Vượt qua tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Phi đã lấy lại đà tăng trưởng đạt gần 5% trong năm 2010 và dự báo đạt 5,8% trong năm 2012. Nhu cầu trong khu vực tăng mạnh, thu nhập và nguồn vốn đầu tư nước ngoài ổn định.Để khắc phục hiệu quả suy thoái kinh tế, các nước châu Phi đã áp dụng nhiều chính sách cải cách kinh tế vĩ mô. Một số ngành kinh tế chủ chốt của khu vực từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tại Cốt Đi-voa, sau khi khủng hoảng chính trị chấm dứt, tăng trưởng kinh tế nước này đã đạt hơn 3% trong năm 2009 nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, dầu mỏ và khoáng sản. Lạm phát tại nhiều nước châu Phi giảm. Giá thực phẩm và nhiên liệu trong khu vực ổn định làm giảm nhẹ áp lực trong việc cân đối ngân sách Nhà nước khi các khoản thu từ thuế nhập khẩu, trao đổi thương mại, và xuất khẩu bị hạn chế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những dấu hiệu phục hồi nền kinh tế thế giới đã kéo...
Vượt qua tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Phi đã lấy lại đà tăng trưởng đạt gần 5% trong năm 2010 và dự báo đạt 5,8% trong năm 2012. Nhu cầu trong khu vực tăng mạnh, thu nhập và nguồn vốn đầu tư nước ngoài ổn định.
Để khắc phục hiệu quả suy thoái kinh tế, các nước châu Phi đã áp dụng nhiều chính sách cải cách kinh tế vĩ mô. Một số ngành kinh tế chủ chốt của khu vực từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tại Cốt Đi-voa, sau khi khủng hoảng chính trị chấm dứt, tăng trưởng kinh tế nước này đã đạt hơn 3% trong năm 2009 nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, dầu mỏ và khoáng sản. Lạm phát tại nhiều nước châu Phi giảm. Giá thực phẩm và nhiên liệu trong khu vực ổn định làm giảm nhẹ áp lực trong việc cân đối ngân sách Nhà nước khi các khoản thu từ thuế nhập khẩu, trao đổi thương mại, và xuất khẩu bị hạn chế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những dấu hiệu phục hồi nền kinh tế thế giới đã kéo các nhà đầu tư trở lại thị trường chứng khoán. Các chuyên gia cho biết, giá cổ phiếu tại Nam Phi tăng 56% kể từ tháng 1-2009. Đồng rand (nội tệ của Nam Phi) tăng 30% so với đồng USD trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ khởi sắc ở Đông và Tây Phi. Tại khu vực khác, kinh tế vẫn chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong năm 2009, lần đầu trong một thập kỷ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực Nam Xa-ha-ra chỉ tăng 1,1%, trong khi đó, GDP đầu người giảm 0,8%. Sự suy giảm này có thể để lại hậu quả lâu dài đối với các quốc gia kém phát triển ở khu vực này, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. 50 nghìn trẻ em, nhất là trẻ em nữ, đối mặt nguy cơ tử vong cao do không đủ lương thực, thực phẩm. Điều này tác động tiêu cực kinh tế của khu vực Nam Xa-ha-ra. Kinh tế tăng trưởng chậm tại Trung Phi do ngành khai thác dầu khí ở Ca-mơ-run và Ga-bông gặp khó khăn.
Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế châu Phi đang trên đà khởi sắc. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Lục địa đen còn phụ thuộc nhiều nền kinh tế thế giới, nhất là khi các nước phát triển đang áp dụng chính sách 'thắt lưng buộc bụng'. Điều này làm giảm nhu cầu của thị trường thế giới, khiến các ngành xuất khẩu của châu Phi bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ nghèo ở châu Phi giảm mạnh trong nhiều năm gần đây tạo điều kiện thuận lợi để lục địa này trở thành một trong những thị trường lớn trong tương lai. Một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra những nhân tố giúp châu Phi vượt qua khủng hoảng, gồm: các chính sách kinh tế hợp lý; khả năng chi trả các khoản nợ và cải thiện quan hệ với các nhà đầu tư; áp dụng các kỹ thuật mới; xuất hiện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp giỏi trong việc hoạch định chính sách của Nhà nước… Hơn nữa, an ninh khu vực đã ổn định hơn trong những năm gần đây khi các cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia đã giảm đáng kể.
Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn nhìn thấy triển vọng đầu tư tại châu Phi. Theo nhiều nhà phân tích, để giữ mức tăng trưởng lâu dài và ổn định đòi hỏi châu Phi cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì và tăng cường quan hệ đối với các đối tác truyền thống và các nước có nền kinh tế mới nổi bằng việc đưa ra mục tiêu cụ thể trong trao đổi thương mại…
Theo Nhandan
Ý kiến ()