Những dấu ấn không thể mờ phai
LSO-Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Mỏ than Na Dương nay đã đổi tên là Công ty TNHH một thành viên Than Na Dương. Nhưng cái tên Mỏ Na Dương vẫn rất đỗi thân quen với bao lớp cán bộ, công nhân viên đã gắn bó, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để Mỏ Na Dương trưởng thành vững vàng như ngày hôm nay.
Đồng chí Vũ Huy Hoàng (thứ hai từ trái sang) Bộ trưởng Bộ Công thương kiểm tra dự án mở rộng mỏ than Na Dương |
Cách đây 55 năm, Mỏ Na Dương được thành lập theo Quyết định số 104/BCN/KH4 của Bộ Công nghiệp. Đến ngày 21/3/1959, mỏ chính thức đi vào hoạt động. Và từ đó đến nay, ngày 21/3 trở thành ngày truyền thống của công nhân Mỏ Na Dương. Khi mới thành lập, mỏ chỉ có vài trăm cán bộ. Công cụ khai thác than là xà beng, cuốc, xẻng. Nhưng với quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất, cung cấp than cho Nhà máy xi măng Hải Phòng, cán bộ công nhân viên mỏ đã vượt qua khó khăn, biến đồi hoang thành khai trường, bạt núi để dò từng vỉa than làm giàu cho đất nước.
Những năm tháng ấy công nhân than chủ yếu là bộ đội chuyển ngành, con em các dân tộc ở làng bản lân cận. thời điểm ấy, đế quốc Mỹ liên tục đánh phá, phong tỏa cảng biển Hải Phòng, mỏ nhiều lần đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Cũng giai đoạn ấy, không ít công nhân mỏ chuyển sang các ngành khác, tiếp nhận hàng phục vụ chiến trường, tái ngũ vào các chiến trường A, B, C góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Từ đây đã mở ra một kỷ nguyên sản xuất mới với khí thế mới của Mỏ Na Dương.
Đến năm 1979, Mỏ lại một lần nữa đứng trước khó khăn khi sản xuất bị gián đoạn, công nhân mỏ hôm qua còn cầm búa, cầm xẻng khai thác than thì hôm nay phải cầm súng bảo vệ biên giới. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Năm 1983, mỏ có thêm khách hàng là Xi măng Bỉm Sơn, cũng giai đoạn này mỏ được trang bị thêm nhiều máy móc sản xuất, cơ giới hóa thay cho sức người như máy xúc E2503, EKG 4.6 m3… Mỏ mở rộng thêm nhiều ngành nghề sản xuất như gốm sứ, gạch ngói, đá xẻ tạo thêm công ăn việc làm cho cán bộ và con em các dân tộc địa phương.
Năm 1986, tổng số cán bộ công nhân mỏ đã lên tới 2.000 người nhưng vẫn đảm bảo công ăn việc làm. Năm 1994, Xi măng Hải phòng ngừng tiêu thụ than Na Dương nhưng nhà máy xi măng Bỉm Sơn tăng công suất nên sản lượng tiêu thụ than không giảm. Cho đến năm 1993, khi xi măng Bỉm Sơn chuyển đổi công nghệ không sử dụng than Na Dương nữa, lúc này mỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Cán bộ công nhân viên phải sáp nhập, chuyển đổi vị trí công tác sang các mỏ, các đơn vị khác.
Để tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo công ăn việc làm, đặc biệt là đảm bảo an ninh, kinh tế, chính trị nơi biên giới, Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Na Dương với 2 tổ máy phát điện công suất 50 MW. Cùng Nhà máy nhiệt điện Na Dương, mỏ Na Dương cũng được đầu tư, cải tạo mở rộng. Năm 2005, khi nhiệt điện Na Dương phát điện thương phẩm thì cũng là lúc mỏ đi vào sản xuất ổn định, đảm bảo cung cấp than cho phát điện. Mỏ Na Dương trải qua bao thăng trầm giờ đã ổn định sản xuất, từng bước xây dựng mỏ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hiện nay, trung bình mỗi năm sản lượng bóc xúc đất đá tăng gấp đôi.
Từ năm 2004 đến năm 2013, toàn mỏ đã bóc trên 45 triệu m3 đất đá, khai thác trên 5 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ đạt gần 5 triệu tấn. Trong suốt 55 xây dựng trưởng thành, qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng Mỏ Na Dương luôn giữ vững là một đơn vị công nghiệp tiêu biểu trên đất địa đầu Xứ Lạng. Mỏ đã trở thành một điểm sáng công nghiệp, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa xây dựng trưởng thành. Từ vùng mỏ hoang vu xưa kia nay đã mọc lên nhiều trường học, trạm xá đủ tiêu chuẩn phục vụ nhân dân. Nhà văn hóa mỏ đã trở thành một điểm sáng trong tuyên truyền phục vụ hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong khu vực. Phong trào văn hóa văn nghệ, công tác xã hội từ thiện của công nhân mỏ luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương.
Trong suốt 55 năm qua, Mỏ Na Dương luôn được Chính phủ, các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày thành lập mỏ năm 2014 này, Mỏ Na Dương vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2. Và đấy cũng là tiền đề để Mỏ Na Dương bước vào giai đoạn sản xuất mới; mở rộng mỏ đón dự án nhiệt điện Na Dương 2, nâng công suất khai thác lên 1,2 triệu tấn than, đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa trở thành một điểm sáng công nghiệp nơi biên cương của Tổ quốc.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()