Những chuyển biến tích cực
LSO-Hiện nay, tổng nợ xấu toàn địa bàn tỉnh chỉ còn chiếm 1,96% tổng dư nợ, giảm sâu tới 70,1% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 39,8% so với thời điểm tính đến ngày 31/12/2013. Kết quả này là sự nỗ lực của các sở, ngành chức năng liên quan, đặc biệt là ngành ngân hàng tỉnh trong triển khai, thực hiện Quyết định số 843/QĐ- TTg về công tác xử lý nợ xấu. Kết quả đó đang góp phần mở rộng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Hoạt động giao dịch tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Lạng Sơn |
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ngân hàng tỉnh đã nỗ lực triển khai, thực hiện Đề án xử lý nợ xấu ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên; chú trọng đầu tư các chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh, mở rộng tín dụng, hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó thực hiện tốt vai trò thành viên của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng, chủ trì cùng các ngân hàng thương mại làm việc với doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động tín dụng, ngân hàng, nắm tình hình xử lý nợ… Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, chủ động đánh giá chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi vốn của các khoản nợ và có biện pháp xử lý nợ phù hợp với từng khách hàng.
Thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, trong 6 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ 147 tỷ đồng, chiếm 1,34% tổng dư nợ; giảm lãi suất các khoản vay, đưa tỷ trọng dư nợ lãi suất thấp dưới 9%/năm tăng lên chiếm 10,3% tổng dư nợ (thời điểm tính đến ngày 31/12/2013 chỉ chiếm 2%). Các ngân hàng đã xử lý tổng số nợ xấu là 245,38 tỷ đồng, trong đó: đôn đốc khách hàng trả nợ vốn sử dụng sai mục đích là 15,7 tỷ đồng, khách hàng trả nợ 8,697 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro 537 triệu đồng, xóa nợ 2,213 tỷ đồng và khoanh nợ 1,896 tỷ đồng. Cụ thể nhiều dự án lớn được tháo gỡ khó khăn như dự án Nhà máy Thủy điện Thác Xăng đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có văn bản chấp thuận đề nghị của chủ đầu tư và ngân hàng chi nhánh tỉnh về nâng tổng mức vốn đầu tư, Dự án tiếp tục được thi công, dự kiến sẽ phát điện trong quý IV/2014. Dự án Nhà máy xi măng Lạng Sơn được giảm lãi suất vay vốn dài hạn 1%, giảm lãi suất vay ngắn hạn 0,5% so với lãi suất thông thường, cơ cấu lại lịch trả nợ căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty và trình trung ương nâng hạn mức tín dụng vốn lưu động từ 40 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Dự án Nhà máy xi măng Đồng Bành được cơ cấu lại thời hạn trả nợ bằng cách kéo dài thời hạn trả nợ thêm 5 năm (đến năm 2023), cơ cấu các khoản vay ngắn hạn, khoanh lãi vay ngắn hạn trong 2 năm, và trong tháng 6/2014 doanh nghiệp đã trả hết khoản nợ vay sử dụng sai mục đích, dư nợ được chuyển nhóm nợ II, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang trình trung ương cho Công ty vay bổ sung vốn lưu động với hạn mức 50 tỷ đồng…
Từ thực hiện tích cực các biện pháp xử lý nợ xấu theo Quyết định số 843/QĐ-TTg, đến nay, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể. Nợ xấu toàn địa bàn hiện chỉ còn 213,7 tỷ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2013 (nợ xấu cùng kỳ năm 2013 là 714,8 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ), giảm 39,8% so với 31/12/2013 (nợ xấu tính đến ngày 31/12/2013 là 354,8 tỷ đồng, chiếm 3,25% dư nợ). Bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: tuy kết quả đạt được là khá cao, nhưng công tác xử lý nợ xấu hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, như: môi trường sản xuất kinh doanh, việc mở rộng tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp, việc thu hồi nợ vay các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả đều rất khó khăn; nợ xấu cũ giảm lại phát sinh nợ xấu mới… Do vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng theo đúng chủ trương của Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo các giải pháp xử lý nợ xấu theo Quyết định số 843/QĐ-TTg, tăng cường cho vay các dự án trọng điểm của tỉnh. Qua đó, phấn đấu tiếp tục giảm nợ xấu, đảm bảo hoạt động ngân hàng của tỉnh an toàn và hiệu quả.
LÂM GIANG
Ý kiến ()