Những con số ấn tượng
LSO-Kết thúc năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đã đạt trên 3,3 nghìn tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch năm và tăng 12,8% so với cùng kỳ 2012.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công thương thì đây là con số hết sức ấn tượng thể hiện sự quyết tâm của Lạng Sơn trong duy trì sản xuất công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp tăng có nghĩa là công ăn việc làm sẽ ổn định, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Từ đó giữ vững đà phát triển và ổn định về an ninh trật tự. Với Lạng Sơn, sản xuất công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng khoảng gần 30% GDP nhưng nó hết sức quan trọng bởi công nghiệp Lạng Sơn chủ yếu là khai thác, chế biến, tổng giá trị khai thác chế biến chiếm tới hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 2/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Lĩnh vực này tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Sản xuất thùng xốp đựng hoa quả tại Công ty TNHH Phú Thịnh Lạng Sơn |
Đầu năm 2013, Nhà máy Xi măng Đồng Bành được chuyển giao cho Tập đoàn Xi măng The Vissai, ở giai đoạn này nhà máy phải tạm thời dừng hoạt động để sửa lò. Việc dừng đốt lò đã khiến cho giá trị sản xuất, chế biến công nghiệp giảm sút đáng kể. Những cũng ít ai ngờ được chỉ sau 2 tháng, bắt đầu từ tháng 7, nhà máy đã hoạt động trở lại và chạy hết công suất. Việc đó đã góp phần tạo ra trên 500 nghìn tấn sản phẩm, góp phần nâng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến toàn tỉnh lên 1.690 tỷ đồng, đạt 102,6% kế hoạch, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Hiện sản phẩm xi măng Đồng Bành đã xuất đi 16 quốc gia trên thế giới.
Theo ông Ngô Đăng Chinh, Phó tổng Giám đốc Xi măng Đồng Bành thì đây là một bước tiến dài khi tỉnh, các cơ quan hữu trách đã chọn đúng đối tác. Như vậy không phải chúng ta không có tiềm năng mà vấn đề ở đây là khai thác đúng hướng hay chưa mà thôi. Cùng với xi măng, sản phẩm chì thỏi của Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ đã sản xuất đạt gần 10.000 tấn/ năm. Năm nay do cải tiến công nghệ, sản phẩm chì của công ty đã đạt chất lượng 99,99%, ngang với các nước tiên tiến trên thế giới nên giá bán sản phẩm tăng cao. Vậy nên Nhà máy xi măng Đồng Bành và Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc bộ vẫn duy trì được việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động chính thức và trên 1.000 lao động phụ trợ.
Trong năm 2013, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn dẫn đến sản xuất công nghiệp như điện, nước, than bị hiệu ứng dây chuyền. Tuy nhiên, giá trị sản xuất phân phối điện, nước, than, chế biến rác thải vẫn đạt 1.211,3 tỷ đồng, đạt 104,2% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ. Khai thác công nghiệp, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng đều có bước tăng trưởng. Như vậy có thể nói sản xuất công nghiệp Lạng Sơn đã tiến nhanh dần đều so với quy mô toàn quốc, đây chính là nền tảng để thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển.
Trong khó khăn của sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã tích cực bám nắm doanh nghiệp, triển khai các hoạt động khuyến công trung ương và địa phương. Toàn tỉnh đã triển khai 12 đề án khuyến công, tổng kinh phí đạt gần 1 tỷ đồng. Tư vấn công nghiệp, tiết kiệm năng lượng đều vượt yêu cầu đề ra. Năm 2013, toàn tỉnh đã phát triển thêm 190 doanh nghiệp, trong đó có trên 30 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Điều đó đã minh chứng cho sự phát triển của công nghiệp Lạng Sơn trong điều kiện kinh tế thế giới đang phục hồi chậm. Đồng thời cũng khẳng định công nghiệp Lạng Sơn đang đi đúng hướng, góp phần sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới, tạo công ăn việc làm, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa hiện đại hóa.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()