Những dấu ấn trong quan hệ WEF-Việt Nam
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2017 diễn ra từ 10-12/5 trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”. Cùng điểm lại những dấu ấn trong quan hệ WEF và Việt Nam.
Ngày 19/1/2017, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị WEF ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan. |
Hội nghị WEF ASEAN là diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá tiến trình phát triển của ASEAN, nhận diện những thuận lợi, khó khăn của ASEAN trước những biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học-công nghệ đang diễn ra trên thế giới và khu vực.
Hội nghị năm nay thu hút hơn 600 đại biểu. Lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị có Thủ tướng Campuchia, Lào, Việt Nam và Tổng thống Philippines.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế-phát triển và thời sự toàn cầu.
Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên) tại Trung Quốc, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Mỹ Latin, Trung Đông… Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích các vấn đề phát triển của khu vực.
Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos và Đông Á. Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler đã thăm Việt Nam liên tiếp trong 3 năm 2014, 2015 và 2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự các Hội nghị WEF Davos2007 và 2010 với các kết quả quan trọng, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tham dự Hội nghị. Tại đây, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai; và WEF đồng ý Việt Nam đăng cai Hội nghị WEF ASEAN năm 2018.
Các năm khác, Việt Nam thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hội nghị WEF Đông Á. Từ năm 2012-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan, Myanmar và Philippines. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị WEF Đông Á 2010 diễn ra từ 6-7/6/2010 tại TPHCM đã thu hút khoảng 450 đại biểu tham dự gồm các chính khách cấp cao (Thủ tướng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc…), các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, học giả hàng đầu thế giới…
Từ năm 2016, hội nghị được đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực ASEAN (WEF ASEAN). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham dự Hội nghị này.
Việt Nam cũng thường xuyên cử đoàn cấp Thứ trưởng (các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông…) tham dự Hội nghị WEF Đại Liên/Thiên Tân tại Trung Quốc.
Hội nghị WEF-Mekong được tổ chức ngày 25/10/2016 tại Hà Nội nhân dịp Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawwady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS), nhằm quảng bá tiểu vùng Mekong đến các tập đoàn hàng đầu thế giới. Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu bao gồm các lãnh đạo cấp cao và bộ trưởng kinh tế các nước Mekong, hơn 100 đại biểu doanh nghiệp thành viên WEF và các doanh nghiệp trong khu vực.
Việt Nam và WEF hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam cũng là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhiều lần tham dự các hội nghị thường niên của WEF.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler tháng 11/2014, Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế”.
Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia Ban Điều phối dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG).
Hiện tại, Việt Nam có 10 tập đoàn/công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital là các thành viên tổ chức (Institutional Member); Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC (DatVietVAC), Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Industrial Investment Ltd.) là thành viên diễn đàn.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()