Cũng từ đầu năm này, chúng ta đón nhiều đoàn cấp cao của một số nước ở nhiều châu lục đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tất cả những hoạt động ngoại giao sôi động nhiều chiều ấy, đã mở ra quan hệ hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và các nước cùng quan tâm; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; tạo ra xung lực mới, góp sức thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta, phục vụ thiết thực mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nêu cao trách nhiệm chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao ở khu vực và quốc tế, từ ngày 11-4 đến 17-4-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sang dự Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân tại Mỹ; thăm và làm việc tại Cộng hòa Argentina.
An ninh hạt nhân – mối quan tâm lớn của nhân loại
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Obama, nguyên thủ 47 nước (gồm bảy cường quốc hạt nhân, các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự, đại diện các khu vực) và ba tổ chức quốc tế (LHQ, Liên hiệp châu Âu, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế) đã tham dự Hội nghị, tập trung trao đổi về bốn chủ đề là nguy cơ của khủng bố, buôn bán bất hợp pháp vật liệu hạt nhân, các biện pháp quốc gia, quốc tế và vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong việc ứng phó với nguy cơ này.
Bảo đảm an ninh hạt nhân là vấn đề cấp thiết đối với an ninh, phát triển của các quốc gia trong bối cảnh nhu cầu phát triển điện hạt nhân tăng mạnh để thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó với khủng hoảng năng lượng (hiện có 60 nước có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân) và nạn khủng bố quốc tế gia tăng. Các biện pháp quốc gia nhằm bảo đảm an ninh hạt nhân chủ yếu tập trung vào xây dựng pháp luật, thành lập các cơ quan Nhà nước chuyên trách về an toàn, an ninh hạt nhân, bảo vệ chặt chẽ vật liệu, cơ sở hạt nhân. Nhiều nước áp dụng các biện pháp mới, như chuyển sử dụng u-ra-ni có độ giàu cao sang u-ra-ni có độ giàu thấp, dùng các phương tiện phát hiện bức xạ tại các đầu mối giao thông quốc tế. Nga, Mỹ và các nước có công nghệ hạt nhân phát triển hoặc là nguồn cung cấp vật liệu hạt nhân chính đã khẳng định tôn trọng quyền sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân của các quốc gia, sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực này, nhưng cũng có yêu cầu chặt chẽ về bảo đảm an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ thông báo thành lập các trung tâm đào tạo về an ninh hạt nhân, sẽ tiếp nhận cán bộ chuyên môn từ các nước đang phát triển để trao đổi kinh nghiệm. Nhiều nước hoan nghênh Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới được ký kết giữa Nga và Mỹ; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh giải trừ vũ khí hạt nhân để giải quyết một trong những nguyên nhân cơ bản nhất của nguy cơ mất an ninh hạt nhân trên thế giới.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực vào các hoạt động của Hội nghị này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời là một trong những nhà lãnh đạo phát biểu dẫn đề về các nỗ lực quốc gia tại Phiên họp toàn thể, tham luận trên tất cả các chủ đề và tại cuộc trao đổi riêng của Phó Tổng thống Mỹ Bai-đơn với lãnh đạo nước ta và lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung nêu rõ quan điểm ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân (VKHN), không phổ biến VKHN, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, trong đó có việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; nhấn mạnh ý thức trách nhiệm cao của Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân; nêu rõ kinh nghiệm về chủ động xây dựng cơ sở pháp lý, hệ thống cơ quan kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh các vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ, tham gia nhiều điều ước, chương trình quốc tế có liên quan; đưa ra những đề xuất cụ thể được các nước quan tâm về việc đáp ứng thích đáng nhu cầu của các nước đang phát triển về ứng dụng năng lượng hạt nhân, tăng cường hiệu quả các cơ chế, tổ chức sẵn có, đặc biệt là LHQ và IAEA, phát huy sự tham gia của ngành công nghiệp hạt nhân, các tổ chức và cá nhân liên quan.
Hội nghị đã nhất trí thông qua Thông báo và Kế hoạch làm việc, nêu một số nguyên tắc chính và khuyến nghị một cách có hệ thống các biện pháp quốc gia, quốc tế nhằm bảo đảm an ninh hạt nhân; xác định thời gian tổ chức Hội nghị cấp cao tiếp theo vào năm 2012 tại Hàn Quốc. Cần nói thêm rằng, lúc đầu chỉ có 43 nước được mời dự; sau đó thêm bốn nước yêu cầu được tham gia, trong đó có Thái-lan. Điều đó cho thấy sự cần thiết thúc đẩy xu hướng hợp tác, đối thoại để giải quyết các vấn đề chung, đề cao yêu cầu giải trừ vũ khí hạt nhân, tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về sử dụng an toàn, an ninh năng lượng hạt nhân trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, sôi động, khó lường.
Vị thế Việt Nam trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại song phương
Tại Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế. Tổng thống Mỹ Obama sau khi bắt tay lần lượt các Trưởng đoàn, đã vòng lại chỗ Thủ tướng nước ta ngồi và nói: “Tôi sẽ mời Ngài phát biểu trong tốp đầu”. Trong khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Obama đánh giá cao việc Việt Nam tham gia Hội nghị, tỏ ý hài lòng về sự phát triển của quan hệ hai nước và nhận lời mời thăm Việt Nam. Các Tổng thống Nga, Ấn Độ cho biết, sẽ tham dự các hoạt động ASEAN tại Việt Nam. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mong muốn đón Thủ tướng ta dự Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010 và sẽ hội kiến với Thủ tướng trong dịp đó. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định tiếp tục hợp tác thực hiện ba dự án lớn tại Việt Nam; nhắc lại mong muốn được xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2, đề nghị phía Việt Nam khẳng định lựa chọn công nghệ tàu hỏa cao tốc Sin-kan-sen của Nhật Bản cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Thủ tướng Ca-na-đa chính thức mời Thủ tướng nước ta dự Hội nghị cấp cao G20 vào tháng 6 tới tại Ca-na-đa; nhất trí sớm ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đề nghị nước ta ủng hộ Ca-na-đa ứng cử vào Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2011-2012. Tổng thống Hàn Quốc mời Thủ tướng nước ta dự Hội nghị cấp cao G20 tại Hàn Quốc tháng 11-2010. Thủ tướng Niu Di-lân khẳng định sẽ thăm chính thức Việt Nam trong năm nay; đề nghị tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá cao việc nước ta tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng Đức dự kiến thăm nước ta cuối năm 2010 hoặc quý I-2011. Thủ tướng Na Uy mong muốn thăm nước ta, thúc đẩy hợp tác dầu khí và hàng hải. Tổng thống Philippines, Thủ tướng Singapore và Thủ tướng Malaysia chúc mừng thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội, mong các thỏa thuận đạt được nhanh chóng được triển khai. Thủ tướng Ma-rốc công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường; cam kết thúc đẩy Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và nghiên cứu khả năng hợp tác ba bên với nước ta; hoan nghênh việc tổ chức Hội thảo hợp tác với châu Phi sắp tới ở Việt Nam; đề nghị ủng hộ Ma-rốc ứng cử vào HĐBA năm 2012. Chủ tịch Hội đồng châu Âu mong hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) trước Hội nghị cấp cao ASEM 8 (tháng 10-2010), sớm khởi động đàm phán khu vực thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA); đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của nước ta. Tổng Thư ký LHQ cho biết sẽ sắp xếp thời gian thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao LHQ – ASEAN; đánh giá cao việc ta thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và triển khai sáng kiến “Một Liên hợp quốc” ở Việt Nam.
Với nước chủ nhà, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry; thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Richard Lugar; Chủ tịch Ngân hàng Thế giới R.Dô-lích; điện đàm với Cựu Tổng thống Bin Clinton. Trong các cuộc trao đổi ý kiến nói trên, phía Mỹ đánh giá cao vị trí chiến lược và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực, khẳng định Mỹ rất coi trọng và sẽ tăng cường quan hệ và hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Clinton cho biết sẽ đi Việt Nam dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7-2010 và cảm ơn Lãnh đạo Việt Nam mời Tổng thống Obama thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Phía Mỹ hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân (MOU) giữa hai nước, cam kết hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong vấn đề biến đổi khí hậu; sẽ xây dựng các chương trình cụ thể hơn để thúc đẩy hợp tác giáo dục – đào tạo; muốn hai bên mở rộng hợp tác an ninh chống khủng bố, tội phạm và hợp tác quốc phòng. Bộ trưởng Ngoại giao Clin-tơn hứa sẽ tìm cách tăng cường hợp tác trong vấn đề chất độc da cam.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Clinton mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến VKHN tổ chức vào tháng 5 tới; hoan nghênh hợp tác Mỹ – các nước hạ lưu sông Mê Công và cuộc họp lần hai tại Việt Nam vào tháng 7 tới, khẳng định việc đưa lĩnh vực giáo dục vào hợp tác trong khuôn khổ này.
Tại Argentina, nước có nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ-la-tinh, sau Brasil, Mexico, hai bên nhất trí cao về phương hướng cũng như các biện pháp tăng cường phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh – quốc phòng, năng lượng, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao… Điều này được thể hiện rõ qua Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Tổng thống nước Cộng hòa Argentina và một loạt văn kiện được ký trong chuyến thăm, như Hiệp định về Hợp tác Năng lượng; Bản ghi nhớ Hợp tác trên lĩnh vực đàm phán kinh tế và thương mại giữa hai Bộ Ngoại giao; Chương trình Hợp tác văn hóa giai đoạn 2010 – 2012 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa Argentina. Hai bên nhất trí duy trì tiếp xúc ở cấp cao. Chính phủ Argentina công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Hai bên chia sẻ quan điểm đối với nhiều vấn đề quốc tế, nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại LHQ, Diễn đàn hợp tác Mỹ-la-tinh và Đông Á…
Trao đổi cởi mở, thẳng thắn với các nhà doanh nghiệp hai nước
Tại Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng Bộ trưởng, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kích trao đổi ý kiến với đại diện gần 40 doanh nghiệp lớn, sau đó tọa đàm với Chủ tịch gần 20 doanh nghiệp hàng đầu; tiếp lãnh đạo các nhà nhập khẩu dệt may, Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may và da giày Mỹ; gặp riêng một số tập đoàn nhập khẩu lớn, như: Target, Limitel, Brands; lãnh đạo cấp cao Công ty GE, tập đoàn Bechtel, Westinghouse, Raysheou, Boeing; gặp Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam tại Mỹ. Trong dịp này, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã ký thỏa thuận với Citibank tài trợ vốn cho Dự án tổ hợp Bô-xít nhôm Lâm Đồng và Biên bản ghi nhớ về hợp tác dài hạn giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với GE Oil and Gas…
Tại Argentina, nơi có ngành sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc phát triển cùng các ngành công nghiệp mũi nhọn như: nguyên tử, sinh học, điện tử, tin học…, trong những năm gần đây, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trao đổi thương mại song phương năm 2009 đã đạt gần 640 triệu USD, tăng gấp bốn lần so với năm 2004. Hợp tác kinh tế giữa hai nước được mở rộng sang nhiều lĩnh vực đa dạng và đạt kết quả tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí và phong điện. Hai bên nhấn mạnh, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nghiệp và đầu tư hai nước thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp và tiếp cận, làm ăn ở thị trường hai nước; thúc đẩy trao đổi và đa dạng hóa quan hệ thương mại, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị gia tăng cao và giàu hàm lượng công nghệ cao. Đi đôi với hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cần triển khai mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao để thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước.
Trong các cuộc tọa đàm nêu trên, nhiều nhà doanh nghiệp hai nước rất phấn khởi khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chăm chú lắng nghe và trực tiếp giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp mình đang đầu tư tại Việt Nam. Điều lý thú là, nhiều doanh nghiệp lớn chân thành nói rằng, không có thắc mắc gì lớn, mà chỉ muốn “thông báo với Thủ tướng những tin vui” trong hoạt động của doanh nghiệp mình tại Việt Nam. Có một số doanh nghiệp tỏ ý quan ngại về chủ trương kiểm soát giá cả của Việt Nam. Thủ tướng cởi mở phân tích rõ cơ sở đề ra chủ trương đó, nhấn mạnh điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO. Một chủ doanh nghiệp vốn là Trung tướng năm xưa, đã từng tham chiến ở Việt Nam, sau khi nghe Thủ tướng lý giải, ông cười rất tươi và đề nghị Thủ tướng nên viết cuốn sách về bản thân mình, từ một người lính, nay đã là nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, đang trực tiếp điều hành nền kinh tế thị trường đầy sôi động và phức tạp của đất nước.
Thăm Tập đoàn IMPSA, một trong những tập đoàn mạnh về cơ khí, thủy điện, phong điện trên thế giới; thăm trang trại nho ở bang Mên-đo-xa, ông quyền Thống đốc bang và ông Chủ tịch Tập đoàn IMPSA đều mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước. Khi thăm xưởng chế tạo tuốc-bin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý tập đoàn nhận một vài học sinh sang học, ông Chủ tịch vui vẻ nói ngay: Sẽ cấp 10 học bổng cho các học sinh Việt Nam sang đây. Ông tâm sự: “Tôi biết Việt Nam qua chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Từ thuở ấy, tôi đã nghĩ mình phải làm cái gì đó giúp Việt Nam, thì hôm nay thời cơ ấy đã tới!”.
“Tin Việt Nam vững bước vì có Hồ Chí Minh”
Rời cuộc gặp làm việc với Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Argentina, Đoàn ta đã thấy nhiều người dân Argentina đứng trước cổng hô vang “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” với nét mặt rạng rỡ. Nhiều người vui vẻ bắt tay các thành viên trong Đoàn, chúc mừng thắng lợi đổi mới ở Việt Nam. Tại bữa tiệc do bà Tổng thống Cri-xti-na Phéc-nan-đết chiêu đãi Đoàn Việt Nam, Bà nồng nhiệt chào mừng những người đại diện cho một dân tộc có truyền thống anh hùng và bề dày lịch sử, đang hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bà xúc động nói rằng “tôi là thế hệ Việt Nam” từ những năm Việt Nam chống Mỹ dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà nhấn mạnh: Những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là tấm gương cho các nước đang phát triển; mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm này cho nhiều nước. Bà đánh giá cao Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 27 ở Argentina, cần được nâng lên tầm mới. Bà trân trọng chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ khi 12 tuổi đã tham gia sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Việt Nam, nay trở thành người lãnh đạo có uy tín trên trường quốc tế. Mặc dù chuyến thăm Argentina với thời gian ngắn, nhưng rất thành công. Hai bên đã ký ba dự án, trong đó có dự án phong điện với số vốn khoảng ba tỷ USD. Bà hứa sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 11 tới, cùng đi sẽ có cầu thủ Maradona. Bà gợi ý hai bên sẽ ký hợp tác về đào tạo cầu thủ bóng đá cho Việt Nam; đồng thời cùng hợp tác xây tượng đài Hồ Chí Minh ở Thủ đô Argentina.
Chiều 17-4-2010, đông đảo các tầng lớp nhân dân ở Thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét chứng kiến Lễ khởi công xây dựng công trình tượng đài Hồ Chí Minh tại Công viên “Cộng hòa XHCN Việt Nam” ở trung tâm thành phố. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phó Tổng Thư ký Bộ Bảo vệ môi trường và các công trình công cộng của Thủ đô, cùng đặt viên đá có ghi dòng chữ bằng tiếng Việt Nam và tiếng Tây Ban Nha: “Nơi đây sẽ dựng tượng đài Hồ Chí Minh, Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam”.
Mặc dù thời gian eo hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn dành nửa giờ tiếp Hạ Nghị sĩ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ với Việt Nam; Chủ tịch Hội Văn hóa Argentina – Việt Nam; Kiến trúc sư – Giám đốc Nhà Việt Nam… Nhà văn, cựu thuyền trưởng, người đã chỉ huy con tàu cập cảng Việt Nam vào năm 1993; đầu năm này, ông được mời sang dự Hội nghị dịch giả thế giới. Ông xúc động kể rằng, một lần tình cờ, ông đã được đọc tác phẩm “Việt Nam – tình yêu và cái chết”. Ông tự hào nói, Việt Nam chẳng những không chết trong chiến tranh, mà ngày nay đang hồi sinh nhanh chóng nhờ tư tưởng Hồ Chí Minh! Những người đang hoạt động trong Hội Hữu nghị này, đã và đang giới thiệu với nhân dân Argentina hình ảnh đất nước anh hùng, dân tộc Việt Nam hữu nghị và thân ái đang mở rộng vòng tay bè bạn, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có Argentina…
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Sứ quán nước ta ở đây cùng lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam ở Thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét, sau khi thông báo khái quát tình hình kinh tế – xã hội đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ những khó khăn của Sứ quán về điều kiện địa lý xa xôi, về cơ sở vật chất còn thiếu thốn; đồng thời nhấn mạnh vai trò của mỗi người Việt Nam ở đây là góp sức xây đắp nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Argentina, giữ mối liên hệ thường xuyên và trân trọng lớp người đã và đang ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập hôm nay.
Hướng về phía trước
Trong chuyến bay rời Argentina về Việt Nam dài 27 giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hầu như không ngủ, liên tục bàn công việc sắp tới với lãnh đạo một số ngành, một số doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý: Kết quả chuyến thăm cùng sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo hai nước Mỹ và Argentina phản ánh vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế nhờ có những thành tựu to lớn, cụ thể trong nhiều lĩnh vực, kết tinh trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, nhất là trong hai năm vừa qua, bị tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực tiễn cho thấy, tiềm năng mọi mặt của đất nước còn nhiều tiềm ẩn, sức mạnh nội lực chưa được phát huy cao. Trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, Thủ tướng gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ: Chúng ta cần nghiên cứu tạo ra giống lúa quốc gia; nghiên cứu để những giống cá quý của ta, như cá lăng, cá anh vũ, cá chình, cá chìa vôi, tôm hùm… đẻ được để nông dân có thêm việc làm và thu nhập cao. Thủ tướng nói rằng, các giống bông, ngô, nho, đậu tương… của ta năng suất còn quá thấp; ý tưởng biến nước mặn thành nước ngọt phục vụ cuộc sống ngư dân, và chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đã hình thành từ lâu, đến nay vẫn chưa thành hiện thực… Để khoa học công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu, cần xây dựng cơ chế khuyến khích tài năng, trong đó hết sức chú ý phát hiện các nhà khoa học trẻ, các sinh viên giỏi, tâm huyết tham gia đảm nhiệm một số đề tài, công trình nghiên cứu ứng dụng, phù hợp thực tiễn nước ta. Đây là kinh nghiệm tốt của Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác cần được tổng kết, nhân rộng. Nên chăng, trước mắt chọn mười vấn đề trọng tâm, trọng điểm để triển khai cụ thể và đầu tư vốn tập trung? Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để thúc đẩy những vấn đề quốc kế dân sinh đó. Theo ý tưởng này, các ngành công thương, văn hóa, ngoại giao, an ninh, quốc phòng… cũng cần “đặt lên bàn nghị sự” những vấn đề bức xúc của ngành mình, thực hiện dân chủ bàn bạc, khơi dòng trí tuệ, tìm đúng giải pháp bứt phá nhanh, hiệu quả…
Thủ tướng nhấn mạnh: Huy động tối đa sức mạnh nội lực, tranh thủ có hiệu quả nguồn ngoại lực – bài học ấy vẫn không hề xưa cũ. Vấn đề quan trọng hàng đầu là, mọi ngành, mọi cấp tổ chức thực hiện có bài bản, sát thực tế, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng vào công cuộc chấn hưng đất nước. Dân ta tốt, tin vào Đảng, nếu làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, vận động, thuyết phục sẽ trở thành sức mạnh lớn lao, tận dụng và tạo dựng thời cơ, tranh thủ vận hội, biến thách thức thành thuận lợi, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững trong thời gian không xa.
Ý kiến ()