Những điểm mới đáng chú ý trong tự chủ tuyển sinh năm 2015
Đa dạng phương thức tự chủ tuyển sinh Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), năm 2015, cả nước có 133 trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh theo đề án tự chủ. Trong đó, có 45 trường ĐH, CĐ ngoài công lập và 88 trường ĐH, CĐ công lập. Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh đều phải xây dựng đề án lấy ý kiến dư luận xã hội và được Bộ GD và ĐT xác nhận bảo đảm các điều kiện để tự chủ tuyển sinh. Phần lớn các trường tự chủ đều thực hiện hai phương thức xét tuyển, đó là dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT của thí sinh.
Điển hình như Trường ĐH Hòa Bình dành 30% tổng chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì (thí sinh phải đạt ngưỡng tối thiểu do Bộ GD và ĐT quy định); dành 70% tổng chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm khá trở lên. Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định xét tuyển 20% tổng chỉ tiêu dựa vào kỳ thi THPT quốc gia; 80% tổng chỉ tiêu dựa vào điểm học bạ lớp 12 của các môn xét tuyển tương ứng với các môn thi tốt nghiệp của thí sinh.
Ngoài các hình thức xét tuyển như trên, nhiều trường có môn thi năng khiếu vừa xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập THPT, vừa tự tổ chức thi môn năng khiếu. Điển hình như Trường ĐH Đại Nam xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả học tập THPT, hạnh kiểm khá trở lên. Ngoài ra, trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì; ngưỡng xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Tuy nhiên, Trường ĐH Đại Nam chỉ sử dụng kết quả thi hai môn từ kỳ thi THPT quốc gia, còn lại môn năng khiếu sẽ tự tổ chức thi để xét tuyển. Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng tổ chức hai hình thức xét tuyển là dựa vào kết quả học tập THPT và kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì theo ngưỡng điểm tối thiểu do Bộ GD và ĐT quy định và xét tuyển. Ngoài ra, đối với ngành kiến trúc, thiết kế đồ họa, nhà trường tổ chức thi năng khiếu cho thí sinh.
Đáng chú ý, trong số các trường ĐH, CĐ thực hiện tự chủ tuyển sinh thì ĐH Quốc gia Hà Nội (QGHN) đã tự tổ chức kỳ thi riêng, đó là thống nhất dùng một bài thi đánh giá năng lực xét tuyển sinh ĐH.
Trong đó, thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào hai đợt tháng năm và tháng tám. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp (đến điểm sàn xét tuyển quy định theo ngành học, loại chương trình đào tạo). Riêng đối với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN), thí sinh phải làm thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do Trường ĐH Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo.
Trường ĐH Ngoại ngữ xác định điểm sàn bài thi đánh giá năng lực theo từng ngành, sau đó lấy trúng truyển theo điểm bài thi ngoại ngữ từ trên xuống. Tất cả các thí sinh đã trúng tuyển theo điểm tuyển của bài thi đánh giá năng lực sẽ được vào học tại ĐHQGHN sau khi đạt điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD và ĐT.
Trường ngoài công lập phải công khai học phí Một điểm đáng lưu ý trong quá trình đăng tải các thông tin tuyển sinh, theo quy định của Bộ GD và ĐT, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải thực hiện việc công khai học phí để thí sinh biết và lựa chọn trường theo khả năng tài chính có thể đáp ứng được mức học phí học tập hay không. Vì vậy, cùng với việc tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường ĐH còn công bố mức học phí cho toàn khóa học hoặc từng năm học.
Trong đó, nhiều trường ĐH, CĐ tăng mức học phí năm 2015 so với năm 2014, thu hút sự chú ý quan tâm của các thí sinh. Tuy nhiên, mức độ tăng là khác nhau. Một số trường có mức tăng học phí ít như Trường ĐH dân lập Đông Đô, mức học phí năm 2014 là từ 800 nghìn đến 820 nghìn đồng/tháng, năm 2015 tăng lên 900 nghìn đồng/tháng.
Trường ĐH dân lập Phương Đông có mức học phí năm thứ nhất từ 10 đến 13 triệu đồng/năm, tăng lên từ 11 đến 14 triệu đồng/năm. Trường ĐH Yersin (Lâm Đồng), ngành Kiến trúc Mỹ thuật công nghiệp là 11 triệu đồng/năm, tăng lên 12 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, cũng có những trường tăng ở mức cao như Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) có mức học phí ngành Dược tăng cao nhất từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Tân Tạo (Long An) mặc dù học phí khá cao nhưng ngành y khoa tăng từ 100 triệu đồng/năm lên 106 triệu đồng/năm.
Ngoài việc một số trường công khai mức học phí tăng vẫn còn một số trường ngoài công lập khi đăng thông tin tuyển sinh không công khai mức học phí. Điều đó khiến cho các thí sinh khi lựa chọn đăng ký thi theo tổ hợp môn thi của các trường khá khó khăn.
Các trường không công khai học phí theo quy định như: Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội), Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Phú Xuân (Huế), Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn…
Theo PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT), thực hiện các quy định về công khai, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập buộc phải công khai mức học phí hằng năm để thí sinh cả nước biết và lựa chọn trường đăng ký theo học. Việc không công khai học phí sẽ dẫn đến thí sinh lựa chọn trường không chính xác với sở thích cũng như khả năng tài chính để theo học. Mặt khác, việc không công khai học phí sẽ ảnh hưởng đến chính các trường do thí sinh không biết mức học phí sẽ ít lựa chọn trường theo học.
Bộ GD và ĐT sẽ có công văn yêu cầu các trường phải công khai học phí, bảo đảm thực hiện đúng quy định về công khai cũng như bảo đảm quyền lợi cao nhất cho các thí sinh đăng ký tuyển sinh trong năm 2015.
Ý kiến ()