Những chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Sơn La
Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nên những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Sơn La có bước chuyển dịch tích cực.
Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nên những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Sơn La có bước chuyển dịch tích cực.
Đa dạng loại hình công nghiệp
Nằm ở vị trí thượng nguồn của hai con sông lớn là sông Đà và sông Mã, Sơn La không chỉ là địa bàn phòng hộ xung yếu cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà do địa hình có độ dốc lớn nên có tiềm năng, thế mạnh để phát triển thuỷ điện. Hiện, có 47 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa, trong đó có 20 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với công suất 250,8 MW, sản lượng điện bình quân 994 triệu kWh/năm. Dự kiến đến cuối năm 2013, Sơn La sẽ hoàn thành tiếp 10 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất 208 MW. Điểm nổi bật về phát triển thuỷ điện ở Sơn La là công trình dự án thuỷ điện Sơn La. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất lắp đặt 2.400 MW. Công trình thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội đã cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế 12,5 tỉ kWh điện, tương đương giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỉ đồng.
Dự án thuỷ điện Sơn La (Ảnh: Đ.H) |
Ở Sơn La, có nhiều loại khoáng sản như nikel, đồng, sắt, nhiều loại khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện, 1 dự án sản xuất xi măng với công suất 1 triệu tấn/năm và 2 dự án khai thác và chế biến đồng đã đi vào sản xuất. Dự án khai thác và chế biến nikel dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2013. Ngoài ra, với tiềm năng, lợi thế về đất đai, ở Sơn La đang hình thành các vùng sản xuất tập trung, trình độ thâm canh cao để cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản hàng hoá. Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu với sản lượng 60 triệu lít sữa/năm và 5 đơn vị sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao với sản lượng 5.000 tấn/năm là những đơn vị công nghiệp điển hình.
Nhờ nỗ lực biến tiềm năng thành hiện thực, nên giá trị sản xuất công nghiệp của Sơn La năm 2012 ước đạt 1.967 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2010. Với đà phát triển đó, trong quý I năm 2013, chỉ số phát triển công nghiệp của Sơn La so với cùng kỳ năm 2012 tăng 11,12%. Sơn La cũng đã hoàn thành và công khai quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Mai Sơn với quy mô gần 150 ha. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp hiện đang được đầu tư và hoàn thiện. Ngoài ra, Sơn La cũng đã và đang hình thành các khu công nghiệp như Mộc Châu, Phù Yên, Mường La,… Đây là những địa điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Sơn La.
Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực
Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, Sơn La cũng có nhiều lợi thế. Với 2 cao nguyên là Mộc Châu và Nà Sản có khí hậu ôn đới, Sơn La có thế mạnh để phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao, rau, hoa quả ôn đới, chăn nuôi bò sữa, cà phê, mía, cao su… Nhìn chung, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Sơn La đang chuyển dịch rõ về mô hình, hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Năm 2012, diện tích cây lương thực được duy trì 181.888 ha, sản lượng đạt trên 690.000 tấn, trong đó ngô có diện tích 133.713 ha, với sản lượng 524.000 tấn. Những loại cây khác như chè đạt 3.819 ha; cà phê 6.371 ha; mía 4.656 ha.
Nhiều đồng bào dân tộc đã trở thành công nhân của Công ty cổ phần Cao su Sơn La (Ảnh: Đ.H) |
Với 2 bậc thuỷ điện Sơn La và Hoà Bình, đã tạo cho Sơn La có 2 hồ chứa nước lớn khoảng gần 20.000 ha. Đây là tiềm năng lớn để Sơn La phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Để góp phần biến tiềm năng thành hiện thực, ngày 17/1/2013, Công ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam – Sơn La đã được thành lập và hiện đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án (dự án giống và trứng cá tầm đen; dự án phát triển đàn cá; dự án liên kết với các hộ dân, đối tác để nuôi cá tầm) với tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2015, bình quân dự án này sẽ cho thu hoạch 260 tấn cá thương phẩm/năm; đến năm 2020 là 2.000 tấn cá thương phẩm/năm; 1 triệu con cá giống và sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở chế biến.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 10,5%
Nhìn chung, trong quý I năm 2013, Sơn La thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô trong nước còn nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm và cố gắng các cấp, các ngành, các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển. Những kết quả đã đạt được trong quý I, đã tạo đà quan trọng để Sơn La phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của cả năm 2013.
Những quý còn lại của năm 2013, Sơn La sẽ tập trung huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển, triển khai các giải pháp có tính khả thi cao để phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 10,5%. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận được các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật cũng như hỗ trợ phát triển thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc ổn định đời sống và hoạt động sản xuất của các bản còn đặc biệt khó khăn. Mở rộng chương trình phát triển cây cao su, khôi phục và phát triển vốn rừng.
Khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi trâu, bò đực giống, bò cái nền sinh sản. Nâng cao công tác hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, hỗ trợ công tác thú y, công tác khuyến nông, nhất là việc trồng cỏ bằng nhiều hình thức như hỗ trợ trực tiếp; hỗ trợ lãi suất vay. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tầm…
Dangcongsan
Ý kiến ()