Những động thái tích cực của thị trường thế giới những tháng cuối năm
Bức tranh kinh toàn cầu năm 2016 những tháng cuối năm khởi sắc hơn bởi dấu hiệu từ nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vượt qua cả những dự báo trước đó; các nước OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu của khối; nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ tăng lãi suất vào ngày 14/12...
Từ dấu hiệu lạc quan của kinh tế Mỹ…
Ngày 28/11, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria bày tỏ tin tưởng rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng gấp đôi trong những năm tới do tác động của các chính sách mới của ông Trump.
Với việc cắt giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng khoảng 2,3% trong năm tới và tiến tới đạt mức 3% trong năm 2018, tức là tăng gấp đôi so với mức 1,5% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2016.
OECD nhận định, GDP của Mỹ sẽ quay lại đà tăng trưởng vừa phải trong năm 2017 và tăng trưởng mạnh trong năm 2018, chủ yếu do chính sách hỗ trợ tài chính sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Điều này cũng sẽ giúp kinh tế toàn cầu trong vài tháng tới tăng trưởng nhanh hơn so với những dự đoán trước đó.
Theo giới phân tích, OECD cũng có cái nhìn lạc quan hơn đối với nền kinh tế Anh so với báo cáo công bố hồi tháng 9 vừa qua về tác động của Brexit. Theo tổ chức này, nước Anh sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay và 1,2% cho năm sau. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,9% trong năm 2016, 3,3% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria còn cho biết: “Thông điệp của dự báo kinh tế cho rằng, nếu các nhà hoạch định chính sách có thể tránh được cạm bẫy của chủ nghĩa bảo hộ và nắm bắt cơ hội cho những biện pháp tài khóa tổng thể với lãi suất cực kỳ thấp, kết hợp với những ưu tiên cải cách cấu trúc thì kinh tế toàn cầu cuối cùng cũng có thể thoát khỏi cái bẫy tăng trưởng thấp”.
Đến OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu…
Ngày 30/11, Bộ trưởng các nước thành viên OPEC trong cuộc họp không chính thức tại Vienna (Áo) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với mức 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay. Còn đối với các nước ngoài, OPEC sẽ cắt giảm 600 nghìn thùng/ngày.
Theo đó, Saudi Arabia sẽ giảm sản lượng 486.000 thùng mỗi ngày, tổng sẽ giảm xuống còn 10,1 triệu thùng/ngày; Iraq giảm 210.000 thùng mỗi ngày, tổng sẽ giảm xuống còn 4,4 triệu thùng/ngày; UAE giảm 139.000 thùng mỗi ngày, tổng giảm xuống còn 2,9 triệu thùng/ngày; Iran được đồng ý tăng sản lượng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị quốc tế trừng phạt.
Cũng theo thỏa thuận, Libya và Nigeria được miễn thực hiện cắt giảm. Riêng Indonesia phản đối thỏa thuận và quyết định đình chỉ tư cách thành viên OPEC. Nga – quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC, cũng tuyên bố sẵn sàng giảm 300.000 thùng mỗi ngày vào năm 2017 để ủng hộ thỏa thuận của tổ chức này.
Với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu còn ghi nhận bước chuyển biến mới trong quan hệ Saudi Arabia và Iran, với sự hỗ trợ và điều phối của Nga, Algeria và Qatar, chính phủ hai nước đã có thể vượt qua được những sự khác biệt xung quanh quan điểm về Syria và Yemen.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường năng lượng năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục khó khăn do dư thừa nguồn cung cho đến năm 2018, bởi nguồn dự trữ của một số nước vẫn còn lớn.
Và triển vọng FED sẽ tăng lãi suất…
Ngày 18/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – bà Janet Yellen đã có phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ. Trong phiên điều trần này, bà Janet Yellen đã có nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ (tín hiệu để có thể tăng lãi suất), khiến khả năng tăng lãi suất vào ngày 14/12 là rất cao.
Tuy nhiên, đây là thời điểm rất nhạy cảm với FED trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa kết thúc và thị trường đang chờ quyết định tăng lãi suất của FED. Đây cũng là lần đầu tiên bà Janet Yellen xuất hiện trước công chúng sau khi ông Donald Trump thắng cử.
Tuy nhiên, trong dài hạn, khi đảng Cộng hòa nắm quyền ở Mỹ, chính sách tiền tệ thường được nới lỏng (ngược với đảng Dân chủ). Điều này rất có thể sẽ không thể tăng lãi suất thêm nữa vì người kế nhiệm bà Yellen thì đương nhiên FED phải theo khuynh hướng của đảng Cộng hòa.
Những tín hiệu lạc quan trên khiến thị trường có những phản ứng tích cực như: Chốt phiên giao dịch ngày 30/11, trên thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 11 tăng 2,27 USD/thùng tương đương 5,9% lên 48,69 USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn tháng 11 tăng 2,38 USD/thùng tương đương 5,3% và chốt phiên ở mức 47,05 USD/thùng…
Tại New York, chỉ số chứng khoán Dow Jones cũng đã mở phiên tăng cao kỷ lục, nhất là nhóm ngành năng lượng tăng 4%, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, giới phân tích thận trọng cảnh báo dường như đây chỉ là những phản ứng trong ngắn hạn.
Như vậy, trái với các dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế hồi tháng 10 và đầu tháng 11, những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế đầu tàu, khả năng tăng lãi suất của FED và bản vị dầu của đồng USD, được quyết định bởi thỏa thuận giảm sản lượng khai thác của OPEC. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các yếu tố thuận nghịch đang đan xen, khiến các chuyên gia dự báo kinh tế toàn cầu vẫn còn đang hết sức thận trọng./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()