Những con số đáng suy tư
LSO-Nếu như trước đây, những mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất đi Trung Quốc như nghêu, ếch, cá chuối là thế mạnh thì thời gian gần đây, mặt hàng này lại có xu thế nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nghịch lý đó đã đặt ra nhiều nỗi suy tư cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà khoa học và cả người nuôi trồng thủy sản.
Cán bộ Đội chống buôn lậu Hải quan thu giữ chim bồ câu, thủy sản nhập lậu |
Con số suy tư
Trong 9 tháng đầu năm 2014, một điều rất đáng mừng là xuất khẩu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn đạt mức xuất siêu. Tổng kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản của Việt Nam chiếm ưu thế. Tuy nhiên điều đáng bàn ở đây là có những mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì giờ đây đã hạn chế dần thị phần; nhường chỗ cho hàng Trung Quốc, trong số đó có những mặt hàng thủy sản chủ lực. Trong suốt hơn 20 năm mở cửa, ếch được coi là mặt hàng chính của thủy sản nước ngọt xuất bán sang Trung Quốc. Đã có thời ếch được giá đến mức nó khiến cho nhân dân các vùng nông thôn đổ đi câu ếch. Vào những năm 1998 đến 2003, lượng ếch xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt đến con số trên hai nghìn tấn mỗi năm. Thế nhưng trong chín tháng của năm 2014, ếch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên đến 622 tấn.
Theo ông Hoàng Ngọc Tuyên – Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lạng Sơn: “Doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng cơ quan kiểm dịch phải làm thủ tục. Cách kiểm tra tại cửa khẩu là bằng cảm quan, thấy không có dấu hiệu dịch bệnh là họ được phép nhập. Đã là hội nhập ta không thể ngăn cấm. Tuy nhiên rất “xót xa” khi trước đây ta xuất ếch bán mà giờ đây phải nhập ếch làm thực phẩm”. Bên cạnh ếch là nghêu, ở vùng nhiệt đới gió mùa như nước ta nghêu phát triển rất tốt. Thiên nhiên ưu đãi nên sản phẩm nghêu nuôi xuất khẩu có năm lên tới 5 nghìn tấn, thu về cho nông dân hàng triệu USD. Thế nhưng những năm gần đây, nghêu nuôi liên tục bị dịch bệnh nên sản lượng giảm. Trong khi đó, tại các vùng biển Quảng Đông Trung Quốc, việc nuôi nghêu lại trở thành phong trào. Họ áp dụng khoa học kỹ thuật tốt nên lượng nghêu bị chết rất ít. Trong 9 tháng đầu năm 2014, ta đã phải nhập 143 tấn nghêu từ Trung Quốc. Cùng với mặt hàng thủy sản như nghêu, ếch, chín tháng đầu năm cũng có trên 44 tấn chuối hoa, 6,3 tấn ba ba và trên 1 triệu con cá giống cũng được nhập vào Việt Nam theo đường Lạng.
Câu hỏi dành cho bốn nhà
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh: “Các nhà khoa học, người nông dân phải nhìn thẳng vào sự thật này. Các cơ quan tuyên truyền cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân thấy để có biệp pháp thúc đẩy sản xuất. Không có lý gì một đất nước có bờ biển dài trên 3 nghìn km, nông dân còn thiếu việc làm mà phải đi nhập khẩu thủy sản”.
Như vậy có thể nói ngay trong lĩnh vực là thế mạnh của nuôi trồng thủy sản nước ta nay đã trở thành thế yếu. Từ chỗ ta xuất khẩu mạnh thì nay đã phải nhập khẩu. Trong tương lai, nếu không có biện pháp thúc đẩy sản xuất thì chắc chắn số lượng thủy sản nhập khẩu sẽ còn tăng lên. Trước hết, để hạn chế nhập siêu trong đó nhập siêu thủy sản cần tập trung vào cơ chế chính sách ở tầm vĩ mô. Điều này cần bàn tay của nhà nước. Cần có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, có chính sách nghiên cứu, đầu tư, khuyến khích xuất khẩu. Cần tập trung lĩnh vực khoa học kỹ thuật mà chủ yếu là các nhà khoa học. Cần nghiên cứu nâng cao chất lượng thủy sản, nâng cao sản lượng và có các biện pháp phòng trừ dịch hại.
Theo ông Hoàng Ngọc Tuyên – Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lạng Sơn, một phần chúng ta phải nhập khẩu là do kỹ thuật nuôi chưa tốt, thủy sản chết dịch nhiều nên nhu cầu trong nước thiếu. Với người nuôi trồng thủy sản cần tập trung mở rộng sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, đầu tư có hiệu quả để thủy sản Việt Nam phát huy lợi thế so với thủy sản nước ngoài. Với các thương gia, cần nhất là phát huy lợi thế xuất khẩu, chính sách ưu đãi thuế để cạnh tranh về giá cả. Theo chị Vương Thủy Hương, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản HP thì cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong xuất khẩu thủy sản để điều tiết giá cả tạo lợi thế cho thủy sản Việt Nam.
Để thủy sản Việt Nam chiếm ưu thế, giảm nhập siêu, đặc biệt là nhập từ Trung Quốc, lúc này cần sự liên kết 4 nhà, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tạo cơ chế, chính sách nuôi trồng thủy sản đủ sức cạnh tranh để tăng xuất, giảm nhập khẩu những mặt hàng vốn là thế mạnh.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()