Những ‘chiến sỹ áo trắng’ thầm lặng trên chuyến bay Vietnam Airlines
Trên các chuyến bay, những “thiên thần áo trắng” cất cánh như bao hành khách và họ xuất hiện một cách đáng trân trọng để cứu giúp mọi người khi xảy ra vấn đề về sức khỏe.
Các “chiến sĩ áo trắng” là những người đã tiên phong trên mặt trận tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua. Họ đã không ngại gian khổ, nguy hiểm, xông pha vào “tâm dịch”, thần tốc ngày đêm chạy đua với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Chưa từng một lần nhìn rõ mặt
Trên chuyến bay lịch sử VN5022 từ Guinea Xích đạo về Việt Nam với hơn 200 hành khách, trong đó có 119 hành khách xác định dương tính với virus Sar-Cov-2 vào ngày 29/7/2020, phi hành đoàn của Vietnam Airlines kết hợp với tổ bác sỹ và điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận nhiệm vụ lên đường.
Là một trong số tiếp viên được chọn làm nhiệm vụ trên chuyến bay đặc biệt từ Guinea Xích đạo về nước, tiếp viên Phạm Xuân Trường cũng thoáng lo lắng về sự nguy hiểm của căn bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, khi gặp tổ bác sỹ và điều dưỡng tại sân bay, các thành viên phi hành đoàn của anh Trường cảm thấy yên tâm và vững vàng hơn bởi dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy thì đã có các “thiên thần áo trắng” ở bên cạnh.
Khi chuyến bay bắt đầu khởi hành, Tổ tiếp viên sử dụng hệ thống loa phát thanh để hướng dẫn hành khách về an toàn bay, dịch vụ ăn uống, phòng chống dịch bệnh… Tổ bác sỹ và điều dưỡng bắt tay vào việc chăm sóc cho những khách ho, sốt, khó thở, tiêu chảy, rồi lại bị cơn sốt rét hành hạ.
“Các bác sỹ và điều dưỡng làm việc trong một môi trường hết sức đặc biệt, khoang cabin kín bưng. Hơn 13 giờ bay, nhưng không ai cho phép mình được mệt mỏi, được uể oải. Bởi mọi bất ngờ có thể xảy ra và ập đến bất kỳ lúc nào,” tiếp viên Trường nhớ lại.
Sau chuyến bay dài với trách nhiệm nặng nề, bác sỹ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) tâm sự: “Mọi người trong đoàn đều hơi mệt, nhưng việc cả đoàn an toàn về nước như trút đi được một gánh nặng. Bởi đội ngũ y bác sỹ và tổ bay đều mang trong mình trách nhiệm nặng nề là phải đảm bảo an toàn cho số lượng lớn bệnh nhân dương tính, có những bệnh nhân có thể diễn biến xấu trong quá trình bay nên áp lực rất lớn”.
Là một trong những người bị mắc COVID-19 sau khi thực hiện nhiệm vụ bay quốc tế, nữ tiếp viên Phạm Thị Thúy An vẫn nhớ như in thời khắc sống trong khu cách ly đằng đẵng cả nửa tháng trời.
Chị An kể hằng ngày, các y bác sỹ tới kiểm tra thân nhiệt, hỏi thăm sức khoẻ, dặn dò mọi người cách phòng tránh lây nhiễm, ăn uống, rèn luyện để tăng cường sức khỏe… và động viên tâm lý từng người.
“Mình chưa từng một lần nhìn thấy mặt họ, luôn luôn với khẩu trang và bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng qua ánh mắt, lời nói có thể cảm nhận rõ sự quan tâm, ấm áp của các y bác sĩ nơi đây. Có bác sỹ tâm sự đã cả tháng rồi chưa được về nhà, cũng nhớ nhà lắm nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm chăm sóc, cứu bệnh nhân nên ai cũng quyết tâm. Những lời nói đó khiến tôi cảm thấy ở chính các y bác sỹ là sự sự can đảm và lòng yêu nghề,” chị An chia sẻ.
Những “thiên thần áo trắng” thầm lặng
“Thưa quý khách. Chúng tôi cần sự trợ giúp y tế trong chuyến bay. Quý khách là bác sỹ, y tá hoặc có chuyên môn y tế vui lòng liên hệ ngay với tiếp viên. Xin cảm ơn.” Loa phát thanh vang lên trong chuyến bay, ngay lập tức có một hành khách nam giới thiệu nhanh bản thân là bác sỹ với tiếp viên và sẽ hỗ trợ sơ cứu người bệnh trên chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội ngày 14/2/2022.
Qua kiểm tra, bác sỹ Phạm Văn Minh thấy mạch yếu và khách khó thở, tay chân lạnh và khách có tiền sử bị tiểu đường nhưng không mang theo thuốc. Tiếp viên đã làm theo sự hướng dẫn bác sỹ cho khách uống nước đường, cho thở oxy và chườm nước ấm đồng thời massage các huyệt cho máu lưu thông. Sau 10-15 phút, khách tỉnh táo trở lại và khi hạ cánh, nhân viên y tế lên máy bay kiểm tra lại tình trạng sức khỏe khách và đưa đi cấp cứu.
Hay trên chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hải Phòng ngày 20/2/2022, hành khách không có người nhà đi kèm, đứng dậy đi vệ sinh đã ngất tại lối đi. Khi tiếp viên thông báo trợ giúp y tế, trên máy bay có bác sĩ Trần Thị Việt Hương là bác sỹ Khoa Sản Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng đã sơ cứu cho khách.
Bác sĩ yêu cầu đo thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim và chẩn đoán ban đầu do nhịp tim của nữ hành khách chậm, khi đứng lên nhanh nên bị choáng ngất đồng thời chỉ định dùng thuốc giảm đau Partamol và đá lạnh để giảm nôn khan, yêu cầu trợ giúp y tế tại sân bay vì thời tiết tại Hải Phòng lạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách…
Đó là một vài trong hàng ngàn chuyến bay mà những “thiên thần áo trắng” cất cánh như bao hành khách và họ xuất hiện một cách đáng trân trọng để cứu giúp mọi người. Sau đó, họ lại trở về ghế ngồi của mình, không đòi hỏi thêm quyền lợi phụ trội. Với họ, nụ cười và lời cảm ơn, đó là tất cả./.
Ý kiến ()