Những điểm mới được đề xuất tại dự thảo: Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
– Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, tạo thuận lợi cho Nhân dân, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, xuất hiện một số vấn đề phát sinh cần được xem xét để sửa đổi, bổ sung.
Mới đây, Dự án Luật CCCD (sửa đổi) được Bộ Công an đề xuất trình Quốc hội bao gồm 7 chương, 46 điều (dự kiến được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023) có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó có việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD và sửa đổi một số thông tin trên bề mặt thẻ CCCD nhằm hướng tới việc đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và đáp ứng yêu cầu phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số.
Ảnh minh họa
Việc lăn vân tay khi thu nhận hồ sơ cấp chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và nay là CCCD gắn chip là một trong những yêu cầu bắt buộc. Vân tay của 2 ngón tay trỏ được in trên bề mặt thẻ. Theo đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Luật CCCD, tới đây, vân tay của công dân sau khi được thu nhận, thì toàn bộ thông tin sinh trắc vân tay này sẽ được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu CCCD và sẽ không được in trên bề mặt thẻ.
PGS.TS Trần Quang Đức – Trung tâm An toàn an ninh thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Việc lược bỏ này là cần thiết và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Vân tay là một đặc trưng sinh trắc vì thế nó khác so với mật khẩu. Nhưng vân tay khi bị lộ rất dễ bị làm giả, ảnh hưởng đến quyền công dân. Do vậy việc lược bỏ vân tay in trên căn cước công dân giúp tăng cường bảo đảm an ninh thông tin, đảm bảo quyền riêng tư cá nhân trước các nguy cơ lộ lọt dữ liệu vân tay.
Về phía người dân, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình trước đề xuất mới này của Bộ Công an. Bởi dấu vân tay là cơ sở nhận dạng rất quan trọng cần được bảo vệ.
Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết: Dữ liệu vân tay đã được tích hợp vào trong chíp được gắn ở trên thẻ CCCD cho nên việc in vân tay ở trên bề mặt của thẻ không còn quan trọng nữa. Việc lược bỏ vân tay hoàn toàn không ảnh hưởng tới bất kỳ hoạt động giao dịch tài chính, hay thủ tục hành chính của công dân. Những dữ liệu về sinh trắc học của công dân được lưu trữ ngay trên chip của CCCD.
Cùng với việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD thì 1 số thông tin trên bề mặt thẻ cũng đang được Bộ Công an tiến hành đề xuất sửa đổi. Việc sửa đổi này được kỳ vọng tạo ra những bước chuyển trong công tác quản lý, bảo đảm thuận lợi cho công dân trong quá trình cấp, sử dụng thẻ CCCD.
Theo dự thảo, mẫu thẻ CCCD mới được đề xuất thay đổi như: số CCCD đổi thành mã số định danh cá nhân, chính là dãy số 12 chữ số như hiện hành; quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú đổi thành nơi cư trú… Những thông tin như Quốc tịch, họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn… sẽ được giữ nguyên.
Lý giải thêm về việc sửa đổi này, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết: Quy định mới sẽ giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ CCCD. Khi công dân có sự thay đổi thông tin sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, do vậy cơ quan quản lý CCCD hoàn toàn có thể quản lý được công dân. Điều này cũng được cho là phù hợp với xu thế hiện nay.
Việc thay đổi các thông tin được in trên mặt thẻ CCCD không làm phát sinh chi phí cũng như là thủ tục của người dân. Người dân được cấp CCCD gắn chíp hiện nay vẫn sử dụng bình thường đến khi cần phải thay đổi theo quy định của luật. Những thông tin thay đổi trên CCCD để đảm bảo tính chính xác hơn. Mục tiêu xây dựng luật là hướng tới đem lại tiện lợi tối đa cho người dân trong cuộc sống hằng ngày, giảm thủ tục hành chính và giảm nhiều giấy tờ liên quan.
Ý kiến ()