Những em bé trọ học ở Lý Sơn
Vượt thuyền đi học
Chúng tôi tới Lý Sơn vào những ngày đầu hè khi năm học 2013 – 2014 sắp kết thúc. Tình cờ, gặp Nhật Vy đi cùng khoảng hơn 10 bạn nhỏ khác trên đường xuống thuyền sang đảo Bé. Trên tay các em xách lỉnh kỉnh nào rau, gạo, dầu ăn, củ quả… Trên chiếc thuyền nhỏ chở khách du lịch từ đảo Lớn sang đảo Bé, các em ngồi túm tụm dưới nắng giữa khoang thuyền. Có em còn tranh thủ ngủ gật nốt giấc mơ chưa tỉnh. Mặc dù còn giấu vẻ ngại ngùng nhưng khi hỏi đến các em đều cười rất tươi. Biết chúng tôi đi sang đảo và theo như lời ông chủ khách sạn dặn, phải mang theo cái gì cho bữa trưa vì bên đảo ấy không có quán cơm nhà hàng nào, Nhật Vy bẽn lẽn nói: “Cô về nhà cháu, cháu nấu cho cô ăn”.
Hôm ấy là chủ nhật. Cậu bé chủ thuyền nói với chúng tôi, các em nhỏ này nhà ở bên đảo Bé nhưng sang đảo Lớn trọ học. Cứ chủ nhật theo thuyền sáng trở về nhà thăm bố mẹ, ăn một bữa cơm ở nhà mình rồi lại theo thuyền chiều sang lại để kịp học vào sáng thứ hai.
Từ khi học hết cấp 1, Nhật Vy và chị gái Thủy Tiên đã xa bố mẹ sang đảo Lớn học cấp 2. Ở bên này, hai em ở cùng với bà nội. Ông nội mất đã lâu, tuổi già khiến bà nội bị lẫn. Hai em vừa học, vừa làm thêm và chăm sóc bà. Khi Lý Sơn vào mùa hành, mùa tỏi, một buổi các em đi học, buổi còn lại đi thu hoạch thuê cho bà con trong xóm để trang trải cuộc sống.
“Hồi đầu nhớ bố mẹ quá đêm nào con cũng khóc, con không muốn học mà chỉ muốn về nhà ở với bố mẹ thôi”, Vy kể.
Từ đảo Lớn sang đảo Bé chỉ mất khoảng hơn nửa tiếng đi thuyền. Nhưng những ngày thường các em vẫn phải đi học, vì vậy, những chuyến thuyền về thăm nhà vào cuối tuần bao giờ cũng ngập tràn niềm vui.
Chuyến thuyền cập bến đảo Bé, thấy bóng mẹ, Nhật Vy vẫy vẫy tay chào, miệng cười tươi rói. Mẹ Nhật Vy đã đến đứng chờ sẵn ở âu thuyền ngóng ra. Khi chân cô bé vừa chạm đất, mẹ ôm chầm lấy cô còn Vy thì cười rạng rỡ.
Trên cầu tàu sáng chủ nhật, lẫn trong du khách và những người chở hàng sang đảo, là những ông bố, bà mẹ đến đón con nhỏ. Những gương mặt trẻ thơ vừa mới ngái ngủ trên thuyền bỗng chợt ríu rít hân hoan khi nhận ra bóng người thân. Có em không đợi thuyền cập bến, nhảy ào xuống nhào vào lòng mẹ.
Nhật Vy ríu rít như chim non sau lưng mẹ.
Ước mơ từ đảo nhỏ
Khác với Nhật Vy, Minh Vy – cô bé nhà hàng xóm của Nhật Vy có mặt trên thuyền là bởi cô bé theo bố sang tận bên đảo Lớn để đón anh trai. Khi cậu bé chủ thuyền bảo Minh Vy dẫn chúng tôi về nhà, hóa ra nhà của Minh Vy là nơi phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi duy nhất trên đảo. “Nhà nghỉ Minh Vy” chỉ có ba phòng ở cấp bốn, mấy cái võng lắc lư ngoài sân ngóng ra cầu cảng. Minh Vy có gương mặt và dáng dấp của một “hoa hậu tương lai”, nhưng bây giờ thì em quá gầy, cao và trông có vẻ yếu ớt. Như những đứa trẻ chúng tôi gặp trên chuyến thuyền sang đảo Bé, Minh Vy ít nói, hỏi gì cũng cười nhỏ nhẹ. Minh Vy đang học lớp 4 ở trường Tiểu học An Bình. Năm sau em cũng sẽ phải theo anh trai qua bên đảo Lớn để học tiếp cấp hai.
Trước sự băn khoăn của chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Bí thư chi bộ thôn Bắc – xã An Bình giải thích: “Ở đảo Bé chỉ có một trường mầm non và một trường tiểu học. Trường mầm non thì chỉ có một lớp dành cho “mọi độ tuổi” từ một đến năm. Còn trường Tiểu học An Bình thì mỗi khối có một lớp. Lớp một có ba học sinh, các lớp còn lại từ lớp hai đến lớp năm mỗi lớp cũng chỉ được sáu đến bảy em.Trước đây đảo Bé cũng có trường Trung học cơ sở (cấp 2) nhưng do quá ít học sinh đã phải đóng cửa. Vì vậy, học sinh học hết lớp năm phải sang đảo Lớn học tiếp”.
Những em nhỏ từ đảo Bé (An Bình) sang đảo Lớn học tập hầu như rất khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ăn, ở. Thường thì các em ở cùng với chú, dì, người thân, họ hàng vì trường không có chỗ cho học sinh nội trú. Những em không có nhà người thân họ hàng thì ở nhờ nhà dân. Người dân bên đảo Lớn sẵn sàng cho các em bên này ở trọ đi học.
“Các cháu còn nhỏ đã phải xa bố mẹ, nhiều khi trong cuộc sống va chạm này nọ cũng dễ nản lòng, lâm vào trường hợp mất học nhiều lắm”, chị Thúy cho biết.
Nhiều em ở đảo Bé sang đảo Lớn học được một năm, hai năm rồi chán nản, tự bỏ học. Từng làm công tác hội phụ nữ, trong nhiều năm, chị Thúy và các chị em trong hội đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, vận động các gia đình, các cháu đi học trở lại. Có nhiều cháu đi học lại và học lên đến cấp ba. Cũng có nhiều trường hợp đã đi học trở lại, sau đó lại nản lòng, bỏ học về đi đánh cá, trồng trọt cùng bố mẹ. Cha mẹ vì thương con không có chỗ ở, lại nghĩ bụng sức học của con có hạn nên đành buông.
Chị Thúy cũng có cô con gái út đang học lớp 10 bên đảo Lớn. Hồi đầu con gái sang được một thời gian thì không chịu học nữa. “Nó bảo thà chịu dốt, chứ ở bên đấy sống xa cha mẹ, cực lắm. May mà mình tâm sự, tỉ tê với con nên bây giờ nó cũng quen rồi, chứ mà nó không chịu học, sống như bố mẹ nó thì khổ lắm!”, chị nói.
Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đủ nghị lực để có thể sống tự lập, tự mình vượt qua nỗi cô đơn, vượt sóng bằng những chuyến thuyền về thăm nhà mỗi tuần. Điều kiện khắc nghiệt ở Lý Sơn khiến cho việc học tập ở nơi đây còn có nhiều vấn đề phải giải quyết.
Ông Trương Văn Sửu, Chánh văn phòng huyện ủy Lý Sơn cho biết, tình trạng học sinh bỏ học vẫn xảy ra ở cấp THCS chiếm tỷ lệ 1%/năm, trong đó phần nhiều là các em học sinh từ đảo Bé sang học cấp hai ở đảo Lớn. Chất lượng giáo dục của huyện Lý Sơn hiện vẫn chưa cao, tỷ lệ học sinh yếu, kém ở cấp THCS, THPT chiếm đến 20%.
Ôm tạm biệt cô bé Minh Vy có đôi mắt trong trẻo, chúng tôi hỏi sau này con muốn làm gì, Vy cười bảo: “Con không biết”. Nhật Vy cũng không chắc chắn về tương lai của mình, em thích làm cô giáo, thích làm bác sĩ…
Những đứa trẻ có cái tên rất đẹp: Nhật Vy, Thủy Tiên, Minh Vy, Thanh Bình, Bảo Ngọc… như gửi gắm bao ước mơ của bố mẹ vào con cái. Nơi các em sống đúng như tên gọi An Bình – đẹp hoang sơ và bình yên. Nhưng cuộc sống còn nhiều vất vả. Đời người cứ mòn mỏi trông chờ vào những chuyến thuyền, từ đồ ăn thức uống đến sự học của cả một đời người, cả những sinh linh bé nhỏ được sinh ra. Mùa mưa bão, người dân phải dự trữ đồ ăn, thức uống vì thuyền từ đảo Lớn qua lại khó khăn. Những đứa trẻ không sinh ra ở đảo vì cơ sở vật chất thiếu thốn. Đến kỳ sinh nở, các mẹ phải về đất liền để sinh, nếu sinh vào mùa mưa bão thì lại vất vả hơn, phải tính toán đi từ lúc trời yên bể lặng.
Những chuyến thuyền chở các em bé từ đảo Lớn về thăm nhà ở đảo Bé.
Chuyến thuyền trở về đảo Lớn buổi chiều, chúng tôi gặp lại những em bé của chuyến thuyền buổi sáng. Trên cầu cảng trước khi thuyền rời bến là cảnh chia tay bịn rịn. Những đứa trẻ mới hơn mười tuổi phải rời xa bố mẹ, dù gì cũng khiến chạnh lòng… Không túm tụm trò chuyện hay ngồi trên mạn thuyền ngóng về nhà, mỗi đứa ngồi một góc riêng, trốn nắng và mơ màng trong giấc ngủ. Không biết chúng có mơ về ngày mai
Ý kiến ()