là xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Thứ nhất, củng cố cơ sở pháp lý nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ, gắn kết giữa việc thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tự do dân chủ; phát huy nhân tố con người, tăng cường đồng thuận xã hội để tiếp tục thể chế hóa một cách thật sự sâu sắc các chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, các quyền dân sự và chính trị, các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, các chính sách cụ thể đối với các đối tượng, các nhóm yếu thế trong xã hội cần được tiếp tục cụ thể hóa theo tinh thần Hiến pháp, đồng thời, phù hợp với các cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam.
Cho đến nay, nhiều dự án luật quan trọng liên quan quyền tự do, dân chủ của công dân đã được ban hành (Luật Trưng cầu ý dân), hoặc đang trong quá trình chuẩn bị tích cực (như Luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí sửa đổi), v.v. Quyền con người, quyền công dân cần được quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, có tính khả thi.
Thứ hai, củng cố cơ sở pháp lý nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm, tổ chức thực thi pháp luật, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chế độ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, trong đó có Tòa án và các cơ quan hữu quan khác trong việc bảo vệ các quyền đó. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ của công dân để xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện quy định tại Điều 14 Hiến pháp, nêu: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… Như vậy, vấn đề hạn chế, giới hạn quyền con người, quyền công dân cũng đã được định hình mang tính nguyên tắc trong Hiến pháp năm 2013. Về chuẩn mực quốc tế, nguyên tắc giới hạn quyền con người đã được quy định tại Điều 29 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948; Điều 4 của Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966 (ICESCR), Điều 4 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR)…
Có thể nói, quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm tính thận trọng, chặt chẽ cần thiết trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Song, nội hàm quyền con người, quyền công dân có phạm vi rất rộng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội… Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về nội dung này, một mặt cần căn cứ vào quy định của Hiến pháp, mặt khác còn phải căn cứ vào điều kiện thực tế, để bảo đảm khi thực hiện không bị bó tay trong các trường hợp cần thiết, như Hiến pháp đã quy định.
Vì một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập
Lĩnh vực quan trọng khác liên quan xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thực hiện CNH, HĐH đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý nhằm cụ thể hóa những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp như về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc sở hữu toàn dân; về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác; hướng đến kết quả và hiệu quả kinh tế – xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Mặt khác, quan tâm phát huy tối đa tiềm năng, sự sáng tạo của người dân trong sản xuất, kinh doanh; bảo vệ một cách thật sự hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng;… Việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, một mặt cần thể hiện được bản chất, giảm đến mức thấp nhất những mặt trái của thị trường, mặt khác phải thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội. Việc tiếp tục khẩn trương xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này cần được coi là một ưu tiên, là khâu đột phá, trọng tâm trong công tác lập pháp của Nhà nước ta thời gian tới.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển hiện nay cũng đòi hỏi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng – an ninh nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, phù hợp yêu cầu của tình hình mới; hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội…
Hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược đối với bất kỳ quốc gia nào không muốn bị gạt ra bên lề con đường phát triển. Xét đến cùng, toàn bộ quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, ở phần lớn các lĩnh vực như đã trình bày ở trên, đều phải tính đến nội dung này.
Trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có nội dung mới về chính sách đối ngoại được Hiến pháp năm 2013 quy định (Điều 12), Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và yêu cầu của thực tiễn, cần tăng cường hơn nữa tính chủ động, tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế luôn chú trọng đến nguyên tắc, một mặt bảo đảm đến mức tối đa lợi ích quốc gia dân tộc, mặt khác vẫn phù hợp, tuân thủ các cam kết quốc tế.
Theo đó, có thể quan tâm đến một số nội dung: (i) Tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, lấy hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh tế làm trọng tâm; chú ý đến điều kiện thực tiễn cụ thể của Việt Nam và bảo đảm hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp năm 2013 trong quá trình này. (ii) Tiếp tục xem xét ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng quốc tế, sở hữu trí tuệ, thuế quan, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các hiệp định tương trợ tư pháp… Hoàn thiện pháp luật cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài…
Ở khía cạnh quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử, thực tế và tiềm năng mở rộng quan hệ hợp tác của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, mặc dù còn có những khó khăn, thách thức, nhưng có thể nói, chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Trong quá trình đó, việc chủ động, tích cực nghiên cứu xây dựng pháp luật từng bước tiệm cận, hài hòa phù hợp các luật và quy tắc chung tiến bộ của tiến trình hội nhập theo công ước, điều ước Việt Nam ký kết là nhu cầu mang tính khách quan và cấp thiết.
PGS, TS Đinh Xuân Thảo
Đại biểu Quốc hội,
Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp
(1) Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp: “Hiến pháp sửa đổi là đảm bảo chính trị – pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới…”
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()