“Những cột mốc sống chủ quyền trên vùng biển Việt Nam”
Thời gian gần đây, dư luận trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm đến vấn đề đang “nóng” về tình hình trên Biển Đông xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) và cho nhiều tàu xâm phạm tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Phóng viên Vietnam đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với ông Hà Lê, Phó Cục Trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình hiện nay.
Theo Phó Cục Trưởng Hà Lê, hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam sát cánh cùng ngư dân Việt Nam chính là “những cột mốc sống chủ quyền trên biển,” thể hiện sự đoàn kết, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Các hành động chính nghĩa của chúng ta đã làm gia tăng sự ủng hộ và đoàn kết trong cộng đồng quốc tế với Việt Nam và khiến Trung Quốc ngày càng bị động và bị cô lập trên trường quốc tế.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Dư luận đã thấy rõ
Phóng viên Vietnam : Xin ông cho biết, diễn biến về tình hình trên Biển Đông hiện nay sau hơn một tháng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
Phó Cục Trưởng Hà Lê: Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 cùng nhiều tàu các loại và máy bay hộ tống vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đến 5 giờ ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ, đặt giàn khoan tại tọa độ 15 độ 29 phút 8 giây vĩ độ Bắc-111 độ 12 phút 6 giây kinh độ Đông (cách Nam đảo Tri Tôn 17,3 hải lý, cách Đông đảo Lý Sơn khoảng 121 hải lý). Ngày 27/5, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan đến vị trí có tọa độ 15 độ 33 phút 22 giây vĩ độ Bắc-111 độ 34 phút 36 giây kinh độ Đông (cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam khoảng 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Băc; cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý) và duy trì sự ổn định cho đến nay.
Trung Quốc duy trì trung bình khoảng 120 tàu/ngày, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay tuần thám, trực thăng nhằm uy hiếp lực lượng tàu Việt Nam. Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển đã có mặt kịp thời tại hiện trường, tiến hành thực thi pháp luật, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân Việt Nam khai thác hợp pháp tại ngư trường Hoàng Sa đồng thời ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
Trên thực địa, các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ động đâm va, dùng súng bắn nước công suất lớn nhằm làm hư hỏng trang bị, tàu thuyền của Việt Nam; dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của lực lượng tàu Việt Nam. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng các phương thức tạo cớ để tàu Việt Nam đâm va như chặn đuôi, vượt lên trước các tàu của Việt Nam rồi cố tình lùi lại với mục đích đâm vào tàu Việt Nam, từ đó tạo ra các tư liệu để vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc…
Trước các hành động đó, các tàu Kiểm ngư vẫn tiếp tục kiềm chế chủ động tránh va chạm, nhưng kiên quyết, kiên trì dùng các biện pháp hòa bình để tuyên truyền, yêu cầu Trung quốc phải rút tàu và giàn khoan khỏi vùng biển mà họ đang hoạt động trái phép đồng thời đã có các phương án phối hợp với các lực lượng chức năng khác để bảo vệ ngư dân.
Phóng viên Vietnam : Theo ông, tình hình hiện nay có sự chuyển biến theo hướng có tích cực hơn không?
Phó Cục Trưởng Hà Lê: Sự hiện diện của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển với biện pháp đấu tranh kiên trì, kiên quyết bằng các biện pháp hòa bình đã có tác động rất tích cực. Tuy đến nay, Trung Quốc chưa rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng thông qua tình hình tại thực địa hơn một tháng qua, dư luận trong nước và quốc tế đã thấy rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam sát cánh cùng ngư dân Việt nam chính là “những cột mốc sống chủ quyền trên biển,” thể hiện sự đoàn kết, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt nam. Các hành động chính nghĩa của chúng ta đã làm gia tăng sự ủng hộ và đoàn kết trong cộng đồng quốc tế với Việt Nam và khiến Trung Quốc ngày càng bị động và bị cô lập trên trường Quốc tế.
Hành động vi phạm thô bạo của Trung Quốc
Phóng viên Vietnam : Ông đánh giá như thế nào về hành động của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 và liên tục có hành động đâm va các tàu cá của ngư dân Việt Nam?
Phó Cục Trưởng Hà Lê: Khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc đã chủ động uy hiếp, đâm chìm các tàu cá, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên các ngư trường truyền thống của Việt nam. Các hành động này đã cho thấy rõ sự ngang ngược, coi thường pháp luật và đạo lý của phía Trung Quốc, mặt khác nó cũng cho thấy rõ bản chất của việc xâm phạm trái phép chủ quyền của Việt Nam trên biển mà Trung Quốc đang cố tình che giấu.
Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong hơn một tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân Việt Nam trên ngư trường xung quanh đảo Hoàng Sa của Việt Nam nói riêng và đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác-phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Phóng viên Vietnam :Trong quá trình hoạt động lực lượng Kiểm ngư gặp rất nhiều khó khăn vậy ông có thể chia sẻ những khó khăn đó?
Phó Cục Trưởng Hà Lê:Là một đơn vị mới được thành lập, Cục Kiểm ngư bước đầu đã được trang bị các tàu Kiểm ngư, các trang thiết bị thông tin liên lạc, các công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động kiểm ngư. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chế độ chính sách đối với lực lượng Kiểm ngư còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Trên thực địa, chúng tôi chỉ sử dụng các biện pháp đấu tranh hòa bình trong khi đó các tàu Trung Quốc đông hơn về số lượng với tốc độ, công suất lớn hơn luôn chủ động dùng các biện pháp mạnh để tấn công, đâm va gây hư hỏng thiệt hại cho lực lượng Kiểm ngư.
Mặc dù vậy, lực lượng Kiểm ngư đã khắc phục khó khăn và sẽ tiếp tục các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường và hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển của Việt Nam.
Tăng cường hỗ trợ ngư dân
Phóng viên Vietnam :Sau một số vụ việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam, Cục có khuyến cáo gì với ngư dân khi tham gia khai thác trên biển và Cục có những hỗ trợ cụ thể gì cho ngư dân?
Phó Cục Trưởng Hà Lê: Lực lượng Kiểm ngư luôn phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho ngư dân được an tâm ra khơi, bám biển sản xuất, tập trung vào các nhóm giải pháp như:
– Hỗ trợ vay vốn ưu đãi để khuyến khích ngư dân mua mới, đóng mới, thay máy tàu đánh bắt hải sản tại các vùng biển xa bờ của Việt Nam; xây dựng các hệ thống thông tin liên lạc trên biển, hỗ trợ cho tàu cá các trang thiết bị thông tin liên lạc; có các chính sách hỗ trợ về kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên; khắc phục thiệt hại về người, tài sản khi người bị thương, bị chết, bị nước ngoài bắt, tàu bị hỏng, bị chìm … và các chính sách bảo trợ xã hội khác cho ngư dân .
Phóng viên Vietnam :Xin ông cho biết những chỉ đạo của Cục trong thời gian tới? Ngoài ra, Cục cần tăng cường hoạt động như thế nào để góp phần giữ vững chủ quyền của đất nước?
Phó Cục Trưởng Hà Lê:Lực lượng Kiểm ngư sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện bám biển trên các ngư trường trọng điểm, nơi tàu cá Việt Nam tập trung khai thác thủy sản để bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân khai thác.
Bên cạnh đó, các lực lượng Kiểm ngư tăng cường tuyên truyền, khuyến khích ngư dân tập trung khai thác trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; hướng dẫn bà con ngư dân trong quá trình sản xuất trên biển theo tổ, đội để hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Mặt khác, Cục sẽ tăng cường hướng dẫn bà con ngư dân trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc; thiết lập các kênh thông tin, đường dây nóng để lực lượng Kiểm ngư kịp thời phát hiện, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trong quá trình sản xuất trên biển và tăng cường tập huấn cho ngư dân kỹ năng đối phó với các tình huống phát sinh trên biển.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()