Những dấu hiệu tăng trưởng an toàn
LSO-So với quý I năm 2014, trong quý II, tình hình huy động vốn, dư nợ cho vay trong toàn tỉnh đều tăng trưởng khá, nợ xấu có dấu hiệu giảm đáng kể. Trong bối cảnh khó khăn chung do sản xuất kinh doanh đầu năm cầm chừng, sức hấp thu nguồn vốn thấp... thì đây thực sự là kết quả đáng khích lệ, là sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Lạng Sơn |
Trong những tháng đầu năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp rất khó khăn. Tổng dư nợ quý I chỉ đạt 10.427 tỷ đồng, giảm 499 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2013. Để phấn đấu tăng trưởng tín dụng, hệ thống ngân hàng tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Bà Trương Thu Hòa, Trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các thông tư hướng dẫn về lãi suất, quản lý ngoại hối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại luôn bám sát sự chỉ đạo của ngành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình đơn vị mình, đúng quy định pháp luật.
Trong công tác cho vay quý II, các ngân hàng đã chủ động hơn trong tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị phần tín dụng. Bên cạnh đó, có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như tích cực phối hợp với các cấp, ngành; chủ động gặp gỡ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, các đơn vị thực hiện các chương trình vốn ưu đãi lãi suất thấp, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và xem xét cho vay mới các khách hàng. Đối với các biện pháp giải quyết nợ xấu, các đơn vị thực hiện công tác thẩm định chặt chẽ trước khi cho vay theo đúng quy định, thường xuyên phân loại nợ, đánh giá tài sản đảm bảo của khách hàng, gia hạn nợ… để có biện pháp hạn chế phát sinh nợ xấu, giảm nợ xấu. Các ngân hàng còn có nhiều biện pháp huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư để tạo nguồn vốn cho vay dồi dào, tạo điều kiện, giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cân đối nguồn vốn an toàn, hiệu quả…
Từ những biện pháp như vậy, tình hình hoạt động ngân hàng đã có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý II. Tính đến hết tháng 6/2014, tổng huy động vốn trên địa bàn tỉnh đạt trên 11.699 tỷ đồng, tăng hơn 636 tỷ đồng so với thời điểm tháng 3/2014. Các ngân hàng thực hiện huy động đúng quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với kỳ hạn từ 1- dưới 6 tháng mức cao nhất là 6%/năm, kì hạn 6 tháng trở lên 8,25%/năm và không kì hạn dưới 1%/năm. Trong công tác cho vay, tổng dư nợ đạt 10.897,6 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng so với tháng 3/2014. Trong đó, dư nợ cho vay các loại hình doanh nghiệp là 5.526 tỷ đồng; dư nợ 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 5.218,9 tỷ đồng. Cơ cấu dư nợ cho vay với mức lãi suất thấp đến 13%/năm chiếm 90,2% tổng dư nợ, trong đó dư nợ mức lãi suất cho vay dưới 9%/năm chiếm 7,5% (tăng 2% so với thời điểm tháng 3/2014), dư nợ với mức lãi suất trên 13%/năm chỉ còn chiếm 9,8% (giảm 1% so với tháng 3/2014). Cùng với dư nợ cho vay tăng trưởng, chất lượng tín dụng cũng đang từng bước nhích lên. Riêng trong tháng 5/2014, tổng nợ xấu đã giảm 11,3 tỷ đồng so với tháng 4/2014, chiếm 3,84% tổng dư nợ.
Có thể thấy rằng, hoạt động ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trưởng khá song so với cuối năm 2013. Từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn trong công tác cho vay, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Trong đó, tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên và tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng trưởng dư nợ an toàn và hiệu quả.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()