Những dự án giúp người nghèo ở Kiên Giang
Các sản phẩm thủ công làm từ cây cỏ bàng đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Đến thăm những dự án này vào những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận niềm vui, sự phấn khởi của người dân thụ hưởng dự án. Khai thác cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công, xây dựng Làng Cầu Vồng ở khu "ổ chuột" là những dự án vì cộng đồng giúp người nghèo ở tỉnh Kiên Giang vươn lên trong cuộc sống.Cỏ bàng tạo... cơm, áoTheo quốc lộ N1, chúng tôi ra vùng biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia thuộc địa bàn của huyện Giang Thành (Kiên Giang). Đây là một huyện mới chia tách còn khá hoang sơ và thuộc dạng nghèo nhất tỉnh Kiên Giang. Chỉ mới vài tháng trước, lũ dữ tràn về gây tổn hại lớn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhưng nay, tất cả những dấu vết của trận lũ đã lùi về quá khứ, mầu xanh của sự sống đang hồi sinh mạnh mẽ. Sắc xuân trên vùng biên giới phèn, mặn là những đồng lúa, rau, màu xanh mướt. Âm thanh vui tươi vọng vang từ các phum,...
Các sản phẩm thủ công làm từ cây cỏ bàng đã được xuất khẩu đi nhiều nước. |
Đến thăm những dự án này vào những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận niềm vui, sự phấn khởi của người dân thụ hưởng dự án. Khai thác cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công, xây dựng Làng Cầu Vồng ở khu “ổ chuột” là những dự án vì cộng đồng giúp người nghèo ở tỉnh Kiên Giang vươn lên trong cuộc sống.
Cỏ bàng tạo… cơm, áo
Theo quốc lộ N1, chúng tôi ra vùng biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia thuộc địa bàn của huyện Giang Thành (Kiên Giang). Đây là một huyện mới chia tách còn khá hoang sơ và thuộc dạng nghèo nhất tỉnh Kiên Giang. Chỉ mới vài tháng trước, lũ dữ tràn về gây tổn hại lớn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhưng nay, tất cả những dấu vết của trận lũ đã lùi về quá khứ, mầu xanh của sự sống đang hồi sinh mạnh mẽ. Sắc xuân trên vùng biên giới phèn, mặn là những đồng lúa, rau, màu xanh mướt. Âm thanh vui tươi vọng vang từ các phum, sóc. Những chuyến xe đầy ắp hàng nông sản vẫn qua lại đều đều tại Cửa khẩu quốc gia Giang Thành. Xe rẽ phải bon bon trên con đường nông thôn dẫn vào “làng nghề cỏ bàng”. Hai bên đường bàng xanh phơi đầy, không khí lao động hối hả. Trên đồng cỏ mênh mông, nón trắng nhấp nhô. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em vẫn làm công việc nhổ bàng quen thuộc. Tiếng kẽo kẹt, kịt kịt của hai khung dệt phát ra trong “phân xưởng” sản xuất. Chị Hường và chị Hưởng ngồi dệt một khung, chị Phép và chị Tha một khung đang miệt mài làm việc. Anh Hà Trí Cao, điều phối viên Dự án Đầu tư khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công của địa phương, tươi cười chia sẻ: “Đa số bà con làm việc ở đây đều là người dân tộc Khmer, cho nên Tết Nguyên đán không phải là cái Tết chính trong năm. Mọi người vẫn tranh thủ lao động, để kịp giao hàng cho nhiều hợp đồng xuất khẩu vừa ký kết”.
Dự án Đầu tư khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công của địa phương được thực hiện tại xã Phú Mỹ và Phú Lợi (huyện Giang Thành) từ tháng 11-2004. Hiện, dự án đang thực hiện giai đoạn cuối, kinh phí đã giải ngân gần 120 nghìn USD do Hội sếu quốc tế tài trợ, thành công ngoài sự mong đợi. Không chỉ tạo được việc làm ổn định cho người dân địa phương, nâng giá trị sản phẩm làm từ cây bàng, mà còn bảo tồn một vùng sinh thái thích hợp cho sếu đầu đỏ trú ngụ, một loài chim quý nằm trong Sách Đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thời gian qua, dự án đã đào tạo nghề cho khoảng 500 công nhân, trong đó nhiều công nhân thành thạo kỹ thuật đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thu nhập của nhóm công nhân lành nghề từ 1,2 triệu đồng đến 3,4 triệu đồng/người/tháng, tăng ít nhất sáu lần, nhiều nhất là 11 lần thu nhập của người dân nơi đây khi chưa có dự án. Ngoài ra, có khoảng 300 hộ nông dân sống trong vùng dự án, khoảng một nghìn lao động nhờ bán nguyên liệu cỏ bàng, bán những sản phẩm đan, dệt tại nhà cũng có mức thu nhập từ 1 đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của “làng cỏ bàng” Giang Thành đã xuất khẩu sang 12 nước trên thế giới. Hơn thế nữa, nếu như từ năm 2004 đến 2007, vào mùa sếu hằng năm đàn sếu đầu đỏ về đồng cỏ bàng chỉ trên dưới trăm con, thì những năm gần đây mỗi mùa có hơn 200 con sếu đầu đỏ về trú ngụ.
Dự án không chỉ giúp người dân nghèo có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, mà còn làm thay đổi tập tục lạc hậu, suy nghĩ lỗi thời của cả một cộng đồng dân cư nơi miền biên giới, biến những người nông dân Khmer nghèo, đông con, không hoặc ít đất sản xuất thoát khỏi cảnh chạy gạo, mượn tiền, không còn cảnh ngồi chờ các đoàn từ thiện về cứu đói trong thời gian giáp hạt. Sự rề rà của tập tục sản xuất nông nghiệp cũng dần biến mất để nhường chỗ cho tác phong công nghiệp năng động, đúng giờ, đúng việc. Người nông dân nghèo cũng không còn lầm lũi, nhút nhát khi gặp người lạ mà đã tự tin, hoạt bát, cười nói nhiều hơn. Qua cách phân công lao động, tác phong làm việc và sinh hoạt, giao tiếp tại các phân xưởng và các phum, sóc đã nói lên được tất cả điều đó. Chị Hường vừa làm việc vừa tâm sự: “Thích công việc này lắm! Tiền công, xài một nửa, một nửa để dành”. Vợ chồng anh Danh Lợi, chị Giàu cả hai đều ngoài 40 tuổi, làm việc từ ngày dự án mới đi vào hoạt động. Trước đây, Danh Lợi không có việc làm, cho nên ngày ngày chỉ biết nhậu nhẹt. Một mình chị Giàu chạy ngược chạy xuôi tìm việc làm thuê nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn, vợ chồng hục hặc, con cái nheo nhóc. Từ khi vợ chồng vào làm công nhân cho dự án có nguồn thu nhập ổn định, chuyên cần lao động, gia đình thoát nghèo, vui vầy, hạnh phúc. Hòa trong niềm vui, Danh Lợi chia sẻ: “Tết Việt được nghỉ. Mua đồ về nhà ăn Tết, và đi thăm người thân. Trước đây làm thuê, không có tiền trong túi. Giờ có dư tiền, vui lắm!”.
Bãi rác đã thành… làng
Đường mới Lê Anh Xuân là một nhánh nối với đường Quang Trung dẫn vào “Làng Cầu Vồng” thuộc khu phố Võ Trường Toản, phường Vĩnh Quang (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Một trong những nơi hẻo lánh nhất của TP Rạch Giá, nhưng sắc xuân đã ngập tràn từ đầu đường vào tận ngõ cụt. Hoa cúc, hoa mai nở rộ bên đường, trước sân và vào tận nhà. Tiếng nhạc vang vọng khắp xóm, bọn trẻ hả hê nô đùa. Đến “Làng Cầu Vồng”, nếu không được giới thiệu từ trước, chúng tôi cũng không thể nghĩ rằng, những dãy nhà sạch đẹp, khang trang còn thơm mùi vôi vừa được xây dựng ngay trên một nơi bẩn thỉu nhất thành phố. Những người dân vô tư, hồn nhiên, trên gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười này vừa thoát khỏi kiếp bần hàn, cơ cực, hàng chục năm trời phải sống lay lắt bên lề một thành phố trẻ sôi động bậc nhất miền Tây Nam Bộ.
Chỉ mới hai năm trước, người dân nơi đây chưa có khái niệm mùa xuân. Khi đó, toàn khu vực này là nơi chứa rác thải của thành phố. Họ là cư dân nghèo từ khắp nơi tụ hội về sinh sống bằng nghề nhặt những phế phẩm từ rác. Những căn lều bằng lá, bạt được che chắn tạm bợ, lâu ngày trở thành khu “ổ chuột” lớn nhất thành phố. Gần nghìn con người chen chúc để sinh sống trong điều kiện tạm bợ, tồi tàn. Nhà không hộ khẩu, người không chứng minh nhân dân, trẻ em không khai sinh, không được học hành, không được hưởng các dịch vụ y tế. Tình hình an ninh trật tự trong khu vực phức tạp, trở thành gánh nặng cho chính quyền địa phương.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang Lê Văn Hồng là người có công lớn trong việc vận động tài trợ, nhằm tìm lại những “quyền cơ bản” cho người dân nơi đây. Qua ông, chúng tôi được biết, Dự án “Làng Cầu Vồng” do Liên hiệp đứng ra vận động tổ chức quốc tế Habitat tài trợ thực hiện, với tổng kinh phí đã giải ngân gần 18 tỷ đồng. Dự án là một khu dân cư khép kín, 100 căn nhà được bố trí thành nhiều dãy, đường nội bộ, công trình cấp điện, nước hoàn chỉnh, nằm cạnh một ngôi trường tiểu học và một trung tâm dạy nghề. Tất cả những gia đình được tặng nhà tại “Làng Cầu Vồng” đã được chính quyền làm hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, giấy khai sinh. Người có nhu cầu được đào tạo nghề, được giới thiệu việc làm. Trẻ em đến tuổi được đến trường, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng đầy đủ các “quyền cơ bản” mà cha mẹ, anh chị họ trước đây chưa được hưởng. Nhiều người ví von, Dự án “Làng Cầu Vồng” như một ông tiên ban cho người dân nghèo, vô gia cư những điều ước hiện thực. Anh Lý Thông xúc động chia sẻ: “Tui 45 tuổi, có vợ, chín con. Tui cũng không biết đã làm nghề này (nhặt rác) từ khi nào, nhưng chắc hơn 20 năm rồi. Từ nhỏ đến giờ, mới được ở trong nhà đẹp. Tết năm nay vui lắm!”. Bà Sáu (64 tuổi) bày tỏ: “Tui và con cháu sống ở bãi rác đã hơn chục năm. Con cái không có giấy khai sinh, không được học hành. Giờ có hộ khẩu, có chứng minh nhân dân, có giấy khai sinh rồi lại được đi học, được đào tạo nghề nữa. Tui rất biết ơn Đảng, Nhà nước!”.
Mùa xuân này “Làng Cầu Vồng” có thêm những niềm vui. Tập đoàn Holcim vừa đến trao 100 phần quà và một 100 chiếc xe đạp tặng trẻ em, người dân; đồng thời tài trợ cho quỹ tạo việc làm của dự án gần 1,5 tỷ đồng. Tại buổi lễ trao quà, ông Danh Tiên đại diện cho 100 gia đình ở “Làng Cầu Vồng” đã xúc động bày tỏ: “Nếu không có Đảng, Nhà nước quan tâm, các nhà hảo tâm tài trợ, tất cả chúng tôi sẽ chẳng biết đến bao giờ mới có được như ngày hôm nay. Và không biết mùa xuân khi nào mới đến?”. Khi chúng tôi sắp hoàn thành bài viết này, thông tin từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang cho biết, đã có một tổ chức quốc tế cam kết tài trợ để nhân rộng mô hình “Làng Cầu Vồng”. Dự án đang gấp rút được triển khai. Trong năm 2012, tại tỉnh Kiên Giang sẽ có nhiều “Làng Cầu Vồng” mới được xây dựng để đưa mùa xuân về với những gia đình nghèo, những cảnh đời bất hạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()