Những động lực giúp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%
Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung.
Đối với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam vẫn phát triển ở mức khá, mặc dù đã có dự báo giảm so với trước đó.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt 6,2%; ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%; ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo đạt 6,3%.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Việt Nam có một số động lực tăng trưởng trong năm 2023. Điều này thể hiện rõ ở góc độ sản xuất và góc độ sử dụng.
Cụ thể, ở góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong khó khăn luôn thể hiện vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế; đồng thời, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và cũng đã đạt được những kết quả tích cực nên kết quả tăng trưởng sẽ ổn định khoảng 3% như những năm gần đây.
Tiếp đó là ngành công nghiệp, đối với công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ) dự báo sẽ có suy giảm do cầu tiêu dùng thế giới giảm đặc biệt trong quý 1 và có thể sang quý 2 năm 2023; nhưng việc chuyển hướng sang khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng để bù đắp.
Đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng, các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tập trung thực hiện trong năm 2023, như ngày 1/1/2023 đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đối với khu vực dịch vụ, năm 2023, tiếp tục có sự tăng trưởng khá nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây; khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao, khi đó những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí…
Bên cạnh đó, năm 2023, là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, khi thực hiện đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế.
Cùng với đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo tăng khá khi một số dự án lớn đang hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến đăng ký và thực hiện trong quý 1 năm 2023; các công ty tại Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây sẽ là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra cầu tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước.
Đối với xuất khẩu, mặc dù năm 2023 việc xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU sẽ gặp khó khăn, nhưng Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường FTA thế hệ mới; RCEP khi Trung Quốc mở cửa trở lại khi nới lỏng chính sách Zero COVID, nhờ đó dự báo có sự tăng trưởng xuất khẩu từ 6-8%.
Bên cạnh đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm 2023 thì lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đến Việt Nam, khi đó xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh.
“Cùng với các chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ trong năm 2023, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Quốc hội đã đề ra,” Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu tin tưởng./.
https://www.vietnamplus.vn/nhung-dong-luc-giup-hien-thuc-hoa-muc-tieu-tang-truong-gdp-65/840163.vnp
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()