Những di vật văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Lạng Sơn
– Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí có niên đại khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay, phân bố chủ yếu ở vùng lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Đặc trưng nổi bật của văn hóa này là đồ đồng có loại hình phong phú, được chế tác rất tinh xảo. Ở nước ta, các tỉnh: Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, Lao Cai, Yên Bái… là những nơi phát hiện được rất nhiều di vật văn hóa Đông Sơn. Tuy không phải địa bàn phân bố chính của văn hóa Đông Sơn nhưng Lạng Sơn cũng đã có những phát hiện khảo cổ học quan trọng về thời kỳ này, đồng thời có một sưu tập hiện vật Văn hóa Đông Sơn rất phong phú được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau.
Di vật văn hóa Đông Sơn đầu tiên tìm được trên vùng đất Lạng Sơn là một chiếc rìu đồng xòe cân do nhà địa chất – khảo cổ học M. Colani (Sở địa chất Đông Dương) phát hiện năm 1924 tại Đồng Lầy (huyện Bình Gia). Chiếc rìu này được tìm thấy trong quá trình tìm kiếm, nghiên cứu về các di vật đá trong lòng dãy núi đá vôi Bắc Sơn của người Pháp lúc đó. Những tài liệu hiếm hoi công bố sau này cho biết vào năm 1962, 1963, tại địa bàn Lạng Sơn phát hiện thêm hai chiếc rìu đồng khác ở Lũng Đường (Bắc Sơn), Đồng Tân (Hữu Lũng). Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện nay cũng có một chiếc khuôn đúc rìu ghi là tìm thấy tại Bản Gián (Lạng Sơn). Năm 1970, trong khi đi chăn trâu tại khu đồi Khau Pất (Na Dương, Lộc Bình), một người dân vô tình tìm được một chiếc trống đồng ở bên sườn đồi. Chiếc trống này được chế tác khá đẹp, mang những đặc trưng điển hình của trống Heger I (thường được gọi là trống Đông Sơn). Các nhà khảo cổ học xác định niên đại của trống vào khoảng thế kỷ I – thế kỷ V. Đó là thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã kết thúc cơ bản. Tên trống được đặt theo tên địa điểm phát hiện di vật – trống Na Dương. Cho đến nay, đây vẫn là chiếc trống đồng duy nhất tìm thấy ở Lạng Sơn, đồng thời là một trong số hơn 200 trống Đông Sơn tìm được ở Việt Nam.
Rìu xòe cân được phát hiện tại Bắc Sơn
Những năm sau đó, di vật Văn hóa Đông Sơn vẫn còn rất xa lạ với Lạng Sơn vì ngoài trống Na Dương, tỉnh chưa lưu giữ thêm di vật nào khác. Do vậy, khoảng năm 1993, 1994, khi Nhân dân Bắc Sơn phát hiện được hai chiếc rìu xòe cân ở Pác Yếng (xã Đồng Ý) và Ngọc Môn (xã Long Đống) thì nhiều người phỏng đoán, cho rằng đây là những chiếc rìu đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19). Năm 1997, trong chuyến về Bắc Sơn công tác, các cán bộ Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nhận ra đây là những chiếc rìu đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Từ đó, việc tìm kiếm, thu thập, gìn giữ di vật văn hóa Đông Sơn trên vùng đất Lạng Sơn đã được Bảo tàng, các phòng văn hóa huyện, thành phố lưu tâm, chú trọng.
Từ công tác tuyên truyền, vận động, cán bộ văn hóa ở cơ sở đã hiểu ý nghĩa, giá trị của di vật để chủ động thu thập hiện vật, quần chúng Nhân dân tích cực giao nộp hiện vật cho cơ quan văn hóa. Do đó đã có thêm những tư liệu mới về văn hóa Đông Sơn ở Lạng Sơn. Năm 2002, một người dân ở thôn Hương Cốc (xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn) tìm được một chiếc rìu xòe cân ở khu vực Bãi Nương; năm 2011, một công nhân của nhà máy gạch Hợp Thành (Cao Lộc) tìm được một chiếc rìu nữa trong khi đào đất. Năm 2012, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn sưu tầm được một chiếc rìu đồng Văn hóa Đông Sơn do một người dân ở Lân Cà (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn) tìm được từ năm 1976. Rải rác ở Chi Lăng cũng có những phát hiện về di vật văn hóa Đông Sơn như tìm thấy rìu xòe cân ở các xã: Chi Lăng, Lâm Sơn. Đa phần các di vật này đều được tìm thấy ngẫu nhiên, không gắn với di chỉ khảo cổ nào, mỗi lần không quá một chiếc. Đến nay, tổng số hiện vật văn hóa Đông Sơn đã phát hiện ở Lạng Sơn chưa đến mười chiếc. Loại hình phổ biến là rìu xòe cân có kích thước trung bình, không có hoa văn trang trí hoặc nếu có thì chỉ là những hình hình học đơn giản. Dễ nhận thấy địa điểm phát hiện các di vật Văn hóa Đông Sơn ở Lạng Sơn đều trùng khớp với địa bàn phân bố của văn hóa Bắc Sơn, Mai Pha (Sơ kỳ và Hậu kỳ đá mới) thuộc các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng; tập trung nhất ở huyện Bắc Sơn. Đó là những bằng chứng quý giá về sự phát triển kế tiếp, liên tục từ thời đại thời đại đồ đá sang thời đại đồ đồng trên vùng đất Lạng Sơn.
Tuy trên địa bàn tỉnh tìm được ít hiện vật văn hóa Đông Sơn nhưng Bảo tàng Lạng Sơn lại là nơi có sưu tập văn hóa Đông Sơn rất phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, đã có rất nhiều tập thể, cá nhân ở ngoại tỉnh đóng góp, hiến tặng hiện vật Đông Sơn cho Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Năm 2006, ông Nguyễn Minh Thoa – Chủ tịch Hội Cổ vật Ninh Bình đã hiến tặng 31 di vật văn hóa Đông Sơn từ sưu tập cổ vật của ông. Năm 2013, thông qua Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hội cổ vật Thăng Long cùng các cá nhân hội viên đã hiến tặng thêm gần 50 di vật khác. Ngoài ra, còn có hiện vật do các cơ quan chức năng trong tỉnh chuyển giao. Đến nay, sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng tỉnh đã rất phong phú với nhiều loại hình: công cụ lao động sản xuất (lưỡi cày hình chân vịt, đục, mai, rìu xòe cân, rìu lưỡi xéo, rìu hình chữ nhật…), đồ dùng sinh hoạt (thạp, nồi đồng, bát…), vũ khí chiến đấu (lao, giáo, mũi tên, hộ tâm phiến…), nhạc cụ (trống đồng)…
Ngày nay, các nhà sử học đều nhất quán cho rằng: Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước. Các di vật văn hóa Đông Sơn phát hiện tại Lạng Sơn và các địa phương khác trên đây là những bằng chứng sinh động, thuyết phục về thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc. Đó cũng chính là cội nguồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam trong dòng chảy không ngừng của lịch sử
Ý kiến ()