Những chuyển động tích cực ở Mi-an-ma
Năm 2011 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ và nhanh chóng trong đời sống chính trị, xã hội của Mi-an-ma, nước thành viên sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014.Sau cuộc bầu cử tháng 11-2010, Chính phủ do Tổng thống U Thên Xên đứng đầu nhậm chức tháng 3 vừa qua tiếp tục xúc tiến hòa giải với các nhóm đối lập, trong đó điển hình là các cuộc tiếp xúc giữa Chính phủ với thủ lĩnh phe đối lập A-ung Xan Xu Ki, nhà hoạt động được trao Giải Nô-ben Hòa bình năm 1991, nhiều năm bị quản thúc. Trong các cuộc gặp được cho là mang tính "đột phá" này, các bên nhất trí cùng nhau nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước theo nguyện vọng của nhân dân; thúc đẩy hợp tác vì phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ; tránh đưa ra các quan điểm xung đột, nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng có lợi và tiếp tục thúc đẩy đối thoại. Bầu không khí chính trị cởi mở đã mở đường để đảng Liên đoàn Quốc gia...
Sau cuộc bầu cử tháng 11-2010, Chính phủ do Tổng thống U Thên Xên đứng đầu nhậm chức tháng 3 vừa qua tiếp tục xúc tiến hòa giải với các nhóm đối lập, trong đó điển hình là các cuộc tiếp xúc giữa Chính phủ với thủ lĩnh phe đối lập A-ung Xan Xu Ki, nhà hoạt động được trao Giải Nô-ben Hòa bình năm 1991, nhiều năm bị quản thúc. Trong các cuộc gặp được cho là mang tính “đột phá” này, các bên nhất trí cùng nhau nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước theo nguyện vọng của nhân dân; thúc đẩy hợp tác vì phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ; tránh đưa ra các quan điểm xung đột, nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng có lợi và tiếp tục thúc đẩy đối thoại. Bầu không khí chính trị cởi mở đã mở đường để đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập, do bà A-ung Xan Xu Ki làm Tổng Thư ký, quyết định đăng ký hoạt động trở lại, tham gia cuộc bầu cử bổ sung sắp tới sau nhiều năm tẩy chay.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Mi-an-ma, từ ngày 18-8 vừa qua, các nhóm vũ trang ở nước này đã tham gia đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng nổi dậy có vũ trang trong nước và kiến tạo hòa bình trên cả nước theo tinh thần Hiến pháp mới. Với những chính sách hòa giải mềm dẻo, Chính phủ Mi-an-ma đã “thu nạp” ngày càng nhiều những nhóm chống đối và đã ký thỏa thuận hòa bình với một số nhóm vũ trang được cho là “cứng đầu” nhất… Cùng với đó, năm qua, Tổng thống U Thên Xên đã ký Sắc lệnh ân xá hàng chục nghìn tù nhân, đồng thời tuyên bố Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho phép họ tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Trong tuyên bố giới thiệu công trình nghiên cứu mang tên “Mi-an-ma: Trên đường cải cách lớn”, Giám đốc chương trình châu Á của Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế R.Tem-plơ nêu rõ, Tổng thống U Thên Xên đang thực hiện nhiều biện pháp cải thiện quan hệ với các nhóm sắc tộc và đối lập ở Mi-an-ma, đồng thời cho rằng, với tiến trình chính trị đang tiến triển nhanh chóng ở Mi-an-ma, phương Tây không nên giữ thái độ hoài nghi và không can dự với Mi-an-ma như hiện nay, mà cần nắm lấy cơ hội này để thúc đẩy các diễn biến tích cực ở nước này. Ông đề nghị các nước phương Tây sớm bãi bỏ cấm vận, đồng thời khuyến khích các thể chế tài chính quốc tế tham gia hoạt động ở Mi-an-ma.
Trên mặt trận đối ngoại, trong năm qua, Mi-an-ma cũng thu nhiều thành quả, trong đó nổi bật là việc Mi-an-ma được giao và sẵn sàng đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN 2014. Cố vấn chính trị cấp cao của Tổng thống Mi-an-ma ông C.Hla-inh khẳng định, là một thành viên trong gia đình ASEAN, Mi-an-ma “có quyền cũng như khả năng gánh vác trách nhiệm chủ tịch của khối như các thành viên khác”, đồng thời nhấn mạnh, Mi-an-ma cam kết nỗ lực đóng góp để xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, hợp tác và phát triển, khẳng định uy tín và vị thế quốc tế của ASEAN trên trường quốc tế. Trước đó, tháng 9-2011, Mi-an-ma đã chính thức được kết nạp trở thành thành viên của Đại Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông – Nam Á (AIPA), nhân dịp hội nghị lần thứ 32 của AIPA diễn ra tại Thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia. Quan hệ song phương giữa Mi-an-ma với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc… cũng được cải thiện đáng kể. Nhà bình luận K.Chông-kít-ta-vôn của Đài Truyền hình NBC (Thái-lan), chỉ rõ, Mi-an-ma đang đứng trước nhiều vận hội mới để tăng tốc phát triển đất nước. Ông cho rằng, chỉ mươi năm nữa, Mi-an-ma sẽ có những thay đổi ngoạn mục ít ai ngờ tới. Sự thay đổi đó trước hết, bắt nguồn từ vị trí địa chính trị quan trọng của nước này. Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền kinh tế mới nổi đang có bước phát triển mạnh mẽ, đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên Mi-an-ma sẽ được cả hai nước láng giềng này quan tâm, do đó sẽ có cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Thứ hai, nhân tố quan trọng không kém, đó là sự chuyển đổi từ một chính quyền quân sự sang một chính quyền dân sự thực thụ, trong đó ban lãnh đạo mới của Mi-an-ma đã và đang có những bước đi nhằm đạt mục tiêu chung vì lợi ích của dân tộc. Thứ ba, đó chính là tầm ảnh hưởng quan trọng của cá nhân nhà chính trị Xan Xu Ki trong tiến trình cải cách ở nước này.
Những bước đi theo lộ trình dân chủ đã cam kết trước cộng đồng quốc tế của chính quyền Nây Pi Đô được dư luận Mi-an-ma và khu vực quan tâm, đang mở ra nhiều hy vọng lạc quan về giai đoạn phát triển mới mang tính bước ngoặt ở Mi-an-ma.
Theo Nhandan
Ý kiến ()