Những Chủ tịch UBND trẻ ở các xã vùng khó khăn huyện Lộc Bình: Năng lượng cho một sự bứt phá
LSO-Đầu tháng Giêng năm 2013, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình tổ chức khánh thành lớp học từ xa tại xã Ái Quốc.
LSO-Đầu tháng Giêng năm 2013, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình tổ chức khánh thành lớp học từ xa tại xã Ái Quốc. Nói về sự thành công của lớp học này, ông Hoàng Chiêu, Giám đốc Trung tâm GDTX Lộc Bình đánh giá rất cao sự ủng hộ của Chủ tịch UBND xã Triệu Tiến Thanh. Thực vậy, là Chủ tịch UBND xã khi chưa đầy 30 tuổi, Triệu Tiến Thanh suy nghĩ rằng, nguyên nhân của cái nghèo, cái đói của bà con dân tộc Dao quê mình chính là thiếu kiến thức làm ăn, mà muốn có kiến thức phải bắt đầu bằng sự học. Làm Chủ tịch xã mà thấy lớp đàn anh đàn chị và ngay cả bạn bè mình mới có trình độ lớp 5, lớp 6, lấy chồng lấy vợ sớm, sinh con đẻ cái và suốt năm luẩn quẩn với cái nghèo, anh không thể chịu nổi. Vậy là anh lặn lội ra Trung tâm GDTX huyện đề nghị Trung tâm giúp mở lớp bổ túc THPT xã.. Được giúp đỡ, lại thuận tình, đạt lý, người dân nghe theo vị chủ tịch trẻ, thế là ngay năm học 2011-2012, xã Ái Quốc đã hình thành 2 lớp bổ túc THPT với 81 học viên; nhiều gia đình có 2 người theo học, có gia đình 3 người gồm 2 thế hệ theo học. Khi Trung tâm đề cập đến việc thử nghiệm giáo dục từ xa, cảm nhận được cái mới mẻ của hình thức giáo dục hiện đại này, anh đồng ý ngay và nhiệt tình giúp Trung tâm từ việc bố trí lớp, đặt máy móc, công tác quản lý học viên…Từ một xã yếu kém về công tác GD&ĐT, đến nay do “cú hích” của lớp bổ túc THPT xã, cụm xã, Ái Quốc đã vươn lên nằm trong tốp khá về tỷ lệ người dân đi học.
Thanh niên xã vùng cao Ái Quốc (Lộc Bình) trong lớp học bổ túc THPT cụm xã |
Khác với Ái Quốc, chủ tịch UBND xã Tam Gia Hoàng Văn Phúc (sinh năm 1984)có một tuổi thơ lam lũ cùng người dân vùng biên giới Tam Gia. Hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, Phúc trở lại quê hương, anh không đi tìm công ăn việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như nhiều thanh niên khác, mà ở lại với ước vọng muốn đóng góp một điều gì đó cho quê hương. Được kết nạp Đảng, tham gia HĐND và giữ chức Chủ tịch UBND xã, người thanh niên mới 27 tuổi này suy nghĩ nhiều lắm. Là lãnh đạo của một xã nghèo biên giới, nếu chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước thì tư tưởng ỷ lại sẽ truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy anh động viên bà con lao động sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KHKT đổi mới canh tác để nâng cao đời sống nhân dân. Tranh thủ ý kiến của các bậc cao niên, các đảng viên lão thành, cùng bàn bạc với cấp ủy đề ra những nghị quyết sát đúng cho từng chuyên đề, từng giai đoạn và khi đã có nghị quyết, anh lãnh đạo tập thể UBND tổ chức thực hiện bằng được. Những chuyển biến đáng mừng về kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng ở Tam Gia trong thời gian gần đây là minh chứng cho sự đóng góp có hiệu quả của vị Chủ tịch xã trẻ tuổi này.
Không chỉ ở Ái Quốc, Tam Gia, các Chủ tịch UBND xã vùng cao như Lương Văn Mông, sinh năm 1983- Chủ tịch UBND xã Tĩnh Bắc, Lâm Văn Tuyến, sinh năm 1982- Chủ tịch UBND xã Xuân Dương đều có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển KTXH ở các xã khó khăn này. Tuy hoàn cảnh xuất thân có khác nhau, song khi đảm nhận trọng trách tại xã, họ đều chung một đặc điểm là trẻ, khỏe, có tri thức, năng động, nhiệt tình, gắn bó với nhân dân, được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và người dân tin tưởng. Nhận xét về họ, ông Triệu Xuân Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình nói rằng, đó chính là những nhân tố mới; họ đã có sự khởi đầu tốt đẹp và qua thời gian, họ chính là những “đầu tầu” trong công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao, vùng ĐBKK ở Lộc Bình.
Bên cạnh đội ngũ chủ tịch trẻ, huyện ủy Lộc Bình thường bố trí những người không quá chênh lệch về tuổi, nhưng đã có kinh nghiệm công tác, có bản lĩnh làm Bí thư cấp ủy như Hoàng Văn Chi- Bí thư Đảng ủy xã Tam Gia (sinh năm 1969), Đặng Văn Quang- Bí thư Đảng ủy xã Ái Quốc (sinh năm 1976…Đây chính là “nghệ thuật” bố trí và sử dụng cán bộ. Vì cùng thế hệ, họ sẽ “gần nhau” trong tư duy và hành động; mặt khác, kinh nghiệm và bản lĩnh của Bí thư cấp ủy sẽ “kiềm chế” được sự nông nổi, phát huy năng lực, sở trường, hạn chế những “sở đoản” của người trẻ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Thanh Hải, Bí thư huyện ủy Lộc Bình cho biết, trong khâu tổ chức cán bộ, huyện ủy Lộc Bình luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là cái gốc của công việc”, vì vậy song song với việc đề bạt, phân công các cán bộ trẻ là người địa phương ở các xã vùng khó khăn, huyện ủy luôn quan tâm theo dõi, giúp đỡ họ để họ phát huy năng lực, trình độ và sự sáng tạo của mình.
MINH HỒNG
Ý kiến ()