Những điều khiến chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Ấn Độ trở nên đặc biệt
Tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Pháp ở thủ đô Paris trên cương vị khách mời danh dự, đón nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cao quý nhất của Pháp, đó chỉ là một trong số ít những điều khiến chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trở nên đặc biệt.
Cần biết rằng, Pháp vốn chẳng mấy khi mời lãnh đạo nước ngoài tham dự cuộc duyệt binh trên Đại lộ Champs-Elysees vào ngày 14-7, hoạt động thường niên kỷ niệm cuộc nổi dậy chiếm nhà ngục Bastille năm 1789 và khởi động cuộc Cách mạng Pháp sau đó. Lời mời hiếm hoi này cho thấy sự coi trọng mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dành cho mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ.
Theo RT, trong chuyến thăm của ông Modi, Tổng thống Macron đã khẳng định New Delhi là “đối tác quan trọng” của Pháp. Ông cho biết Pháp coi Ấn Độ là đối tác và bạn bè chiến lược, mô tả quốc gia Nam Á là “người khổng lồ trong lịch sử thế giới”, đồng thời đánh giá cao vai trò, vị thế của New Delhi.
Tổng thống Emmanuel Macron trao huân chương Bắc đẩu bội tinh tặng Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Twitter |
Tại buổi lễ trang trọng tổ chức ở Cung điện Elysee hôm 13-7, Tổng thống Macron đã trao tặng Thủ tướng Modi Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Đây là huân chương cao quý của Pháp trao tặng những tổ chức, cá nhân có đóng góp to lớn với nước Pháp, trong đó có các nhà văn hóa, khoa học, chính khách nước ngoài. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ nhận huân chương này.
“Hoan nghênh vai trò của Thủ tướng Modi trong việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và tin cậy, điều đã đoàn kết hai nước”, Tổng thống Macron cho biết khi trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh tặng Thủ tướng Modi.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày tới Pháp, Thủ tướng Modi đã hội đàm với người đồng cấp Pháp Elisabeth Borne, gặp lãnh đạo Thượng viện Pháp, phát biểu trước cộng đồng người Ấn Độ tại trung tâm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng La Seine Musicale trước khi tham dự một cuộc gặp riêng, ăn tối với Tổng thống Macron và phu nhân Brigitte Macron.
Chuyên gia về Ấn Độ Olivier Da Lage, nghiên cứu viên thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) của Pháp, đã tóm lược 3 lý do chính khiến chính quyền Tổng thống Macron quyết định “trải thảm đỏ” đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ. Lý do thứ nhất là để tăng cường quan hệ đối tác song phương Pháp-Ấn. Lý do thứ hai, Ấn Độ được coi là một trụ cột trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp, Ấn-Pháp có nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn toàn cầu. Cuối cùng, Ấn Độ là một nhân tố chủ chốt của khối ‘‘các nước phương Nam’’, hay ‘‘Nam bán cầu’’.
Xét về lịch sử, Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên mà Ấn Độ ký kết quan hệ đối tác chiến lược trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh (tháng 1-1998), sớm hơn 6 năm so với Mỹ. Hiện tại, Pháp nổi lên là một trong những đối tác quốc phòng chủ chốt của Ấn Độ với vị thế là nhà cung cấp quốc phòng lớn thứ hai trong giai đoạn 2017-2021. Hai bên có mối quan hệ chính trị sâu sắc đến mức Paris không cung cấp vũ khí cho các đối thủ của New Delhi.
Ấn Độ có các cuộc đối thoại chiến lược với nhiều quốc gia, nhưng chỉ cùng với Pháp tạo không gian chiến lược và quyền tự chủ trong chính sách đối ngoại. Đối thoại không gian chiến lược Pháp-Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức tại Paris vào ngày 26-6. Trước đó, hồi tháng 2, Ấn Độ, Pháp và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố lộ trình hợp tác đầy tham vọng trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và công nghệ trong khuôn khổ đối thoại chiến lược 3 bên.
Trong bối cảnh Pháp và Ấn Độ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược, sự hiện diện của Thủ tướng Modi tại Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chuyến thăm kéo dài hai ngày của Thủ tướng Modi dự kiến sẽ tạo nên những điểm nhấn, mang lại kỳ vọng tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược chung giữa hai nước, trong đó lĩnh vực hợp tác quốc phòng có thể là một điểm sáng./.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhung-dieu-khien-chuyen-tham-phap-cua-thu-tuong-an-do-tro-nen-dac-biet-734591
Ý kiến ()