Những “điểm nóng” nên tránh khi virus corona chưa được kiểm soát
Tp.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Quảng Ninh… là những điểm đến nội địa du khách nên tránh trong giai đoạn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (2019-nCoV) đang diễn biến khó lường.
Thông tin từ Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, hiện Việt Nam đã phát hiện 7 ca nhiễm virus corona cùng 73 trường hợp cách ly để theo dõi triệu chứng bệnh tại các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…
Vì vậy du khách nên hạn chế du lịch đến những địa điểm này trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Hiện Tổng cục Du lịch đã thông báo và hướng dẫn các cấp cơ sở địa phương những biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cao nhất cho khách du lịch.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Tổng cục Du lịch cũng thành lập một chuyên mục trên trang thông tin chính thức của Tổng cục, tại địa chỉ http://vietnamtourism.gov.vn để cập nhật thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho du khách.
Trước đó, ngày 22/1, 218 hành khách từ thành phố Vũ Hán đã đáp chuyến bay đến thành phố Đà Nẵng. Ngay lập tức, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã thông báo đường dây nóng cho người dân kịp thời thông tin nếu phát hiện các trường hợp bệnh bất thường.
Lo sợ virus 2019-nCoV, hàng loạt khách đã hủy tour du lịch đến thành phố biển này kể từ tối ngày 24/1 (30 Tết).
Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua, số lượng khách Trung Quốc đến tham quan tại các điểm du lịch ở Quảng Ninh ước tính lên tới cả chục nghìn người. Do đó, trong giai đoạn dịch chưa được khống chế hoàn toàn, để giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh du khách nên hạn chế những chuyến du lịch không cần thiết đến các tỉnh, thành phố kể trên.
Tuy nhiên, nếu không muốn thay đổi kế hoạch đã lên từ trước trong thời gian sắp tới thì đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây nhằm giảm nguy cơ bị lây nhiễm virus và có một chuyến du lịch an toàn.
1. Giữ khoảng cách xã giao với người khác trong vòng bán kính 1 mét. Trường hợp tiếp xúc với người có biểu hiện ho hoặc khạc nhổ đờm, nên tránh xa họ ít nhất 2 mét.
2. Tay là đường lây truyền dịch bệnh phổ biến nhất, nên hãy rửa tay càng thường xuyên càng tốt để tránh nhiễm khuẩn. Tốt nhất nên rửa tay với xà phòng ít nhất 20 giây. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, nên khử trùng bằng dung dịch sát trùng hoặc chất cồn có nồng độ cao.
3. Virus 2019-nCoV có kích thước khoảng 150-200 nm (nano mét), chủ yếu cư trú trong nước bọt và dịch nhầy mũi, nên việc dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn được các virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt hơi hoặc ho. Khẩu trang cá nhân cũng nên chỉ dùng 1 lần rồi thay mới, tránh dùng đi dùng lại nhiều lần.
4. Để đảm bảo an toàn, bạn nên mang theo chăn, gối cá nhân và khử trùng các bề mặt nếu phải tiếp xúc trên các phương tiện công cộng.
5. Khi cầm nắm các phương tiện công cộng, nên đeo găng tay, bởi lúc này bạn sẽ ở rất gần hoặc chạm vào các bề mặt mà nhiều người khác đã chạm vào trước đó. Nếu không có găng tay có thể thay thế bằng dung dịch sát khuẩn.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến tối 2/2, cả nước đang có 73 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (2019-nCoV) đang được cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, cả nước cũng ghi nhận 7 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp được xét nghiệm dương tính ngày 2/2.
Theo thống kê mới nhất đến tối 2/2, thế giới đã ghi nhận 14.642 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ (14.462 trường hợp mắc tại Trung Quốc), trong đó có 305 trường hợp tử vong (304 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và 01 trường hợp tử vong tại Philippines).
Trên thế giới đã ghi nhận 180 trường hợp trường hợp mắc tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc.
1. Nhật Bản: 20 trường hợp
2. Thái Lan: 19 trường hợp
3. Singapore: 18 trường hợp
4. Hàn Quốc: 15 trường hợp
5. Hong Kong (Trung Quốc): 14 trường hợp
6. Australia: 12 trường hợp
7. Đài Loan (Trung Quốc): 10 trường hợp
8. Đức: 10 trường hợp
9. Mỹ: 8 trường hợp
10. Malaysia: 8 trường hợp
11. Macau (Trung Quốc): 8 trường hợp
12. Việt Nam: 7 trường hợp
13. Pháp: 6 trường hợp
14. Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 5 trường hợp
15. Canada: 4 trường hợp
16. Italy: 02 trường hợp
17. Nga: 02 trường hợp
18. Philippines: 02 trường hợp
19. Anh: 02 trường hợp
20. Ấn Độ: 02 trường hợp
21. Nepal: 01 trường hợp
22. Campuchia: 01 trường hợp
23. Tây Ban Nha: 01 trường hợp
24. Phần Lan: 01 trường hợp
25. Thụy Điển: 01 trường hợp
26. Sri Lanka: 01 trường hợp./.
Ý kiến ()