Những công trình kiến trúc hướng đến giai cấp vô sản thời Liên Xô
Việc kết hợp mặt tiền bê tông thô mộc với cột nhà kiểu cổ đại vào những năm 1920-1930 ở Liên Xô được gọi là “Doric đỏ” – một lối kiến trúc cách mạng chân chính. Hiện nay tại Nga vẫn còn lưu giữ những tòa nhà mang nét kiến trúc đó.
Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười Nga, đất nước Xô viết thực hiện phương châm giải phóng khỏi nô lệ vào những thói quen sinh hoạt và chế độ cũ. Giới kiến trúc sư thời bấy giờ đã nghĩ đến những tòa nhà lý tưởng và những thành phố hoàn chỉnh phù hợp với đời sống sinh hoạt của giai cấp vô sản. Vì vậy, tại Liên Xô đã hình thành và phát triển xu hướng kiến trúc riêng được gọi là “cổ điển vô sản” hay “Doric đỏ”. Đây là xu hướng kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa kết cấu thịnh hành lúc bấy giờ và phong cách kiến trúc cổ đại.
Kiến trúc cách mạng
“Cha đẻ” của xu hướng mới là kiến trúc sư Liên Xô Ivan Fomin (1872-1936), người dưới chế độ Sa hoàng đã gặt hái nhiều thành công trong việc xây dựng những căn biệt thự mang phong cách tân cổ điển. Căn biệt thự của nhà ngoại giao Alexander Polovtsov ở Saint-Petersburg xây theo bản thiết kế của ông với những hành lang kiểu Hy Lạp và dãy cột rộng thênh thang được cho là đạt chuẩn thiết kế mang phong cách kiến trúc này tại Nga. Trong thời gian nổ ra cách mạng, kiến trúc sư Ivan Fomin đã áp dụng kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại để xây nên những tòa nhà đơn giản và theo chủ nghĩa kết cấu.
Khu nhà ở của Hội thể thao vô sản Moskva “Dinamo” tại thủ đô Moskva hiện nay. Ảnh: Ludvig14 (CC BY-SA 4.0) |
Một trong những công trình nổi tiếng của ông tại Moskva là khu nhà ở của Hội thể thao vô sản Moskva “Dinamo” nằm trên phố Bolshaya Lubyanka, được xây dựng từ năm 1928 đến 1931 cùng với đồng tác là kiến trúc sư Arkady Langman (tác giả của tòa nhà Duma Quốc gia Nga hiện nay). Nhìn từ một phía, tòa nhà này mang đậm phong cách chủ nghĩa kết cấu đặc trưng lúc bấy giờ, đó là: Những chiếc cửa sổ lấy ánh sáng hình tròn, sử dụng hình học tuyến tính rõ nét. Còn ở phía các mặt tiền được dựng những dãy cột đôi không móng. Đây là đặc trưng của lối kiến trúc cổ điển cột Doric.
Từ năm 1919, kiến trúc sư Ivan Fomin đã áp dụng những ý tưởng tân cổ điển của mình để chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển thành phố Petrograd (nay là Saint-Petersburg). Cùng với học trò của mình là Lev Rudnev (tác giả của tòa nhà Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva), ông đã thiết kế quảng trường Mars ở Saint-Petersburg. Trước Học viện Smolny (nay là dinh thự của Thống đốc Saint-Petersburg) là khu vườn được xây dựng bởi hai kiến trúc sư Vladimir Shchuko và Vladimir Helfreich (sau này họ trở thành những nhà tư tưởng của “kiến trúc Stalin”). Có hai cổng cao ở hai bên với mỗi bên 5 cột trụ mang nét đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp cổ đại. Trên hai cổng có gắn dòng chữ bằng vàng: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” và “Nhà nước Xô viết chuyên chính vô sản sản đầu tiên”.
Khu vườn trước Học viện Smolny tại thành phố Saint-Petersburg. Ảnh: Sergei Ermokhin/TASS |
Những ngôi nhà cổ cũng được xây dựng lại theo phong cách kiến trúc cách mạng. Tòa nhà văn phòng Đường sắt Nga gần ga tàu điện ngầm “Krasnye Vorota” ở Moskva được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII dành cho văn phòng Cung điện Sa hoàng Nga. Tuy nhiên, vào những năm 1930, kiến trúc sư Ivan Fomin đã biến nó thành công trình đi đầu về kiến trúc tuyệt tác sau khi dựng thêm những hàng cột vào các mặt tiền.
Thành phố vô sản kiểu mẫu
Ivanovo là thành phố áp dụng rộng rãi những ý tưởng của kiến trúc sư Ivan Fomin, đồng thời cũng là trung tâm dệt may của nước Nga. Thành phố này có nhiều công trình kiến trúc tiên phong nên được gọi là “Thành phố vô sản kiểu mẫu”. Tại đây có những ngôi nhà cộng đồng và tòa nhà biểu tượng (hình chim muông, tàu biển, móng ngựa), và đương nhiên còn có cả những ngôi nhà mang phong cách “cổ điển vô sản”.
Học viện Dệt may ở thành phố Ivanovo. Ảnh: Vladimir Smirnov/TASS |
Những trường học ở thành phố Ivanovo cũng được xây dựng theo thiết kế của Ivan Fomin, trong đó có Đại học Công nghệ hóa, Đại học Năng lượng, Học viện Dệt may. Tất cả những dãy nhà trong các ngôi trường đều có khu vực sân chính, đầu hồi hướng ra đại lộ. Bên trong các dãy nhà được trang trí đơn giản, không rườm rà, còn phần mặt tiền được trang trí bằng những cột trụ mang phong cách kiến trúc cổ đại.
Bên trong khuôn viên các dãy nhà giảng đường là Thư viện khoa học tỉnh Ivanovo. Thư viện này cũng mang phong cách kiến trúc cổ đại. Như vậy, kiến trúc sư Ivan Fomin đã thiết kế và xây dựng nên một quần thể trường đại học hoàn chỉnh.
Những ga tàu điện ngầm đầu tiên
Với lối kiến trúc “cổ điển vô sản”, người Liên Xô đã xây dựng nên không chỉ các tòa nhà, mà còn có 2 ga tàu điện ngầm ở Moskva là “Krasnye Vorota” (năm 1935) và “Teatralnaya” (năm 1938). Những nhà ga này nổi bật với những cột trụ và mái vòm đồ sộ.
Ga tàu điện ngầm “Teatralnaya” ở thủ đô Moskva. Ảnh: Nikolai Galkin/TASS |
Tác giả thiết kế những nhà ga này là kiến trúc sư Ivan Fomin, nhưng nhà ga “Teatralnaya” (khi đó có tên là “Quảng trường Sverdlov”) thì được hoàn thiện bởi học trò của ông là Leonid Polyakov.
Các nhà tư tưởng của lối kiến trúc “Doric đỏ” cho rằng, phong cách kiến trúc mới của Liên Xô cần dựa trên lối kiến trúc cổ điển, tuy nhiên phải đơn giản và thô mộc hơn. Ngay giữa những năm 1930, những kiến trúc sư, trong đó có các học trò của Ivan Fomin, đã chú trọng đến phong cách tân cổ điển bằng cách làm cho những tòa nhà thêm phần trang trọng hơn. Liên Xô khi đó bắt đầu bước vào thời kỳ “kiến trúc Stalin” tráng lệ.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()