Những "điểm nóng" ở Trung Ðông chưa lắng dịu
Năm 2010, khu vực Trung Đông vẫn là "điểm nóng" thu hút sự chú ý của thế giới. Tia hy vọng khởi động lại con tàu hòa bình Trung Đông có lúc lóe lên, nhưng rồi lại vụt tắt bởi những vấn đề mấu chốt không thể giải quyết. Tình hình I-rắc chưa hết phức tạp, bạo lực tiếp tục gia tăng. Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân giữa I-ran với P5 1 vẫn ở "thế giằng co".Đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin đổ vỡSau khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin với sự trung gian của Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông G.Mít-sen hồi đầu năm 2010 không đạt kết quả, ngày 2-9, I-xra-en và Pa-le-xtin lần đầu nối lại đàm phán trực tiếp tại Oa-sinh-tơn (Mỹ). Đây được coi là tín hiệu tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, bởi sau gần hai năm đình trệ kể từ khi I-xra-en tiến hành cuộc chiến ở dải Ga-da tháng 12-2008, hai bên trở lại bàn đàm phán. Tại cuộc đàm phán trực tiếp lần này, I-xra-en và Pa-le-xtin đã thỏa thuận đại diện của hai bên gặp nhau hai...
Đàm phán hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin đổ vỡ
Sau khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin với sự trung gian của Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông G.Mít-sen hồi đầu năm 2010 không đạt kết quả, ngày 2-9, I-xra-en và Pa-le-xtin lần đầu nối lại đàm phán trực tiếp tại Oa-sinh-tơn (Mỹ). Đây được coi là tín hiệu tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, bởi sau gần hai năm đình trệ kể từ khi I-xra-en tiến hành cuộc chiến ở dải Ga-da tháng 12-2008, hai bên trở lại bàn đàm phán. Tại cuộc đàm phán trực tiếp lần này, I-xra-en và Pa-le-xtin đã thỏa thuận đại diện của hai bên gặp nhau hai tuần/lần trong vòng một năm nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua ở Trung Đông. I-xra-en cùng Pa-le-xtin chấp thuận về nguyên tắc sự có mặt của một bên thứ ba, có thể là NATO, chịu trách nhiệm giám sát an ninh biên giới của Nhà nước Pa-le-xtin tương lai; thừa nhận những đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Đổi lại, những phần đất bị chiếm đóng của Pa-le-xtin ở khu Bờ Tây sẽ trở thành một phần của I-xra-en… Tuy nhiên, cuộc đàm phán vừa mới bắt đầu đã đổ vỡ sau khi I-xra-en không gia hạn lệnh ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái mới hết hiệu lực vào ngày 26-9. Chính phủ cánh hữu của I-xra-en chia rẽ trong tiến trình tìm kiếm hòa bình với Pa-le-xtin. Những thành viên trong chính phủ của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu có quan điểm cực hữu không chấp thuận việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái, một điều kiện tiên quyết để phía Pa-le-xtin ngồi vào bàn đàm phán.
Ngày 14-11, với vai trò trung gian hòa giải, Mỹ đã đưa ra đề xuất mới về việc ngừng xây dựng các khu định cư của I-xra-en trong 90 ngày nhằm nối lại các cuộc đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục I-xra-en ngừng xây dựng các khu định cư. Ngày 15-12, Liên đoàn A-rập (AL) đã ra quyết định không nối lại đàm phán hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin nếu Mỹ không đưa ra một đề xuất nghiêm túc nhằm bảo đảm chấm dứt cuộc xung đột A-rập – I-xra-en phù hợp các nguyên tắc của tiến trình hòa bình. AL nhất trí đưa cuộc xung đột A-rập-I-xra-en cũng như vấn đề I-xra-en xây dựng các khu định cư Do Thái ra Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, và nếu Mỹ bỏ phiếu phủ quyết, sẽ chuyển vấn đề này lên Đại hội đồng LHQ. Giữa lúc các cuộc đàm phán I-xra-en – Pa-le-xtin lâm vào bế tắc, những diễn biến mới căng thẳng giữa hai bên khiến nỗ lực khôi phục đàm phán hòa bình càng khó khăn. Ngày 19-12, các tay súng của Phong trào Ha-mát ở dải Ga-da đã bắn rốc-két và đạn súng cối vào phía nam lãnh thổ I-xra-en.
Những ngày cuối năm 2010, có nhiều diễn biến mới thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Sau những nỗ lực ngoại giao của Pa-le-xtin, có thêm nhiều nước Mỹ la-tinh, các nước A-rập và châu Phi công nhận Nhà nước Pa-le-xtin độc lập ở khu Bờ Tây và dải Ga-da với các đường biên giới tồn tại trước tháng 6-1967. Một số quốc gia châu Âu như: Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Pa-le-xtin. Những động thái trên đã khiến Mỹ, đồng minh chiến lược của I-xra-en có phản ứng mạnh mẽ. Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án mọi hình thức đơn phương tuyên bố hay công nhận Nhà nước Pa-le-xtin, kêu gọi các nhà lãnh đạo Pa-le-xtin 'chấm dứt các nỗ lực né tránh tiến trình đàm phán', đồng thời yêu cầu chính phủ các nước 'không tiếp tục công nhận Nhà nước Pa-le-xtin'. Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) lên án nghị quyết của Mỹ là 'phi lý và không hỗ trợ vai trò của Mỹ là nhà bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông'. Thủ tướng Pa-le-xtin X.Phay-át bác bỏ tin cho rằng, Pa-le-xtin sẽ tìm cách đơn phương đề nghị công nhận nhà nước độc lập hoặc bất cứ giải pháp nào thay thế giải pháp hai nhà nước. Phía Pa-le-xtin nhấn mạnh, nếu Mỹ không thể gây sức ép với I-xra-en, Pa-le-xtin sẽ xúc tiến kế hoạch kêu gọi sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với Nhà nước Pa-le-xtin thông qua HĐBA LHQ.
Những diễn biến ở Trung Đông đã không đi theo những 'lộ trình' mà Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma vạch ra khi đắc cử đối với khu vực này. Vì vậy, Oa-sinh-tơn vẫn cam kết sẽ không thay đổi lập trường và kiên trì các nỗ lực cho tới khi Nhà nước Pa-le-xtin được thành lập bên cạnh Nhà nước I-xra-en. Mỹ đã đề xuất thảo luận riêng rẽ với Pa-le-xtin và I-xra-en về quan điểm đối với những vấn đề then chốt, bao gồm các đường biên giới của Nhà nước Pa-le-xtin và các thỏa thuận an ninh hiện đang cản trở tiến trình hòa bình. Cả Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu và Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông Mít-sen từng nhiều lần tuyên bố sẽ nỗ lực theo đuổi đàm phán với Pa-le-xtin. Tuy nhiên, Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục I-xra-en gia hạn lệnh ngừng xây dựng các khu định cư khiến tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục 'giậm chân tại chỗ'.
Tình hình I-rắc chưa ổn định
I-rắc đã trải qua một năm đầy biến động. Ngày 31-8, đánh dấu sự chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ tại I-rắc sau hơn bảy năm Mỹ phát động cuộc chiến tranh lật đổ chế độ X. Hu-xê-in. Lầu năm góc đã cắt giảm số quân đóng tại I-rắc còn chưa đến 50 nghìn và chuyển sang nhiệm vụ hỗ trợ, huấn luyện các lực lượng I-rắc. Chia rẽ nội bộ khiến chính quyền I-rắc gặp khó khăn trong thành lập chính phủ mới. Sau chín tháng bế tắc kể từ sau cuộc bầu cử QH hôm 7-3, đến ngày 10-11, các đảng phái ở I-rắc mới đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực để thành lập chính phủ mới. Ngày 21-12, QH đã thông qua danh sách thành viên chính phủ mới do Thủ tướng N. An Ma-li-ki đứng đầu, ba Phó Thủ tướng, 31 bộ trưởng và mười quyền bộ trưởng. Mặc dù chính phủ mới ở I-rắc đã được thành lập, hằng ngày trên đất nước này vẫn xảy ra các vụ tiến công khủng bố đẫm máu và hàng loạt các vụ đánh bom kép, khiến quốc gia vùng Vịnh này vẫn chìm trong bạo lực. Theo thống kê của Nhóm hoạt động bảo vệ quyền con người IBC ở I-rắc, số dân thường I-rắc chết do bạo lực trong năm 2010 là 3.976 người. Giao tranh giữa các tay súng người Hồi giáo dòng Xun-nít và dòng Si-ít diễn ra hằng ngày. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu năm 2003, khoảng 4.748 binh sĩ nước ngoài chết tại I-rắc.
'Sự đối đầu' giữa I-ran và P5 1
Ngay từ đầu năm 2010, thế giới đã chứng kiến 'sự đối đầu' giữa I-ran và P5 1 (gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và Đức) chung quanh chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Bất chấp đe dọa cấm vận kinh tế, I-ran tuyên bố kế hoạch tiếp tục làm giàu u-ra-ni và đẩy mạnh chương trình nghiên cứu hạt nhân mà nước này khẳng định là phục vụ mục đích dân sự. Trước sức ép của Oa-sinh-tơn, Tê-hê-ran liên tục dọa rút khỏi hiệp ước chuyển đổi hạt nhân với Bra-xin và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, I-ran chuyển 1,2 tấn u-ra-ni sang Thổ Nhĩ Kỳ để làm giàu, đổi lại 200 kg nhiên liệu hạt nhân dùng cho các lò phản ứng nghiên cứu ở Tê-hê-ran. Sau sáu tháng đối thoại căng thẳng giữa I-ran và nhóm P5 1 về vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran không đạt kết quả, ngày 9-6, HĐBA LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới, áp đặt lần trừng phạt thứ tư chống I-ran. Tiếp đó, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đơn phương siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Tê-hê-ran, bao gồm phong tỏa tài khoản ngân hàng và bảo hiểm, hạn chế vận tải và đầu tư vào các mỏ dầu và khí đốt mới, cũng như các hỗ trợ công nghệ cho việc phát triển khai thác dầu và khí đốt. Ngày 10-11, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã gia hạn thêm một năm lệnh phong tỏa các tài sản của I-ran tại nước này. EU thực hiện chính sách giảm hợp tác văn hóa kinh tế – xã hội với I-ran.
Chuyển từ 'chính sách đối đầu sang chính sách hợp tác', đầu tháng 12-2010, I-ran đã nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân với Nhóm P5 1. Mặc dù hai bên đã có những điểm 'tích cực' trong đàm phán, nhưng mới chỉ dừng ở cải thiện quan hệ, chứ không bàn tới vấn đề mấu chốt liên quan chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, bởi I-ran luôn khẳng định quyền sở hữu công nghệ và kỹ thuật hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình. Những bất đồng vẫn chưa được giải quyết buộc hai bên phải thỏa thuận tiến hành các cuộc đàm phán vào tháng 1-2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ và trọng tâm là hợp tác và tìm ra những điểm tương đồng. Trong khi đó, Nhà Trắng tiếp tục gia tăng sức ép đối với I-ran khi các cuộc thương lượng không đạt tiến bộ. Mỹ mở rộng trừng phạt đối với I-ran, mục tiêu nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng I-ran (IRG) và các ngành dịch vụ năng lượng và vận tải biển của nước này. Tuy nhiên, bất chấp trừng phạt về kinh tế, I-ran vẫn có những động thái thể hiện sự cứng rắn trước Mỹ và phương Tây. Cùng với những hoạt động củng cố khả năng kinh tế, tìm kiếm những đồng minh mới ở khu vực Mỹ la-tinh, I-ran còn tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc phát triển các loại tên lửa có tầm bắn 1.300-2.000 km, đồng thời tiến hành tập trận thường xuyên trên vùng Vịnh. Cuộc tranh cãi chung quanh vấn đề hạt nhân của I-ran với P5 1 vẫn ở 'thế giằng co'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()