Những cung đường Xuân
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là khâu đột phá để phát triển. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Các nhà thầu tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ duy trì thi công 3 ca/ngày, phấn đấu trước Tết Nguyên đán Quý Mão sẽ hoàn thành móng đá dăm 15km mặt đường. |
Những ngày đầu năm mới 2023, trên công trường thi công đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai không khí thi đua lao động sản xuất thật nhộn nhịp với quyết tâm cao nhất, hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
Đồng chí Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, đơn vị được giao chủ đầu tư cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai có tổng chiều dài 40,2km; trong đó, đi trên địa phận tỉnh Tuyên Quang hơn 11km, còn lại chạy qua địa phận tỉnh Phú Thọ.
Đây là con đường mong ước của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tạo hệ thống trục dọc kết nối nhanh từ tỉnh đến Thủ đô Hà Nội. Theo kế hoạch, đến tháng 9/2023, dự án sẽ hoàn thành và thông xe kỹ thuật.
Công trình hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho tỉnh Tuyên Quang mà còn tạo kết nối chung cho các tỉnh trong khu vực. Tiến độ thi công không chỉ là chỉ tiêu pháp lệnh mà còn là tình cảm, trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu với Tuyên Quang – Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Để bảo đảm tiến độ và kịp thời xử lý những phát sinh, chủ đầu tư giao ban hằng ngày và ngay tại công trường với các đơn vị thi công, chỉ đạo huy động mọi lực lượng, nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư để triển khai thi công 3 ca, tăng ca, thi công liên tục. Dự kiến trước Tết Nguyên đán Quý Mão, các đơn vị sẽ hoàn thành móng đá dăm 15km mặt đường.
Theo ông Phạm Hùng Tiến, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình Thăng Long, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm thời gian theo hợp đồng nhưng công tác giám sát được thực hiện chặt chẽ từ đào nền, vét hữu cơ đến đắp, san lấp. Nhà thầu thi công từng lớp theo yêu cầu, bảo đảm độ chặt để tiếp tục thi công lớp tiếp theo theo đúng tiêu chuẩn của đường cao tốc. Quá trình giám sát bảo đảm khách quan, trung thực vì mục tiêu chất lượng công trình.
Tuyên Quang là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không bến cảng, đường sắt, cửa khẩu. Để khắc phục hạn chế đó, việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên vùng được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm và xác định đây là chìa khóa để mở ra con đường phát triển cho tỉnh.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tuyên Quang đã quy hoạch và đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông chiến lược, kết nối liên vùng, kết nối tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh lân cận khu vực miền núi phía bắc.
Trong đó, đưa vào quy hoạch đường bộ quốc gia và triển khai đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai; tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, tạo hệ thống trục dọc kết nối nhanh từ tỉnh đến Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; quy hoạch các tuyến đường kết nối liên vùng với các tỉnh lân cận như: tuyến đường kết nối liên vùng Thái Nguyên-Tuyên Quang-Yên Bái; Bắc Kạn-Tuyên Quang-Hà Giang; đường từ huyện Hàm Yên (từ cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang) qua huyện Chiêm Hóa đến huyện Na Hang nối với tỉnh Bắc Kạn; quy hoạch các trục dọc, trục ngang đối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh; phối hợp đầu tư đường liên vùng kết nối Khu du lịch Ba Bể (Bắc Kạn)-Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang); đường Tam Đảo, Vĩnh Phúc kết nối vùng hạ huyện Sơn Dương;…
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung hoàn thành mở mới, nâng cấp hàng nghìn km đường bộ trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; xây dựng mới hàng trăm cây cầu, trong đó có nhiều cầu lớn, như Tân Hà, Tứ Quận, Tân Yên, Thiện Kế, Kim Quan, An Hòa, Kim Xuyên,…
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành bê-tông hóa 218,3km đường giao thông nông thôn; xây dựng 38 cầu trên đường giao thông nông thôn và trong năm 2022 tiếp tục xây dựng 39 cầu theo tiến độ dự án. Tỉnh cũng huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, sự ủng hộ của doanh nghiệp, tập thể cá nhân… để triển khai bê-tông hóa đường giao thông nông thôn…
Từ nỗ lực đó, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có hệ thống đường bộ với chiều dài 6.138,28km. Trong đó quốc lộ là 563,77km đã và đang được đầu tư xây dựng mặt đường có kết cấu bê-tông nhựa, bê-tông xi-măng hoặc láng nhựa, bảo đảm đi lại thuận lợi cho người dân và phục vụ giao thương hàng hóa; 451,43km đường tỉnh tạo thành hệ thống 3 tuyến trục dọc, 4 tuyến trục ngang xuyên suốt giúp kết nối từ tỉnh tới trung tâm các huyện, các khu công nghiệp, các khu dân cư trong tỉnh đến các tuyến quốc lộ và kết nối liên hoàn giữa các địa phương trong tỉnh và với trung tâm các tỉnh, thành phố lân cận, với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh,…
Gần đây nhất, ngày 21/12/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn ký quyết định phê duyệt dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang với tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 77km, bắt đầu từ nút giao tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ với quốc lộ 2D thuộc địa phận xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn và điểm cuối tại Km77 khớp nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang. Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang trong giai đoạn 1 này gồm 2 làn xe cơ giới, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100 với vận tốc thiết kế 100km/giờ.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2025 sẽ kết nối hai tỉnh Tuyên Quang-Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết được những điểm nghẽn về giao thông liên vùng, nội vùng của tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Đây là công trình đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh biên giới và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là khâu đột phá để phát triển.
Triển khai thực hiện, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển; tạo mối liên kết, liên hoàn trong các tuyến giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh luôn nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông.
Đường lớn đã mở, mùa xuân mới đã đến từ những con đường kết nối, liên hoàn. Tinh thần, động lực và quyết tâm mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội để Tuyên Quang thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía bắc mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Ý kiến ()