Những cựu chiến binh không cam chịu đói nghèo
Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức cho các hội viên tham quan mô hình trồng tiêu ở Chư Sê. Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trước quân thù, thời bình, họ lại là những người đi tiên phong trên mặt trận chống đói nghèo. Họ là những hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Gia Lai - những anh Bộ đội Cụ Hồ luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình.Từ giúp nhau vượt khó... Phân loại đời sống của hội viên (HV) Hội CCB tỉnh Gia Lai năm 2012 cho thấy: có 2.575 HV đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có 9.162 HV có mức sống khá trở lên (đạt 37%), có 765 hộ có mức thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/năm trở lên, không còn HV đói; số HV nghèo còn 1.681 hộ (6,7%). Có 29 doanh nghiệp và 1.082 trang trại do HV làm chủ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Rõ ràng, đây là những con số biết nói có tính thuyết phục rất cao, mang nhiều ý nghĩa, nhất...
Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức cho các hội viên tham quan mô hình trồng tiêu ở Chư Sê. |
Từ giúp nhau vượt khó…
Phân loại đời sống của hội viên (HV) Hội CCB tỉnh Gia Lai năm 2012 cho thấy: có 2.575 HV đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có 9.162 HV có mức sống khá trở lên (đạt 37%), có 765 hộ có mức thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/năm trở lên, không còn HV đói; số HV nghèo còn 1.681 hộ (6,7%). Có 29 doanh nghiệp và 1.082 trang trại do HV làm chủ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Rõ ràng, đây là những con số biết nói có tính thuyết phục rất cao, mang nhiều ý nghĩa, nhất là đối với một tỉnh mà HV Hội CCB khi trở về đời thường đã gặp không ít khó khăn, 70% không có lương hưu, trợ cấp, 50% số HV là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội CCB tỉnh Gia Lai Trần Văn Dũng cho biết, có được kết quả trên, trước hết là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện thuận lợi để hội hoạt động. Chẳng hạn việc vay vốn, nhờ có cơ chế, chính sách, trong 5 năm 2007-2012, hội đã được các tổ chức tín dụng cho vay với số tiền hơn 313 tỷ đồng để hỗ trợ cho 18.092 hộ vay phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nét nổi bật, đồng thời cũng thể hiện truyền thống tốt đẹp của những Cựu chiến binh chính là ở chỗ: Dù khó khăn đến đâu, bất cứ việc gì, khi nào họ cũng luôn nghĩ về nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Số tiền mà các HV đóng góp lên 9,7 tỷ đồng (chưa kể số quỹ vốn đóng góp bằng nông sản), đã giúp cho nhiều HV không chỉ xóa được nghèo mà còn vươn lên ổn định cuộc sống. Năm 2010, hội đã thành lập được Câu lạc bộ “CCB sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh” và đến nay đã xây dựng được sáu câu lạc bộ ở các huyện, thị xã, thành phố, góp phần nâng cao số hộ khá, giàu. Ngoài ra, các “Kho thóc CCB” luôn duy trì từ một đến hai tấn thóc, trực tiếp giúp đỡ cho hội viên, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số trong mùa giáp hạt. Đặc biệt, trong ba năm, từ nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, hội đã thu được 650 triệu đồng giúp xóa 109 nhà tranh tre, dột nát cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Hội CCB huyện Mang Yang, phần lớn HV là người dân tộc Ba Na. Nét nổi bật của hội là không chỉ tập hợp, thu hút nhiều HV tham gia sinh hoạt, mà còn là điển hình của phong trào CCB giúp nhau vượt khó. Với sáng kiến thành lập “Kho thóc CCB”, từ năm 2000 đến nay, hội đã thành lập 37 kho với 48 tấn thóc do CCB đóng góp để cứu đói cho các gia đình HV và cả nhân dân những khi gặp khó khăn, trái gió trở trời, mùa màng thất bát. Huyện hội còn tổ chức phong trào kết nghĩa giữa các xã có đông HV người Kinh với hội các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm giúp nhau về công tác xây dựng tổ chức, hỗ trợ kinh nghiệm, giúp vốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hội CCB huyện Chư Păh thì có phong trào HV góp vốn xây dựng Quỹ “Xóa đói, giảm nghèo CCB” tùy theo điều kiện và khả năng, cá biệt có HV có đời sống khá như ở thị trấn Phú Hòa, đóng góp 500 nghìn đồng mỗi tháng, nhờ vậy đã giúp nhiều HV không chỉ ổn định sản xuất mà cuộc sống cũng dần được cải thiện, nâng cao. Ở Chư Păh còn có mô hình kết nghĩa, theo đó các Chi hội người Kinh sẽ giúp đỡ các HV người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, mà chủ yếu là hỗ trợ cây con giống, áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Nhờ cách làm sáng tạo của Huyện hội và các tổ chức cơ sở hội, những năm qua, tỷ lệ HV đói nghèo giảm rất nhanh. Đến nay, 100% số HV người Kinh có nhà xây khang trang, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt có giá trị, 60% số HV người dân tộc thiểu số cũng trang bị được các phương tiện sản xuất và phục vụ cuộc sống, 35% có xe máy, đời sống không ngừng được nâng cao. Ở thị xã An Khê có Chi hội CCB thôn Phú Bình, xã Cửu An, đã mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng với Công ty đường Bình Định xây dựng CLB cung cấp mía giống cao sản cho cả vùng, dựa trên cơ sở công ty tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, cho vay vốn, Hội thực hiện và tự hạch toán… Lúc đầu, chỉ có 12 HV tham gia với diện tích hai ha, sau hai vụ đã thu hút 250 hộ tham gia góp vào 200 ha đất sản xuất hom giống, đủ sức cung cấp cho cả vùng nguyên liệu. CLB này đã trở thành HTX nông nghiệp, do đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB làm Chủ nhiệm.
… Đến ý chí làm giàu
Ở huyện Đức Cơ, nói tới ông Ngô Công Đoan, CCB – Giám đốc Doanh nghiệp thương mại Công Nam thì ai cũng biết, bởi ông không chỉ là con người năng động, biết cách làm giàu, mà còn là tấm gương tiêu biểu trong đội ngũ CCB và cả trong cộng đồng. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí không cam chịu đói nghèo, luôn tìm tòi vươn lên, cho đến nay, tài sản mà cựu chiến binh Ngô Công Đoan đang sở hữu khiến nhiều người phải mơ ước. Ngoài kinh doanh xăng dầu, phân bón, gia đình ông còn trồng 38 ha cao-su, bảy ha tiêu, ba ha cà-phê, tạo việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương. Ông ưu tiên nhận các CCB và con em của họ vào làm việc với mức lương ổn định, thu nhập bình quân của mỗi người từ ba triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân tại chỗ từ 50 đến 70 lao động theo thời vụ. Hằng năm, tổng thu nhập của gia đình ông hơn 10 tỷ đồng, trong đó, nguồn lợi từ kinh tế trang trại là năm tỷ đồng. Những năm giá hàng nông sản xuống thấp gây khó khăn cho bà con nông dân, gia đình ông đã cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và Hội Nông dân thị trấn Chư Ty bàn bạc và giúp cho bà con vay phân bón trả chậm để đầu tư vào vườn cà-phê, tiêu… Chỉ tính bảy năm qua, gia đình ông đã ủng hộ cho 1.027 hộ gia đình vay phân bón trả chậm số lượng 1.073 tấn, trị giá hơn 3,4 tỷ đồng, xây dựng tám căn nhà tình nghĩa, tổng trị giá khoảng 240 triệu đồng tặng các gia đình cựu chiến binh, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn huyện. Ông còn nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Rơ Mah HMe ở xã Ia Krê. Và, một việc làm mà người dân làng phong xã Ia Kriêng vẫn thường nhắc và biết ơn CCB Ngô Công Đoan là công trình nước sạch cho 24 gia đình tại đây với tổng trị giá 30 triệu đồng, một công trình có giá trị sử dụng cao, lâu dài, đáp ứng nhu cầu nước sạch bức thiết của những người bị bệnh phong khi họ không thể sử dụng được giếng quay tay. Những tấm gương vượt khó, không cam chịu đói nghèo còn có thể kể tới những CCB như ông Nguyễn Văn Khoa, ở Chư Sê, thành lập trang trại trồng tiêu, thu hoạch từ 50 đến 60 tấn, cộng với vài chục tấn ngô lai, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên dưới một tỷ đồng; ông Rơ Mah Yoai, Rơ Mah Thố, dân tộc Gia Rai (Chư Sê), thu nhập hằng năm từ 50 đến 60 triệu đồng; các ông Nguyễn Đức Thắng, Ngô Đức Quyền, Nguyễn Anh Tuấn (xã Chư Đrăng, Chư Prông), Phạm Văn Hảo (thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, Đức Cơ)… là những CCB- chủ doanh nghiệp thành đạt và kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Đó có thể xem là những điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong số CCB Gia Lai vượt khó vươn lên làm giàu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()