Những điều cần biết về “hợp đồng giả cách”
Từ vụ việc liên quan đến một số cá nhân ở Tập đoàn Tân Hiệp Phát nổi lên một vấn đề khiến nhiều người dân quan tâm, thắc mắc là “hợp đồng giả cách” là gì, có thuộc phạm vi quy định của pháp luật nước ta hay không, nhận biết như thế nào? Báo Quân đội nhân dân giới thiệu bài viết phân tích của Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn để tránh bị thiệt thòi khi ký kết hợp đồng giao dịch dân sự (GDDS).
“Hợp đồng giả cách” là hợp đồng giả tạo, không phải là ý chí thực của hai bên, được thiết lập trên cơ sở một quan hệ dân sự khác trước đó và nhằm che giấu một giao dịch khác nên không có hiệu lực pháp luật, không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên do giả tạo. Ví dụ, trong quan hệ vay mượn tài sản, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay yêu cầu bên vay nợ phải sang tên bất động sản của mình cho bên cho vay, nếu đến thời điểm trả nợ mà bên đi vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền định đoạt bất động sản đó để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Hoặc trong hợp đồng vay tài sản, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay yêu cầu bên đi vay phải sang tên cổ phần doanh nghiệp của mình cho bên cho vay để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Trong các giao dịch này thì hợp đồng vay tài sản là quan hệ dân sự có thật, có trước và được pháp luật bảo vệ, còn việc chuyển nhượng bất động sản hoặc sang tên cổ phần chỉ là giả tạo (các bên không có ý chí, không có mục đích mua bán, chuyển nhượng). Các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng này là không có thật, chỉ nhằm che giấu cho giao dịch vay tài sản, bản chất các bên hướng đến chính là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, không phải là ý chí mua bán, chuyển nhượng thực giữa các bên nên “hợp đồng giả cách” này vô hiệu.
Người dân cần tỉnh táo và đọc kỹ các điều khoản, nội dung hợp đồng khi ký kết hợp đồng giao dịch dân sự để tránh bị thiệt thòi. Trong ảnh: Người dân phường Nông Trang, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN |
Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: GDDS là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đồng thời, điều kiện có hiệu lực pháp luật của GDDS là chủ thể phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, nội dung và mục đích của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức của GDDS phải phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu một GDDS mà không tuân thủ quy định về nội dung, hình thức, không thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể, ý chí hoặc về trình tự thủ tục thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật thì GDDS đó vô hiệu. Khi GDDS vô hiệu thì không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, bên nào nhận của nhau thứ gì thì phải trả lại, bên nào có lỗi, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, GDDS vô hiệu khi không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 117 gồm: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với GDDS được xác lập; chủ thể tham gia GDDS hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức của GDDS là điều kiện có hiệu lực của GDDS trong trường hợp luật có quy định; các trường hợp khác do bộ luật này quy định.
Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về các trường hợp GDDS vô hiệu. Theo đó, các trường hợp giao dịch bị vô hiệu có thể được phân thành hai nhóm chính: Vô hiệu tuyệt đối (hay còn gọi là vô hiệu đương nhiên) và vô hiệu tương đối (hay còn gọi là vô hiệu bị tòa án tuyên vô hiệu). GDDS vô hiệu tuyệt đối thì mặc nhiên bị coi là vô hiệu. Còn đối với các giao dịch vô hiệu tương đối thì không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ trở nên vô hiệu khi có đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan và bị tòa án tuyên bố vô hiệu. Ngoài ra, các trường hợp GDDS vô hiệu còn được quy định tại Điều 123 đến Điều 129. Trong đó có trường hợp GDDS vô hiệu do giả tạo được quy định tại Điều 124, cụ thể như sau: Khi các bên xác lập GDDS một cách giả tạo nhằm che giấu một GDDS khác thì GDDS giả tạo vô hiệu, còn GDDS bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Ví dụ: Giao kết hợp đồng tặng cho tài sản nhằm che giấu hợp đồng gửi giữ. Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản nhằm che giấu bởi giao dịch vay mượn có bảo đảm. Trường hợp xác lập GDDS giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì GDDS đó vô hiệu. Ví dụ: Các bên thỏa thuận giao kết hợp đồng tặng cho nhưng không làm phát sinh quyền của người được tặng cho (hợp đồng tưởng tượng) nhằm trốn tránh việc trả nợ người cho vay trước đó. Khi đó, hợp đồng tặng cho giả tạo đó sẽ bị vô hiệu.
Như vậy, hợp đồng được xác lập về mặt hình thức nhưng không phải là ý chí thực của các bên; các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã ký kết; việc ký kết hợp đồng này chỉ để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ nào đó của một hợp đồng khác, che giấu bởi một giao dịch khác thì đây là hợp đồng giả tạo, hay còn gọi là “hợp đồng giả cách”. Chính vì vậy, hợp đồng này không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ loại hợp đồng này, hợp đồng này đương nhiên là bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Các bên đều hiểu hợp đồng giả tạo là vô hiệu, không có hiệu lực để thực hiện, các bên không có ý chí để thực hiện hợp đồng này. Tuy nhiên, lợi dụng hợp đồng giả tạo mà một bên nào đó được nhận tài sản, sau đó muốn chiếm đoạt nên không trả lại tài sản nữa, đơn phương công nhận hiệu lực của hợp đồng giả tạo thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sử dụng hợp đồng giả tạo như một phương thức thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật. Trong thực tế thì hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa các cá nhân với tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau mà các tổ chức đó không phải là tổ chức tín dụng thì thường sẽ không thực hiện được biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là thế chấp tài sản. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp bên cho vay tài sản đã yêu cầu bên đi vay phải sang tên bất động sản hoặc sang tên cổ phần doanh nghiệp cho bên cho vay nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bản chất là hình thức thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nhưng do nhiều yếu tố việc thế chấp không được thực hiện theo đúng thủ tục nên các bên sử dụng “hợp đồng giả cách” như vậy để bảo đảm quyền lợi cho bên cho vay). Nếu đến thời hạn trả nợ mà bên đi vay trả nợ đầy đủ thì bên cho vay sẽ sang tên lại cổ phần, sang tên lại bất động sản cho bên đi vay như là một hình thức tất toán, xóa thế chấp mà các bên không phải thanh toán cho nhau giá trị khi chuyển nhượng trở lại giống như một hình thức “chuộc” lại tài sản sau khi các nghĩa vụ trong giao dịch khác đã được thực hiện.
Với các GDDS song song, đồng thời như vậy thì bên đi vay luôn ở thế yếu bởi tài sản sang tên cho bên cho vay có giá trị lớn hơn rất nhiều lần giá trị khoản vay. Về mặt hình thức thì việc sang tên đó là một hình thức chuyển quyền sở hữu tài sản. Nếu có tranh chấp xảy ra mà bên đi vay không chứng minh được đây là “hợp đồng giả cách” thì có thể bị mất tài sản bởi “bút sa gà chết”. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho thấy đây là “hợp đồng giả cách”, bên cho vay lợi dụng “hợp đồng giả cách” (nhận được tài sản thông qua loại “hợp đồng giả cách” này) để chiếm đoạt tài sản của bên đi vay thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác nên cần phải xử lý hình sự để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân và xử lý đối với những người có lòng tham, lợi dụng sơ hở, khó khăn của người khác để chiếm đoạt tài sản.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/nhung-dieu-can-biet-ve-hop-dong-gia-cach-725685
Ý kiến ()