Những dấu ấn còn mãi
Vào những ngày cuối năm 1978, chính quyền Khơ-me Đỏ do tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xa-ri cầm đầu đã huy động một lực lượng lớn kéo đến biên giới phía đông và tiến vào khu vực Bến Sỏi (Tây Ninh), mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, nhằm thực hiện ý đồ đánh chiếm thị xã Tây Ninh, Hồng Ngự-Đồng Tháp, Bảy Núi-An Giang, Tà Phò, Tà Teng-Kiên Giang. Đi đến đâu, quân Khơ-me Đỏ cũng ráo riết cướp bóc tài sản, bắn giết nhân dân Việt Nam hết sức tàn bạo và dã man.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia phối hợp đánh địch. Ảnh tư liệu |
Trước tình hình đó, ngày 5-12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam họp Hội nghị thông qua “Kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu” nhằm giúp lực lượng chân chính Cam-pu-chia giải phóng đất nước, trong đó xác định rõ yêu cầu: Kiên quyết đánh bại âm mưu xâm lược, chia rẽ, làm suy yếu Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xa-ri, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia làm lại cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; trong thực hiện phải bảo đảm chuẩn bị tất cả quân sự và chính trị, đánh chắc thắng, nhanh, gọn, lực lượng cách mạng Cam-pu-chia là người quyết định trực tiếp cuối cùng… Hội nghị nhấn mạnh: Theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Cam-pu-chia, Việt Nam sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xa-ri, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là những quyết định quan trọng, thể hiện tinh thần và nghĩa vụ quốc tế cao cả của cách mạng Việt Nam.
Về phía cách mạng Cam-pu-chia, cuối tháng 11 và đầu tháng 12-1978, kết hợp chặt chẽ với đòn tiến công của quân dân Việt Nam trừng trị quân Pôn Pốt trên chiến trường biên giới Tây Nam, các lực lượng yêu nước Cam-pu-chia đã kịp thời phát động nhân dân đứng lên cứu nước, chuyển phong trào đấu tranh của quần chúng thành cao trào cách mạng sôi nổi từ thành thị đến nông thôn phát triển ngày càng mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt, ngày 2-12-1978, tại Snoul trong vùng giải phóng Cam-pu-chia, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia được thành lập do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch. Sự ra đời của mặt trận đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lực lượng cách mạng cứu nước Cam-pu-chia, mở ra một cục diện mới, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Từ ngày 23-12-1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam trên toàn tuyến biên giới được lệnh mở cuộc phản công lớn quét sạch lực lượng địch đã xâm nhập lãnh thổ nước ta, tiêu diệt khối chủ lực tập trung của Khơ-me Đỏ, hỗ trợ các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia tiến công và giành quyền làm chủ đất nước. Đến ngày 30-12-1978, ta tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông của Cam-pu-chia.
Khi quân dân Việt Nam bắt đầu mở cuộc phản công, Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia phát động toàn dân tận dụng thời cơ và sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, tập trung lực lượng đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giành chính quyền về tay nhân dân.
Phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia, sau đòn tiến công giải phóng một số tỉnh miền Đông Cam-pu-chia của các đơn vị thuộc hai Quân khu 5 và 7, ngày 31-12-1978, Quân đoàn 3 được lệnh mở chiến dịch tiến công giải phóng vùng Đông sông Mê Công. Ở hướng Quân khu 9 và Quân đoàn 2, ngày 1-1-1979, không quân Việt Nam ném bom Sở chỉ huy tiền phương Quân khu Đông Nam, Sở chỉ huy Sư đoàn 250, 210 và các cụm quân địch tập trung ở Ta Pông, Ki-ri-vông và Phu-sê-kê. Đến ngày 3-1-1979, Quân đoàn 2 và Quân khu 9 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu trong chiến dịch. Trên hướng Quân đoàn 4, ngày 1-1-1979, bộ đội nổ súng đánh địch trên trục Đường số 1 và vùng ven hai bên bờ sông Mê Công.
Quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về giải phóng Phnôm Pênh trước ngày 8-1-1979 (trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bàn về vấn đề Cam-pu-chia), đồng thời, căn cứ vào tình hình trên chiến trường, hướng Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn, tiền phương Bộ Quốc phòng quyết định bổ sung nhiệm vụ và chuyển hướng tiến công của Quân khu 9 đang phát triển thuận lợi thành hướng tiến công chủ yếu. Đây là quyết định kịp thời, là nhân tố quan trọng tạo nên chiến thắng của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Cam-pu-chia.
Ngày 5-1-1979, các đồng chí Lê Đức Thọ, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh thay mặt Quân ủy Trung ương và tiền phương Bộ Quốc phòng đến Chi Lăng (nơi đóng Sở chỉ huy Quân khu 9) họp và thống nhất giao nhiệm vụ bổ sung cho quân khu. Ngày 6-1-1979, tiền phương Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các đơn vị mở cuộc tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh. Đến 17 giờ ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng. Sau thắng lợi quan trọng này, một ngày sau, ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia được thành lập. Ngày 10-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ra tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xa-ri, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia.
35 năm sau, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/7-1-2014), Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia nhấn mạnh: Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn; sự thật là nếu không có sự hy sinh cao cả của bộ đội Việt Nam thì dân tộc Cam-pu-chia sẽ không có cơ hội để có Ngày chiến thắng lịch sử 7-1-1979; cũng từ đó, đất nước Cam-pu-chia hồi sinh, phát triển.
Có thể nói, lịch sử là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, lịch sử đoàn kết liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam – Cam-pu-chia cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Với ý nghĩa đó, việc quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7-1-1979 sẽ là những dấu ấn còn mãi, đúng như phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng: “Tình đoàn kết, chiến đấu trong sáng giữa nhân dân hai nước mãi mãi được lịch sử khắc ghi và không một thế lực nào có thể xuyên tạc được”. Đó cũng là cơ sở quan trọng để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai dân tộc trong giai đoạn mới, cùng nhau phấn đấu xây dựng đất nước phồn vinh, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Ý kiến ()