Những chiến công thời bình
“Trị thủy, phục hỏa” cứu dân
Địa bàn miền Trung – Tây Nguyên chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan, bất thường. Có những thời điểm mưa dồn dập, lũ dâng cao, lốc xoáy kinh hoàng gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Có lúc hạn hán kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, nguy cơ cháy rừng luôn rình rập. Càng ở vùng sâu, vùng xa thì sự thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân lại càng lớn.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 cùng dân quân địa phương giúp dân di dời nhà khỏi vùng lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh. |
Có lẽ người dân miền Trung – Tây Nguyên khó quên trận đại hồng thủy năm 2009 do bão số 9 gây ra. Trong cơn nguy khốn, hơn 11.200 lượt cán bộ của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3)… đã vượt hàng trăm cây số trong mưa lũ về với người dân vùng lũ bốn tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên. Để cứu dân, quân đoàn đã huy động 311 chuyến ô tô, 28 xe cầu phà, hơn 2.500 áo phao và hàng chục tấn xăng, dầu; vận chuyển hơn 30 tấn gạo, sửa chữa thu dọn nhà cho hơn 550 gia đình, nhiều trường học, bệnh viện, đào đắp hơn 600m3 đất đá; khắc phục 3 cầu do lũ đánh sập, trong đó bắc và duy trì cầu phao dài 90m, trọng tải 60 tấn ở Đắc Ruồng (tỉnh Kon Tum) bảo đảm giao thông thông suốt từ Tây Nguyên đi Quảng Ngãi.
Kết thúc đợt giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, Quân đoàn 3 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. 13 đơn vị trực thuộc và hàng chục cán bộ, chiến sĩ của binh đoàn được UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định và Phú Yên tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt.
Đầu mùa khô năm 2013, kiên quyết không để “giặc lửa” tấn công thiêu rụi những cánh rừng đầu nguồn, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Lữ đoàn Công binh 7, Tiểu đoàn 827 (Cục Hậu cần), Tiểu đoàn 29 (Bộ Tham mưu)… đã hành quân trong đêm, vượt qua nhiều khe suối, núi cao hiểm trở chiến đấu với giặc lửa, cứu hàng nghìn héc-ta rừng ở Tân Cảnh (Kon Tum), Bắc Biển Hồ và đỉnh Cổng trời Mang Yang (Gia Lai).
Đại úy Cấn Quang Thành, Chính trị viên Tiểu đoàn 827 – người trực tiếp chỉ huy dập lửa ở Bắc Biển Hồ (Gia Lai) – nhớ lại: “Chúng tôi nhận được lệnh và hành quân ngay trong đêm. Khi đến nơi cả một khu rừng đầu nguồn đang bốc cháy dữ dội. Những cột lửa cao vút, đỏ lừ, nhưng không một cán bộ, chiến sĩ nào lùi bước”.
Lo toan, gánh vác việc khó với dân
Năm 2013, trước nỗi lo của chính quyền, nhân dân huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) khi thời gian tích nước lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh đã gần kề, mùa mưa lại đang dần vào đỉnh điểm mà 7 làng thuộc xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) với 195 hộ dân vẫn chưa được di dời và có nguy cơ sẽ bị nhấn chìm trong “biển nước”. Sau khi có yêu cầu của chính quyền địa phương, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) đã hành quân về với bà con. Trong gần một tháng, trung đoàn đã đóng góp hơn 5.000 lượt ngày công, tháo dỡ, bốc xếp và vận chuyện 127 ngôi nhà đến nơi ở mới; dựng mới hoàn chỉnh 98 ngôi nhà cho 98 hộ dân đến nơi ở mới ổn định, an toàn.
Cũng chính cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 năm 2012 đã gắn bó, gần gũi vận động nhân dân, khi tà đạo Hà Mòn diễn biến phức tạp tại xã Đăk Blà (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Nhờ thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân, lấy văn hóa và những việc làm tốt của bộ đội, cùng sự kiên trì, linh hoạt tuyên truyền, vận động nên năm 2013, có 100% đối tượng của địa phương đã từ bỏ tà đạo Hà Mòn trở về cuộc sống bình thường. Đồng chí Nguyễn Khắc Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khẳng định: “Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 đã cho chính quyền và nhân dân chúng tôi một điểm tựa. Điểm tựa của niềm tin và tinh thần vượt khó, quyết thắng”.
Dù ở nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 luôn hướng về nhân dân. Khi chương trình “xây dựng nông thôn mới” được triển khai ở Gia Lai, Sư đoàn 320 đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ nạo vét 2.100m kênh mương nội đồng, san đắp 200m đường liên thôn, phát quang 800m2 sân trường, tháo dỡ nhà kho mục nát tại xã Trà Đa (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai); phối hợp với xã Biển Hồ (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày “Chủ nhật xanh” tổng dọn vệ sinh đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng khuôn viên khu sinh hoạt cộng đồng ở thôn Đồng Bằng và đổ 150m2 đường bê tông. Sư đoàn còn hỗ trợ 500 kg gạo cho các cháu học sinh 2 trường bán trú trên địa bàn xã Ia Lang (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai); hỗ trợ quỹ khuyến học và hoạt động hè xã Biển Hồ 10 triệu đồng… Các phong trào “Hũ gạo tình thương” của Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10), “Tấm áo tặng đồng bào” của Lữ đoàn Pháo binh 40, “Áo mới em đến trường” của Cục Hậu cần quân đoàn… đã tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Ý kiến ()