Những giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2013
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2013, căn cứ tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ những giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013.Theo đề xuất này, Bộ Tài chính đề xuất: Gia hạn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ ba đến sáu tháng đối với DN có quy mô vừa và nhỏ; DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; DN đầu tư - kinh doanh nhà ở...; Áp dụng mức thuế suất thuế TNDN từ 10 đến 20% sớm hơn sáu tháng so với lộ trình dự kiến đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội. Tiếp tục gia hạn...
Theo đề xuất này, Bộ Tài chính đề xuất: Gia hạn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ ba đến sáu tháng đối với DN có quy mô vừa và nhỏ; DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội; DN đầu tư – kinh doanh nhà ở…; Áp dụng mức thuế suất thuế TNDN từ 10 đến 20% sớm hơn sáu tháng so với lộ trình dự kiến đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và thu nhập từ đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội. Tiếp tục gia hạn và giảm từ 30 đến 50% số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra đối với nhà ở có diện tích sàn dưới 70 m2 và nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong nước không có khả năng sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo các cam kết lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều chỉnh tăng thuế lên mức trần cam kết đối với các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được và có sản lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước để khuyến khích sản xuất trong nước. Không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện và giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô-tô.
Đối với thuế đất, bộ cũng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất hai năm 2013, 2014 đối với các đối tượng cụ thể và sửa đổi quy định về thủ tục giảm tiền thuê đất theo hướng đơn giản; cho phép các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng… Cho phép các địa phương sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp mua nhà ở làm quỹ; mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Bộ Tài chính kiến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các DNVVN thông qua hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các Quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương. Trong đó, sẽ cấp bổ sung 250 tỷ đồng cho Quỹ dự phòng bảo lãnh tại VDB; tăng cường nguồn lực tài chính cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương… VDB giải quyết nhanh cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, đồng thời xem xét gia hạn thời gian cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước lên 15 năm đối với dự án kết cấu hạ tầng kinh tế có quy mô đầu tư lớn gặp khó khăn trong lĩnh vực sản xuất điện, cung cấp nước sạch, xi-măng, thép, môi trường; 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản. Ngoài ra, trong nhóm giải pháp tăng cường thu hút đầu tư FDI. Bộ Tài chính sẽ bổ sung ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi.
Trong nhóm giải pháp điều hành chính sách tài khóa, cùng với các giải pháp đã và đang thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh cơ chế quản lý tài chính, xác định tỷ lệ hợp lý để lại phần lãi dầu khí nước chủ nhà; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí đầu vào, trích lập dự phòng, chi phí quản lý của doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. VDB bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho Chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn; mở rộng đối tượng cho vay là các công trình bê-tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả đường liên xã, liên huyện); nghiên cứu xây dựng phương án phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Quản lý nợ công; đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong nhóm giải pháp về huy động vốn và phát triển thị trường tài chính, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA, sẽ không thực hiện cấp bảo lãnh đối với các khoản vay mới của các tập đoàn, tổng công ty có nợ quá hạn hoặc đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ứng trả nợ được bảo lãnh để giảm rủi ro cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Ngoài ra, đối với nhóm giải pháp điều hành giá, và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu, Chính phủ sẽ nhanh chóng hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ tồn đọng và cổ phần hóa DNNN. Sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa để bổ sung năng lực cho DATC để chủ động tham gia quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và nợ đọng của các ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tác động của các nhóm giải pháp này sẽ hỗ trợ thêm nguồn lực cho cả DN, thị trường và đầu tư. Khi chính sách thuế cho phép gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, thuế GTGT và tiền sử dụng đất, sẽ có thêm khoảng 31 nghìn tỷ đồng, và sẽ có thêm khoảng ba nghìn tỷ đồng từ giảm thuế, giảm tiền thuê đất. Giải pháp giảm thuế GTGT đầu ra và giảm mức thuế suất thuế TNDN một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sở hữu nhà ở, mặt khác góp phần giải quyết hàng tồn kho vật liệu xây dựng và một số ngành hàng liên quan đến nhà ở. Trong khi đó, sẽ có thêm khoảng mười nghìn tỷ đồng bổ sung cho kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn; và từ việc tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ dự phòng bảo lãnh tín dụng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, phát hành trái phiếu Chính phủ… sẽ góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ và giảm hàng tồn kho cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực khác. Nhóm các giải pháp về điều hành ngân sách, giá, doanh nghiệp,.. sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN và thị trường, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, từng bước thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Bộ Tài chính cũng cho biết, những giải pháp trên sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc cân đối NSNN khi việc thực hiện các giải pháp giảm, giãn thuế,… ước sẽ giảm thu ngân sách năm 2013 khoảng năm nghìn tỷ đồng nhưng bù lại, các giải pháp trên sẽ góp phần giảm hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, tăng vòng quay vốn và khuyến khích hình thành DN mới, thu hút vốn FDI, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần giải quyết nợ xấu trong nền kinh tế, từ đó có thể tăng thu NSNN.
Những kiến nghị của Bộ Tài chính được Chính phủ thông qua sẽ tạo điều kiện thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2013, đồng thời giúp DN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và xử lý nợ xấu trong năm 2013.
Theo Nhandan
Ý kiến ()