Những động lực mới cho việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN
Có lẽ chưa bao giờ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) lại được đề cập với tinh thần quyết liệt và nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá như hiện nay; theo đó, được xác định từ nhận thức đến cơ chế chính sách, đối tượng, lộ trình, trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2014, những giải pháp mới được liên tiếp đưa ra, tiêu biểu là Nghị định 01/2014/NÐ-CP, Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6-3-2014 của Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-TTg về tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Thông báo 85/TB-VPCP về việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung thực hiện cổ phần hóa 432 DNNN theo phương án đã phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các DNNN cần phải CPH theo hướng giảm mạnh hơn doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước và giảm mạnh DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cũng như giảm mức nắm cổ phần ở các DNNN cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Những DN có điều kiện thì thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo quy định hiện hành. Những DNNN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa có kết quả bán cổ phần lần đầu khác phương án đã được phê duyệt.
Yêu cầu Bộ quản lý ngành, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kết quả thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN trực thuộc định kỳ hằng quý, hằng năm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (báo cáo quý trước ngày 10 của tháng đầu quý sau, báo cáo năm trước tháng 2 của năm sau), với các thông tin cụ thể về kết quả thực hiện, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nếu có. Bộ Tài chính tổng hợp chung, định kỳ hằng quý, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đề cao trách nhiệm cá nhân
Điểm nhấn đột phá mới trong tổ chức thực hiện CPH hiện nay là xác định rõ và đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, DN, người đứng đầu, cấp ủy, tạo sự quyết tâm, thống nhất và trách nhiệm, kỷ cương.
Theo đó, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thuộc phạm vi phụ trách. Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo DN chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành DN.
Đồng thời, đẩy mạnh chế độ thi tuyển, hợp đồng có thời hạn gắn với kết quả sản xuất, kinh doanh đối với chức danh tổng giám đốc (giám đốc) trong DN 100% vốn nhà nước; về cơ chế tiền lương đối với các chức danh quản lý chủ chốt trong DNNN bảo đảm hợp lý, hiệu quả, theo cơ chế thị trường; chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Nhiều đơn vị, địa phương, như Bộ Giao thông vận tải và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức ký cam kết giao trách nhiệm cá nhân cụ thể để bảo đảm hoàn thành CPH DNNN trong đơn vị mình theo kế hoạch.
Cơ chế tài chính mềm dẻo hơn
Để hỗ trợ “làm sạch” bảng cân đối tài chính, tăng sự hấp dẫn của DNNN trong quá trình CPH, nhiều chính sách tài chính mới được triển khai, như xóa nợ đọng tiền thuế và phạt phát sinh trước 1-7-2007 cho bốn nhóm đối tượng DNNN theo tinh thần Thông tư 179/TT-BTC. Đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, ngoài các quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11-7-2013, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, DN được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại DN. Trường hợp đấu giá không thành công DN báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.
Ngoài ra, DN được chào bán ra công chúng số cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất kinh doanh. Và được căn cứ, theo đó năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ, đồng thời có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ nhưng không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; và năm liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát để chuyển giao doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01-11-2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giá mua được xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định.
Cùng với đó, cần tập trung phân định rõ nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ chính trị và kinh doanh của các DNNN; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng CPH kiểu khép kín, tạo sở hữu chéo, nợ chéo qua việc các DNNN này bán cổ phần của mình cho các DNNN khác; đổi mới cơ chế lương và mở rộng thi tuyển lãnh đạo trong DNNN, nâng cao quản trị DN, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DN theo quy định.
Hy vọng, những giải pháp trên sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực mới cho quá trình CPH DNNN trong thời gian tới.
Đ ề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, phải c ổ phần hóa 531 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ; sáp nhập, hợp nhất 25 DNNN ; giải thể, phá sản 16 DNNN và giao, bán 10 DNNN. Trong năm 2011 CPH đạt 12 DNNN, năm 2012 đạt 13 DNNN và năm 2013 đạt 74 DNNN.
Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014-2015 ngày 18 – 2 vừa qua , Thủ tướng Chính phủ khẳng định: C ổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong hai năm tới . Thể chế đã có, trách nhiệm, kỷ cương của người đứng đầu là giải pháp số 1 để thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014 và 2015.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()