Giai đoạn 2005-2010 đầy thử thách với Sóc Trăng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng đối mặt với không ít khó khăn, phải chấp nhận ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm đình đốn sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Ngoài khó khăn thiếu thốn về vốn đầu tư, thu ngân sách chưa đủ chi, kế tới là thiếu thốn về nguồn nhân lực, sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng ngày càng tăng, nhất là giữa thành thị với nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp với Sóc Trăng, tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer nhất khu vực Nam Bộ. Càng cho thấy nghị lực vượt khó của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ qua, dự kiến đến cuối năm 2010, 19/25 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra thực hiện cơ bản đạt và vượt kế hoạch.Chủ một trang trại nuôi tôm tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: "Khó...
Giai đoạn 2005-2010 đầy thử thách với Sóc Trăng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng đối mặt với không ít khó khăn, phải chấp nhận ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm đình đốn sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.
Ngoài khó khăn thiếu thốn về vốn đầu tư, thu ngân sách chưa đủ chi, kế tới là thiếu thốn về nguồn nhân lực, sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng ngày càng tăng, nhất là giữa thành thị với nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp với Sóc Trăng, tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer nhất khu vực Nam Bộ. Càng cho thấy nghị lực vượt khó của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ qua, dự kiến đến cuối năm 2010, 19/25 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra thực hiện cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Chủ một trang trại nuôi tôm tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Khó khăn tài chính như cơn bão, tuy nhiên trước sự bình tĩnh, tự tin của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng trong điều hành tháo gỡ khó khăn về kinh tế, mặt khác tôi nghề nào nghiệp đó, không theo kiểu hàng xáo, sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, không gói ghém vận mệnh cơ nghiệp theo cơn lốc cổ phiếu của thị trường chứng khoán, nên trước sau gì cũng vượt qua khó khăn mà thôi”. Những số liệu thống kê cho thấy, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong năm năm từ 2005 đến 2010, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GDP) tăng bình quân 11,33%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần khu vực I và tăng khu vực III. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 910 USD, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng 1,96 lần so năm 2005. Thu ngân sách Nhà nước 1.200 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng hai lần so năm 2005. Với niềm tin và sự phát triển mạnh mẽ, Sóc Trăng phấn đấu tăng thu để chi cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, sớm đưa ra các giải pháp kích cầu nhằm phát huy nội lực, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, động viên hợp lý nguồn thu ngân sách Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2015, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Sóc Trăng trong năm năm qua thực hiện được gần 26 nghìn tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng ba lần so nhiệm kỳ trước. Theo đó, kết cấu hạ tầng của tỉnh Sóc Trăng được tăng cường đầu tư phát triển, nhiều công trình trọng điểm đã được khởi công, tập trung đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như quốc lộ Nam sông Hậu, Quản Lộ – Phụng Hiệp, quốc lộ 60, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Cảng Trần Đề, Trung tâm Điện lực Long Phú, Đê tả hữu Cù Lao Dung, Bờ kè sông Maspero, Dự án Điện hóa hộ dân, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Dự án khu trú đậu tránh bão cho tàu đánh cá tại Kinh Ba, Dự án thoát và xử lý nước thải thành phố Sóc Trăng…
Mặc dù diện tích gieo trồng lúa của tỉnh Sóc Trăng không tăng so năm 2005, nhưng với sự chỉ đạo tập trung và bà con nông dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nên tổng sản lượng lúa hằng năm của tỉnh đạt hơn 1,7 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Giá trị sản lượng thu hoạch trên một ha đất nông nghiệp, thủy sản năm 2010 của tỉnh đạt 75 triệu đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng 2,2 lần so năm 2005.
Ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng là thủy, hải sản tiếp tục được phát huy và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, nhất là diện tích nuôi tôm sú phát triển khá ổn định. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, mô hình tôm lúa sản xuất có hiệu quả đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có những chuyển biến tích cực. Cảng cá Trần Đề được quan tâm đầu tư và là cơ sở hậu cần phục vụ cho tàu đánh cá các tỉnh trong khu vực. Đến cuối năm 2010, tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản 184.200 tấn, tăng 1,8 lần so năm 2005; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 338 triệu USD, tăng 1,48 lần so năm 2005.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, hải sản của Sóc Trăng khá năng động và nhạy bén trong việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ổn định và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, đến nay toàn tỉnh có mười nhà máy với công nghệ khá hiện đại, công suất khoảng 100.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010, thực hiện 7.000 tỷ đồng, đạt 74,46% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng 1,7 lần so năm 2005. Tỉnh đang triển khai xây dựng khu công nghiệp An Nghiệp, xúc tiến giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng cụm công nghiệp Cái Côn (huyện Kế Sách) và đã được phê duyệt quy hoạch, chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Trần Đề, khu công nghiệp Đại Ngãi.
Từ thành công trong phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm xuống còn 9,14% (Nghị quyết Đại hội đề ra dưới 15%); trong đó, hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm xuống còn 24,9%. Trong năm năm (2005 – 2010), toàn tỉnh đã vận động 42 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng, sửa chữa và bàn giao 1.725 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Thực hiện Quyết định 134 và Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 270 tỷ đồng, xây dựng hơn 33.000 căn nhà đoàn kết cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc Khmer khó khăn, bức xúc về nhà ở; hỗ trợ cho hơn 28.000 hộ Khmer nghèo về nước sinh hoạt, hơn 3.000 hộ về đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề gần 9.000 hộ, đào tạo nghề hơn 3.500 lao động người dân tộc Khmer. Thực hiện tốt việc bảo trợ và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm lo các đối tượng khó khăn, người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa…
Trong nhiệm kỳ tới, từ năm 2010 đến 2015, Đảng bộ Sóc Trăng tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, thủy sản là kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển, tạo sự đột phá trong sản xuất công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng CNH, HĐH, đồng thời huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại, nhằm cải thiện điều kiện tiêu thụ nông sản. Trong sản xuất nông nghiệp, Sóc Trăng tập trung phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả cao, thực hiện tốt sáu đề án như Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020; Đề án cơ giới hóa các khâu thu hoạch và sau thu hoạch trong sản xuất lúa đến năm 2015 định hướng đến năm 2020; Đề án phát triển giống vật nuôi giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án phát triển giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2010 – 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án khuyến nông – khuyến ngư có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010 – 2020; Đề án thí điểm bảo hiểm tôm sú nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; các chương trình giống cây trồng, vật nuôi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản. Thủy sản được tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái, quan tâm phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đa dạng hóa các đối tượng nuôi gắn với mở rộng các loại hình dịch vụ, hỗ trợ, bảo hiểm sản xuất. Cụ thể hơn, Sóc Trăng triển khai thực hiện Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2010 – 2015 định hướng đến năm 2020; dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra; đẩy mạnh khai thác biển, tăng năng lực đánh bắt xa bờ; gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tiếp theo, đó là việc tăng cường thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Phấn đấu trong giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ tăng GDP khu vực vùng biển, ven biển đạt khoảng 20%/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư lấp đầy khu công nghiệp An Nghiệp, quy hoạch hình thành trục phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ dọc tuyến Nam sông Hậu (từ An Lạc Thôn đến Vĩnh Châu) và đầu tư một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch và theo hướng thu hút các ngành sản xuất chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc và thủy sản, công nghiệp chế biến gỗ, cơ khí, vật liệu xây dựng, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và phát triển đa dạng mặt hàng xuất khẩu của tỉnh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nâng cấp và phát triển các cơ sở chế biến các mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng đạt 500 – 600 triệu USD; trong đó giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 400 – 450 triệu USD. Hiện nay, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đang rà soát, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện, môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư; mở rộng hợp tác đầu tư với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong năm năm 2010 – 2015, Sóc Trăng phấn đấu huy động khoảng từ 60 đến 70 nghìn tỷ đồng các nguồn vốn của toàn xã hội cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối với các tuyến giao thông do Trung ương đầu tư để tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, phát triển kinh tế vùng biển, ven biển của tỉnh. Thành phố Sóc Trăng được tập trung đầu tư đến năm 2015 đạt các tiêu chí đô thị loại II; thị trấn Vĩnh Châu, thị trấn Ngã Năm trở thành thị xã; thị trấn Trần Đề, thị trấn Đại Ngãi đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại IV; phát triển khu đô thị mới gắn với các khu công nghiệp và Trung tâm Điện lực Long Phú.
Sóc Trăng đúng nghĩa là công trường lớn, cho bước tiến công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Trong nhiệm kỳ tới, Sóc Trăng phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi, các bệnh viện tuyến huyện, Bờ kè sông Maspero, đường 940, đường tỉnh 4 thuộc hợp phần C, Dự án Khu trú đậu tránh bão cho tàu cá tại Kinh Ba, khu công nghiệp Trần Đề, Nhà thi đấu đa năng, Dự án cung cấp điện cho đồng bào Khmer. Phối hợp các đơn vị Trung ương hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tiếp tục phối hợp các đơn vị Trung ương triển khai Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, 3. Hàng loạt công trình sẽ khởi công như Khu hành chính tỉnh, Hồ bơi, Sân vận động tỉnh, Cảng Đại Ngãi, Đê biển, Dự án vùng trũng bốn huyện Thạnh Trị, Ngã Năm, Mỹ Tú và Châu Thành, Dự án Khu kinh tế biển.
Ưu thế về đặc điểm văn hóa của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa với các lễ hội dân tộc đặc sắc hằng năm, cùng với lợi thế về môi trường sinh thái ven biển, sông nước là điều kiện để Sóc Trăng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan di tích lịch sử-văn hóa. Bởi vậy Sóc Trăng phấn đấu đưa hoạt động du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang kêu gọi đầu tư khu du lịch Song Phụng, huyện Long Phú, Khu du lịch Hồ Bể, huyện Vĩnh Châu. Tin rằng, Sóc Trăng sẽ giàu hơn, đẹp hơn, là điểm đến của tiểu vùng Nam sông Hậu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()