Những góc nhìn sinh động về đất nước
Tác phẩm Ngày hy vọng của Trần Bảo Hòa đoạt Huy chương bạc.
Triển lãm Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2019 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vừa diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh 29 Hàng Bài, Hà Nội. Tổ chức định kỳ hai năm một lần (từ năm 2015), liên hoan ngày càng thu hút được sự tham gia của đông đảo tác giả trẻ cả nước lứa tuổi từ 18 đến 35.
Với chủ đề Việt Nam hôm nay, sau ba tháng phát động, Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2019 nhận được 2.068 tác phẩm ảnh của 298 tác giả cả nước gửi tham dự ở hai thể loại ảnh hiện thực và ảnh thể nghiệm, ý niệm. Hội đồng nghệ thuật đã chọn 197 tác phẩm của 112 tác giả tiêu biểu để trưng bày triển lãm và trao giải cho 21 tác phẩm xuất sắc nhất. Dễ nhận thấy mảng ảnh hiện thực vẫn là chủ đạo với tổng số 168 tác phẩm; trong đó 16 tác phẩm đoạt giải, gồm: Một Huy chương vàng, ba Huy chương bạc, năm Huy chương đồng và bảy giải khuyến khích.
Theo Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ảnh hiện thực, các tác phẩm đã bám sát nội dung chủ đề cuộc thi, phản ánh hơi thở cuộc sống đương đại, có thông điệp rõ ràng và sự tìm tòi mới, trẻ trung. Mỗi tác phẩm là khoảnh khắc đẹp, sinh động về công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ. Ðiều đó thể hiện rõ qua cách khai thác ý tưởng, đề tài và nghệ thuật biểu đạt của các tác phẩm.
Nếu như bộ ảnh Landmark 81 – Khát vọng vươn cao (tác phẩm đoạt Huy chương vàng của tác giả Phan Thị Khánh, TP Hồ Chí Minh) mang lại cho người xem cảm giác choáng ngợp, bay bổng trước những đại cảnh hoành tráng, rực rỡ của TP Hồ Chí Minh; thì Ngày hy vọng (tác phẩm đoạt Huy chương bạc của tác giả Trần Bảo Hòa, Bình Ðịnh) lại bình dị, hiền hòa nhưng không kém phần nên thơ, lãng mạn ở khung cảnh mưu sinh trên biển của người dân chài. Bên cạnh các tác phẩm phản ánh những sự kiện thời sự như nạn cháy rừng (bộ ảnh Ba ngày đêm chiến đấu với giặc lửa – tác phẩm đoạt Huy chương bạc của tác giả Hồ Trần Minh Quang, Hà Nội), hay những hoạt động xã hội ý nghĩa (Bộ đội giúp dân chuyển nhà – tác phẩm đoạt Huy chương đồng của tác giả Phan Xuân Nguyên, Gia Lai)… là những khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người nên thơ, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Bộ ảnh Lễ cấp sắc 12 đèn người Dao Sơn Ðầu – tác phẩm đoạt Huy chương đồng của tác giả Nguyễn Phương Thảo, Hà Nội; bộ ảnh Nghề biển ở Hòn Yến – tác phẩm đoạt Huy chương đồng của tác giả Nông Thanh Toàn, Thừa Thiên – Huế; bộ ảnh Thiêng liêng lễ Khao lề tri ân hùng binh Hoàng Sa ở Lý Sơn – tác phẩm đoạt Giải khuyến khích của tác giả Bùi Thanh Trung (Quảng Ngãi)… Tuy nhiên vẫn còn nhiều tác giả đi vào lối mòn, tư duy cũ khi chụp lại những đề tài của người đi trước; có những tác phẩm đạt chất lượng và nội dung tốt nhưng vì tác giả thiếu kỹ năng, kinh nghiệm cho nên chưa làm nổi bật giá trị tác phẩm; một số tác giả lạm dụng kỹ xảo chỉnh sửa khiến bức ảnh sai lệch quá nhiều về mầu sắc và
nội dung, tác phẩm thiếu trung thực.
Với 29 tác phẩm, thể loại ảnh thể nghiệm, ý niệm tại liên hoan, phần lớn tác giả cố gắng thể hiện những ý tưởng riêng; các tác phẩm đã phản ánh được những vấn đề trong cuộc sống đương đại tuy chưa thật đậm nét; một số tác giả còn rơi vào lối mòn của người đi trước… Ðề tài môi trường chiếm đa số với ba trong tổng số năm tác phẩm đoạt giải. Ðó là nạn rác thải nhựa trong Ô nhiễm trắng (giải khuyến khích của tác giả Lê Trọng Khang, Quảng Nam); vấn đề bảo vệ động vật hoang dã trong Tội ác (tác phẩm đoạt Huy chương đồng của tác giả Nguyễn Xuân Hiếu, Ninh Bình), và là bộ ảnh Khi giọt nước mắt rừng cạn khô (tác phẩm đoạt Huy chương vàng của tác giả Trần Bảo Hòa, Bình Ðịnh) được tác giả khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau, từ góc cao bằng flycam cho đến dải ngân hà bằng kỹ thuật phơi đêm, đem đến một tác phẩm ấn tượng, nhiều ám ảnh về hậu quả nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Ðiều làm nên sự khác biệt thú vị của ảnh ý niệm là ở chỗ, mỗi bức ảnh không đơn thuần là tác phẩm đẹp, mà ý nghĩa của nó nằm ngoài những gì được mô tả; vì thế người chụp phải tư duy sâu sắc và sáng tạo trong quá trình xây dựng hình ảnh để khơi gợi phản ứng và các kết nối cảm xúc của người xem. Có lẽ chính vì thế, thể loại này vẫn còn hứa hẹn những khám phá.
Trải qua ba lần tổ chức, Festival Nhiếp ảnh trẻ dần hình thành một sân chơi chuyên nghiệp, hấp dẫn; tiếp thêm niềm đam mê, sáng tạo; góp phần tập hợp, phát triển và bổ sung đội ngũ kế cận cho lực lượng nhiếp ảnh Việt Nam.
Ý kiến ()