Những đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Thụ với phong trào cách mạng Lạng Sơn
(LSO) – Đồng chí Hoàng Văn Thụ – người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn yêu mến và biết ơn sâu sắc.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, sang tuổi thiếu niên, anh được ra thị xã Lạng Sơn học trường Tiểu học Pháp – Việt. Trong thời gian học, anh đã chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước. Những biến động đó đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của người thanh niên yêu nước Hoàng Văn Thụ. Hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, anh đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, hòa mình trong phong trào đấu tranh yêu nước, trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và là một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Cán bộ Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu cho học sinh về ý nghĩa các bức ảnh và hiện vật. Ảnh: LA MAI
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt – Trung được thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển phong trào cách mạng Lạng Sơn. Năm 1930, đồng chí đã gây dựng được 3 tổ chức quần chúng trung kiên tại Lũng Nghịu (Trung Quốc), lan rộng tới Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài xã Tân Yên, châu Văn Uyên; cuối năm 1931 đồng chí đã giác ngộ được 10 tổ chức với 30 người ở Khơ Lếch; giữa năm 1933, đồng chí tới xã Thụy Hùng (Văn Uyên) tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Lạng Sơn do đồng chí làm Bí thư.
Tháng 7/1936, đồng chí tới Bắc Sơn gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 25/9/1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng, đồng chí tổ chức kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Ngày 11/4/1938, tổ chức kết nạp đảng viên ở xã Phi Mỹ, Tràng Định và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định.
Ngay khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ (27/9/1940), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã họp bàn để duy trì Đội du kích Bắc Sơn và tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 tháng 11/1940 đã quyết định phát triển hình thức đấu tranh vũ trang, thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Tại hội nghị này, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương lâm thời.
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu các tài liệu, hình ảnh tại triển lãm “Hoàng Văn Thụ – sáng mãi tên anh”. Ảnh: LA MAI
Giữa lúc phong trào cách mạng cả nước đang phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giặc Pháp bắt. Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng ta, phủ toàn quyền Đông Dương đã lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí phải khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng ta. Mặc dù đồng chí bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man, nhưng chúng đã không lay chuyển được tấm lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với cách mạng của người chiến sỹ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Đồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Đảng “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản”, hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí trước pháp trường làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội).
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí, Lạng Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng, những cống hiến to lớn của đồng chí đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Để biết ơn công lao của đồng chí, tỉnh Lạng Sơn đã đặt tên cho một phường tại thành phố Lạng Sơn; nhiều huyện trong tỉnh có xã mang tên Hoàng Văn Thụ; Trường Chính trị của tỉnh và nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được vinh dự mang tên Hoàng Văn Thụ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là nguồn cảm xúc cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tiểu biểu là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử “Hoa bất tử” của cố nhà văn Nguyễn Trường Thanh; cuốn lịch sử “Hoàng Văn Thụ – người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất”; cuốn “Hoàng Văn Thụ tên anh sáng mãi” và rất nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc…ca ngợi tấm gương người chiến sỹ anh hùng Hoàng Văn Thụ.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2019) là dịp để chúng ta tưởng nhớ về cuộc đời và cống hiến của đồng chí với phong trào cách mạng Việt Nam. Qua đó, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, tự hào và trân trọng hơn những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, đưa Lạng Sơn ngày càng phát triển, xứng đáng là quê hương cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, người lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
TRẦN THỊ THU HUYỀN Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy(Tổng hợp)
Ý kiến ()