Những giai phẩm mùa Tết
Năm nay như một lời hẹn định kỳ, hàng loạt nhà sách đã cho ra mắt ấn phẩm Sách Tết, giống như một món quà, hay một sự thưởng thức, bên cạnh những “vị” Tết quen thuộc khác, từ hoa đào, bánh mứt, cho đến bánh chưng xanh…
“Góc bếp nhỏ xinh”
Nhỏ bé, gọn xinh, nhưng gói vào trong đó đầy đủ hơi thở của Tết cũng như những ký ức ngọt ngào của những mùa Tết xưa, đó là “Hoài niệm mứt Tết” của hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi, do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. “Hoài niệm mứt Tết” là những dòng hoài niệm Tết xưa xen lẫn với những công thức mứt Tết cổ truyền, mà điểm đặc biệt nhất ở đây, là hai người thực hiện đều là những phụ nữ Huế truyền thống, và cũng là những “tay dao thớt” từng giành được nhiều giải thưởng.
“Hoài niệm mứt Tết” giới thiệu tới độc giả những công thức làm mứt quen thuộc, nhưng về khẩu vị vùng miền, lại có những sự khác lạ tương đối, như mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt kim quất, mứt mãng cầu…
Nhưng những điều đọng lại lâu hơn, sâu hơn trong cuốn sách, lại là những dòng hoài niệm. Tết xưa bao giờ cũng đẹp, cũng thương, với “Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa. Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp Tết… Mỗi khi nhớ về những ký ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này…” (Nguyễn Thị Phiên).
Còn với tác giả Đỗ Thị Phương Nhi, đó là những cách làm mứt siêu việt của bà ngoại mà “Biết bao kỹ thuật ẩn chứa trong đó mà chỉ khi tự tay làm mới hiểu được”.
Hai tác giả đều là những đầu bếp thượng thặng, được đào tạo bài bản về ẩm thực Huế và đều từng giành nhiều giải thưởng về ẩm thực. Bà Nguyễn Thị Phiên từng học nữ công gia chánh tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế với cô Hoàng Thị Kim Cúc và được vinh danh Nghệ nhân ẩm thực. Bà Đỗ Thị Phương Nhi là người sinh ra tại Huế và từng được mời làm giảng viên nấu bếp tại nhiều nơi như trường của Saigontourist, trường Hướng nghiệp Á Âu, Hội Đầu bếp Sài Gòn, giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức…
Giai phẩm cùng rượu xuân và hoa đào
Khác với góc bếp nhỏ xinh của NXB Phụ nữ Việt Nam, năm nay Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A liên kết với NXB Văn học tiếp tục cho ra mắt ấn phẩm “Sách Tết”, là một tuyển tập thơ văn, họa đặc sắc với sự góp mặt của nhiều cây bút tên tuổi như Ma Văn Kháng, Mạc Can, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Uông Triều, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần…
Đây là năm thứ ba Đông A ra “Sách Tết”, kể từ năm 2019, nối lại truyền thống giai phẩm Sách Tết sau 60 năm đứt đoạn. Sách gồm sáu phần: “Khúc dạo đầu của mùa xuân” ; “Thơ”; “Văn”; “Nhạc”; “Họa và muôn màu cuộc sống”; cuối cùng là “Vĩ thanh” với bài viết về “Thú chơi sách – bản đặc biệt: Những “trác tuyệt rợn ngợp” một thế kỷ qua”.
Mỗi phần của sách giống như một không gian nghệ thuật mùa xuân, với những tập tục truyền thống, nét đẹp văn hóa Việt Nam, những suy tư của người nghệ sĩ trước thời cuộc; Những vần thơ xuân dịu dàng, mong manh, hoặc mãnh liệt sức sống; Những câu chuyện ngày tết khi ấm tình người, khi thoảng sắc hoa đào, khi vương khói hương hư ảo; Những bản nhạc xuân nhiều thương mến; Những họa phẩm của phương Tây và phương Đông, sắc sơn mài Việt Nam óng ánh vừa truyền thống vừa hiện đại …
Góp mặt trong cuốn sách ở phần “Họa” là những tên tuổi lớn của làng hội họa đương đại Việt Nam cùng nhiều họa sĩ trẻ khác, như Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Hoàng Phượng Vỹ, Tạ Huy Long, Kim Duẩn, Nguyễn Công Hoan, Ngô Xuân Khôi, Đặng Hồng Quân, Thăng Fly…
“Sách Tết” của Đông A mang đến bầu không khí Tết trải dài trên cả ba miền đất nước, một không khí xuân quen thuộc với đào, mai, khói hương, mưa phùn đất Bắc hay nắng đỏ miền Nam, với hương vị của món ăn truyền thống, phong tục truyền thống. Sách Tết cũng mang cả sự háo hức trước dịp đoàn viên của mỗi gia đình, cả nô nức chuẩn bị đón Tết, đón xuân ở khắp mọi nơi.
Ngoài việc là ấn phẩm tập hợp các tác giả, họa sĩ tên tuổi, “Sách Tết” còn xứng danh là một giai phẩm với bản in đẹp, in màu toàn bộ trên giấy chất lượng cao, đánh số từ ST 0001 đến ST 2021, trong đó có 365 bản bìa cứng, có bìa áo, đánh số từ ST 0001 đến ST 0365, kèm hộp đựng sơn mài và tranh sơn mài dành cho người sưu tầm; và 1.656 bản bìa mềm, có bìa áo, đánh số từ ST 0366 đến ST 2021.
Những món lì xì ý nghĩa
Không bìa cứng, bìa dày đánh số trang trọng, nhưng NXB Kim Đồng năm nay cũng đã cho ra mắt loạt ấn phẩm Tết hoành tráng với nhiều tác giả quen thuộc với độc giả nhỏ tuổi như Hương Thị, Lê Thắm, Trương Quý, Đào Mạnh Long, Dương Thuấn, Hương Thị… Nhiều cây đại thụ trong làng văn học cũng hiện diện qua loạt ấn phẩm này như Tô Hoài, Huy Cận, Võ Quảng, Huy Toàn, Phong Nhã… Loạt ấn phẩm bao gồm “Kể chuyện Tết Nguyên Đán” (Lời: Trương Quý – Tranh: Kim Duẩn); hai tập tản văn trong bộ “Viết cho những điều bé nhỏ” như “Tết xưa thơ bé” (Hương Thị), “Nhớ ơi là Tết” (Thái Hương Liên); hai tập truyện ngắn trong Tủ sách Văn học Tuổi thần tiên: “Giao thừa không đến muộn” (Nguyễn Ngọc Hoài Nam), “Ngọn lửa đêm ba mươi” (Thùy Dương), cùng cuốn sách tranh với những vần thơ ngộ nghĩnh “Đúng là Tết!” (Lời: Bùi Phương Tâm, Tranh: Mai Ngô) phiên bản tiếng Anh “This is Tết!”.
Đặc biệt nhất trong loạt ấn phẩm Tết năm nay của Kim Đồng là “Nhâm nhi Tết – Tân Sửu 2021” với những câu chuyện nhỏ ấm áp, tươi vui, mang đến bầu không khí Tết đậm nét truyền thống ở nhiều vùng miền. Từ phong tục gói bánh chưng, dựng cây nêu, bày mâm ngũ quả… cho đến vẻ đẹp của tà áo dài, rồi các món ăn đặc sắc của mỗi vùng. Xen kẽ giữa những trang thơ, truyện ngắn, tranh minh họa là những câu chuyện thú vị về Trâu – con giáp của năm nay.
Điểm đặc biệt trong ấn phẩm của Kim Đồng là sự góp mặt của các họa sĩ trẻ, thậm chí rất trẻ như Quỳnh Chu, Bảo Anh, Tạ Lan Hạnh, Lê Huyền Trang, F. Buffy…
Mỗi mùa Xuân, sách Tết giờ đây đã gần như một loại “đặc sản” không thể thiếu về mặt tinh thần, cùng với báo Tết, tranh Tết, góp phần vào phong vị Tết của mỗi nhà.
Ý kiến ()