Những doanh nghiệp tự cứu mình
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), chỉ trong chín tháng đầu năm, cả nước có hơn 40 nghìn doanh nghiệp phá sản (giải thể) hoặc chờ giải thể. Như vậy, trung bình mỗi ngày, có đến hơn 100 doanh nghiệp lâm vào tình trạng này, một con số đáng lưu tâm trong khi các doanh nghiệp thành lập mới không tăng đáng kể. Nhưng, trong bức tranh tối mầu đó, một số doanh nghiệp đã đổi mới hình thức kinh doanh, mẫu mã, thay đổi phương thức sản xuất... để tồn tại và tiếp tục phát triển.Những điểm sáng hiếm hoiTheo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn, hiện cả nước có khoảng 20% số doanh nghiệp làm ăn có lãi. Đó là những doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội tự mình vượt khó. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên giống cây trồng Hải Dương. Với số vốn ban đầu chỉ là bốn tỷ đồng, đến nay, vốn của công ty đã lên đến 48 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng cũng được công ty chú trọng xây dựng hiện đại gồm bảy xí...
Những điểm sáng hiếm hoi
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn, hiện cả nước có khoảng 20% số doanh nghiệp làm ăn có lãi. Đó là những doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội tự mình vượt khó. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên giống cây trồng Hải Dương. Với số vốn ban đầu chỉ là bốn tỷ đồng, đến nay, vốn của công ty đã lên đến 48 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng cũng được công ty chú trọng xây dựng hiện đại gồm bảy xí nghiệp được trang bị máy móc, hệ thống kênh mương và mỗi đơn vị được trang bị một máy gặt đập liên hợp, một nhà máy sấy nông sản với công suất hơn 2.000 tấn/năm, với tổng kinh phí đầu tư lên đến 51 tỷ đồng, tạo điều kiện tốt để công ty mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu, chọn tạo và cung ứng giống. Từ lúc chỉ sản xuất giống lúa nguyên chủng, đến nay, công ty đã sản xuất các giống lúa thuần, lai và giống cây vụ đông; cung ứng 2.500 tấn giống các loại/năm, chiếm 60% thị phần tiêu thụ giống của tỉnh và ngoài ra còn tham gia cung ứng giống cho nhiều địa phương lân cận. Đó là thành tích đáng nể đối với một doanh nghiệp giống của địa phương. Đời sống công nhân ổn định với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, cán bộ nghiên cứu khoa học 5 triệu đồng/tháng. Giám đốc công ty Trịnh Huy Đan cho biết, để có được thành công này là nhờ công ty xác định tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) phục vụ cho sản xuất chính, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, công ty cũng tuyển chọn, động viên được một lớp cán bộ thật sự tâm huyết với nghề, say mê nghiên cứu khoa học, nhiệt tình với nông dân.
Trong sóng gió của khủng hoảng kinh tế, thực tế cho thấy những đơn vị có tiềm lực về vốn cũng sẽ hạn chế được ảnh hưởng của trào lưu suy thoái. Đó là những công ty có vốn nước ngoài 100% hoặc thuộc về các tập đoàn kinh tế mạnh. Công ty TNHH ANT Á Châu, tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) là một thí dụ. Anh Thái Quốc Long, Giám đốc ma-két-tinh của công ty cho biết, cho dù khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh xảy ra nhiều và sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh, nhưng công ty vẫn ổn định sản xuất 19-20 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi/tháng, ổn định lương cho hơn 300 công nhân khoảng ba triệu đồng/ người/ tháng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An Trương Văn Hiền cho biết, để có đủ điều kiện hưởng lợi từ Nghị định 61 của Chính phủ, đơn vị chủ động xây dựng trại giống cây trồng ở xã Nam Liên, huyện Nam Đàn; xây dựng Nhà máy chế biến gạo, bảo quản lương thực tại huyện Nghi Lộc, nhưng khi làm thủ tục để có chính sách hỗ trợ đầu tư lại gặp nhiều phiền hà trong thủ tục giấy tờ. Dự án đầu tư sản xuất giống lúa chất lượng cao cũng đã trình các cơ quan có thẩm quyền hơn một năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt, nên dự án này vẫn chưa được triển khai. Nhìn chung, áp dụng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Nghị định 61, công ty mới được hỗ trợ 40% mua bản quyền giống và xây dựng cánh đồng mẫu lớn…
Tự tìm thị trường, mạnh dạn liên kết đầu tư đã trở thành phương châm tồn tại của nhiều doanh nghiệp và thực tế đã chứng minh đây là một hướng đi đúng. Công ty CP vật tư nông sản (Apromaco) – một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tư nhân, ba năm liên tiếp (2009, 2010, 2011) nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã liên doanh cùng Công ty CP Lương thực Phú Vĩnh (An Giang) xây dựng kho bảo quản và chế biến lúa gạo Phú Vĩnh tại xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn (An Giang) với công suất 40 nghìn tấn/năm. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Chúng tôi hợp tác với Công ty CP Lương thực Phú Vĩnh cùng thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, dự kiến năm nay sẽ xuất khẩu từ 70 đến 100 nghìn tấn gạo. Mô hình liên doanh này được kỳ vọng sẽ mở thêm hướng kinh doanh mới của công ty trong lúc thị trường kinh doanh cũ đang gặp khó khăn.
Doanh nghiệp bắt tay nhau vượt khó
Trước tình hình khó khăn chung, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có những bước đi đúng, hướng phát triển cũng như có những mẫu mã sản phẩm, giá cả phù hợp. Quan trọng hơn là phải có sự gắn kết với nhau để có thể cùng nhau phát triển. Để giúp các doanh nghiệp vượt khó, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông nghiệp nông thôn đã đứng ra làm nhịp cầu bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, trong mua bán trao đổi sản phẩm giữa các doanh nghiệp, khai thác các nguồn vốn nước ngoài (năm 2011 đã khai thác 150 triệu USD từ ngân hàng Đức), đồng thời giúp chuyển giao công nghệ, phổ biến khoa học, kỹ thuật cho nông dân, giúp người nông dân thay đổi giống cây trồng góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Mới đây nhất là việc trồng thử nghiệm thành công giống cỏ VA 06 không những giúp nông dân tự chủ nguồn thức ăn cho gia súc mà còn giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ bò chết do thiếu thức ăn trong mùa lũ, mùa rét tại các tỉnh miền núi phía bắc. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng nỗ lực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các tỉnh đào tạo từ năm nghìn đến bảy nghìn lao động mỗi năm góp phần nâng cao tay nghề, kiến thức cho nông dân. Đồng thời, tích cực tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội để sản phẩm của doanh nghiệp được quảng bá ra nước ngoài. Ngoài ra còn tìm những chương trình xúc tiến thương mại chi phí thấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nông thôn. Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Lê Khắc Triết, các doanh nghiệp cần phải gắn bó mật thiết với nhau để cùng sản xuất, cùng tiêu thụ sản phẩm, rất có thể thành phẩm làm ra của doanh nghiệp này lại là nguyên liệu của doanh nghiệp khác. Cứ như vậy các doanh nghiệp phải tạo thành một chuỗi liên kết để cùng nhau phát triển.
Thiết nghĩ, ngoài việc trông chờ những chính sách và trợ giúp từ Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, hơn lúc nào hết, để thoát khỏi sự đình đốn trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp phải dựa vào nội lực của chính mình. Ngoài yêu cầu năng động, nhạy bén, doanh nghiệp rất cần đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là tạo sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, đồng hành vượt qua những khó khăn của thời kỳ suy thoái kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()