Những “chiến sĩ đặc biệt” góp sức giữ gìn an ninh trật tự
Chó nghiệp vụ thực hiện động tác vượt chướng ngại vật
– Trong thành tích chung của Phòng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) nói riêng, Công an tỉnh nói chung luôn có sự đóng góp của lực lượng chó nghiệp vụ . Những “chiến sĩ đặc biệt” ấy đã và đang thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp sức vào những chiến công của lực lượng công an, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Chó nghiệp vụ là những chú chó được tuyển chọn, huấn luyện đặc biệt để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ trong lực lượng cảnh sát. Đây là lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng nên việc lựa chọn giống chó nghiệp vụ rất khắt khe.
Thượng úy Chu Mạnh Tiến, Phó Đội trưởng Đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ (ĐVNV), Phòng CSCĐ, Công an tỉnh cho biết: Phòng CSCĐ hiện có 7 chó nghiệp vụ chuyên khoa bảo vệ và truy tìm dấu vết mùi hơi người, thuộc giống Béc-giê Đức và Béc-giê Bỉ. Đây là những giống chó có ưu thế vượt trội về thể hình, tốc độ, khả năng đánh hơi và chiến đấu. Lực lượng ĐVNV được huấn luyện thiện chiến với các động tác từ cơ bản đến chuyên khoa, mỗi chú chó đều được đặt tên để thuận tiện cho huấn luyện và tăng khả năng phản xạ.
Nhằm tăng cường thể lực, nâng cao khả năng tác chiến, tăng phản xạ của chó nghiệp vụ, thời gian qua, Phòng CSCĐ luôn chú trọng công tác huấn luyện ĐVNV. Cụ thể, chó nghiệp vụ được tập luyện đều đặn 5 ngày/tuần, mỗi ngày từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ với 15 động tác cơ bản và huấn luyện chuyên khoa như: điều khiển đứng, nằm, ngồi từ xa, ngửi, cắp vật, bò, vượt chướng ngại vật, phát triển hung dữ, bơi, dẫn giải, canh gác đối tượng, tuần tra, kiểm soát, phục kích, truy tìm dấu vết người… Qua huấn luyện, chó nghiệp vụ càng trở nên thông minh, gan dạ và có khả năng tuân thủ mệnh lệnh.
Thiếu úy Hồ Chiến Hữu, Đội Quản lý và sử dụng ĐVNV, Phòng CSCĐ, Công an tỉnh chia sẻ: Tôi nhận huấn luyện chó nghiệp vụ tên Toby từ năm 2019, khi đó, Toby chưa nhận được khẩu lệnh, chưa có phản xạ. Sau huấn luyện khoảng 6 tháng, Toby đã có thể nhận khẩu lệnh và thực hiện theo điều khiển của cán bộ huấn luyện. Hiện, Toby có thể chạy với vận tốc khoảng 40 km/h trên địa hình bằng phẳng, bật vượt chướng ngại vật khoảng 1,5 đến 2 mét.
Cán bộ huấn luyện và chó nghiệp vụ thực hiện huấn luyện phát triển hung dữ
Với cường độ luyện tập cao, chó nghiệp vụ tiêu hao rất nhiều năng lượng, vì vậy, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cho những “chiến sĩ” này rất được quan tâm. Được biết, khẩu phần ăn của chó nghiệp vụ phải đảm bảo đủ đạm, chất béo, protein trong các loại thịt, trứng. Những “chiến sĩ bốn chân” được tiêm phòng định kỳ 1 lần/năm, tẩy giun 4 lần/năm. Ngoài ra, mỗi chú chó nghiệp vụ sẽ được quản lý bởi một cán bộ chiến sĩ. Ngoài huấn luyện hằng ngày, các huấn luyện viên luôn chăm sóc, tắm rửa, chải lông, thường xuyên vuốt ve, động viên chú chó của mình.
Trải qua thời gian huấn luyện và chiến đấu, lực lượng ĐVNV đã góp sức tham gia vào các chuyên án, các đợt trấn áp tội phạm của lực lượng CSCĐ nói riêng, của Công an tỉnh nói chung. Từ năm 2015 đến nay, cùng với các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, Phòng CSCĐ đã tham gia 20 vụ truy tìm, vây bắt, đấu tranh trấn áp tội phạm với 56 lượt cán bộ chiến sĩ và 44 lượt chó nghiệp vụ.
Điển hình, ngày 2/11/2018, Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSCĐ phối hợp với các phòng nghiệp vụ tiến hành truy bắt đối tượng giết người Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1987, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã trốn lên khu vực đồi rừng gần hiện trường xảy ra vụ án. Phòng CSCĐ đã cử Thượng úy Lê Văn Huy quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ tên Kan truy tìm theo dấu vết nóng. Bằng khứu giác nhạy bén và quá trình huấn luyện bài bản, Kan đã lần theo dấu vết và phát hiện chính xác nơi ẩn ấp của đối tượng. Nhờ đó, lực lượng tham gia vây bắt đã nhanh chóng bắt giữ được đối tượng, thu giữ tang vật.
Thượng tá Đào Minh Tâm, Trưởng phòng Phòng CSCĐ, Công an tỉnh đánh giá: Lực lượng ĐVNV là “cánh tay” đắc lực giúp Phòng CSCĐ cũng như các đơn vị phòng nghiệp vụ Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm. Phát huy vai trò của lực lượng này, thời gian tới, Phòng CSCĐ sẽ tiếp tục tăng cường tập và rèn luyện kỹ năng thường xuyên cho chó nghiệp vụ, xây dựng lực lượng ĐVNV tinh thông, đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.
Với sự huấn luyện bài bản của đội ngũ quản lý và sử dụng ĐVNV, tin tưởng rằng, những “chiến sĩ đặc biệt” sẽ ngày càng tinh thông nghiệp vụ, cùng lực lượng CSCĐ nói riêng, Công an tỉnh nói chung tham gia tuần tra kiểm soát, đấu tranh trấn áp tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ bình yên cho Nhân dân.
Một số động tác huấn luyện của chó nghiệp vụ
Ý kiến ()