Những điều cần lưu ý khi tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam
Ảnh minh họa |
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh được pháp luật thừa nhận và cần phải được đăng ký theo quy định. Khi tham gia vào những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp sẽ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, có ràng buộc pháp lý rõ ràng, được đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp, được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều đối tượng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn cố tình thực hiện dụ dỗ và lôi kéo người tham gia. Đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này là không có ràng buộc pháp lý rõ ràng, không chú trọng vào bán hàng hóa, dịch vụ mà chỉ tập trung vào tuyển dụng người tham gia, nhà đầu tư tuyến dưới để được hưởng hoa hồng theo phương thức đa cấp (như mô hình Ponzi).
Cần lưu ý, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép là trái pháp luật, thường có xu hướng lừa đảo rất cao. Do đó khi người dân có ý định tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì cần lưu ý các vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, kiểm tra doanh nghiệp đang tuyển dụng đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh theo phương thức đa cấp hay chưa?
Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (danh sách các doanh nghiệp BHĐC luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn, hiện nay là 22 doanh nghiệp).
Các tổ chức hay doanh nghiệp khác (không có tên trong 22 doanh nghiệp nêu trên) có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân KHÔNG tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.
Thứ hai, lưu ý trong các giao dịch đối với doanh nghiệp BHĐC đã được cấp giấy chứng nhận
Người dân cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp BHĐC: Về mặt pháp lý, căn cứ để ghi nhận một cá nhân là người tham gia BHĐC là việc giao kết hợp đồng tham gia BHĐC với doanh nghiệp hợp pháp. Do vậy, trong mọi trường hợp người tham gia cần ký hợp đồng bằng văn bản và phải lưu giữ 1 bản chính đã ký với doanh nghiệp BHĐC để có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình hoạt động BHĐC.
Sau khi ký hợp đồng, người tham gia BHĐC được tham gia miễn phí chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm các nội dung quan trọng như: Các quy định pháp luật về BHĐC; các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động BHĐC; các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia BHĐC, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.
Cần chú ý về các chứng từ, bằng chứng giao dịch với doanh nghiệp BHĐC: Trong tất cả quá trình hoạt động BHĐC, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền, mua bán hàng hóa, người tham gia cần xác định rõ đối tượng giao dịch với mình là doanh nghiệp BHĐC chứ không phải bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác (kể cả các cá nhân là nhân viên, quản lý của doanh nghiệp BHĐC).
Do đó, tất cả các chứng từ, bằng chứng khi giao dịch cần thể hiện đối tượng thực hiện giao dịch với mình chính là doanh nghiệp BHĐC (phải có dấu xác nhận của doanh nghiệp trên các tài liệu, chứng từ hay hóa đơn giao dịch để tránh việc các doanh nghiệp này thoái thác hoặc không thừa nhận các giao dịch trên khi có tranh chấp với người tham gia BHĐC).
Thứ ba, lưu ý các biểu hiện về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp
Các hành vi cấm đối với doanh nghiệp đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó phổ biến nhất là các hành vi có biểu hiện như sau:
Doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định (như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…) hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia BHĐC. Nếu không nộp các khoản phí này thì người đăng ký tham gia không được ký hợp đồng BHĐC với với doanh nghiệp;
Hoạt động của doanh nghiệp chỉ tập chung vào việc tuyển dụng người tham gia không chú trọng vào công việc bán sản phẩm hoặc mua bán hàng hóa chỉ mang tính hình thức. Nên các doanh nghiệp này thường sẽ trả cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu, lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp chứ không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.
Thứ tư, kịp thời cung cấp dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC cho cơ quan có thẩm quyền
Trong quá trình tham gia hoặc theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC, trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia BHĐC hãy biết cách lưu giữ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp để cung cấp cho cơ quan chức năng (Cục CT&BVNTD hoặc các Sở Công Thương địa phương) xử lý và đòi quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()