Những chiến công có máu và nước mắt
Cuộc đời của những chiến sĩ cảnh sát ma túy quanh năm chỉ mật phục, truy bắt, là những cuộc chiến không biết bao giờ chấm dứt. Nhiều người đã ngã xuống, người sống vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy ngày một cam go, quyết liệt. Họ thầm lặng góp phần giữ gìn một xã hội bình yên.
Máu đào đổ giữa thời bình
Trong cuộc chiến đấu đầy cam go với tội phạm ma túy, 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an, Bộ đội và nhân dân đã anh dũng hy sinh; hơn 700 cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị phơi nhiễm HIV…
Nhiều gương chiến đấu hy sinh dũng cảm khi tuổi đời mới đôi mươi như Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên; Liệt sĩ Bùi Quốc Đại, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình; Liệt sĩ Sùng A Trư, Công an huyện Mai Châu, Hòa Bình; Liệt sĩ Sầm Quốc Nghĩa, Công an huyện Quế Phong, Nghệ An; Liệt sĩ Vi Văn Luân, Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa…
Sảnh tầng một, trụ sở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) ở quận Thanh Xuân, Hà Nội dành một vị trí trang trọng để ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy.
Tấm bảng vàng ấy mới điền thêm tên của Thượng úy Sầm Quốc Nghĩa, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự – Kinh tế – Ma túy của Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Một ngày cuối tháng 3/2020, sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về một nhóm đối tượng người Lào vượt biên trái phép, có biểu hiện mua bán ma túy ở khu vực biên giới thuộc địa bàn xã Nậm Giải, lãnh đạo Công an huyện Quế Phong đã nhanh chóng xác minh nguồn tin đồng thời cử tổ công tác gồm 8 đồng chí tổ chức vây bắt nhóm đối tượng này.
Là một trong những trinh sát đánh án ma túy tinh nhuệ nhất ở Quế Phong, lại am hiểu tiếng người dân bản địa, thông thạo địa bàn, cùng với ý chí quyết tâm tấn công tội phạm, Thượng úy Sầm Quốc Nghĩa đã xung phong đi tuyến đầu để di chuyển vào gần hơn khu vực nghi vấn, nhằm tiếp cận đối tượng.
Sau khi đã quật ngã, khống chế được một đối tượng thì bất ngờ từ lùm cây phía sau một đối tượng khác lao ra đâm, chém liên tiếp vào người trinh sát ma túy này rồi giải cứu cho đồng phạm bỏ chạy. Mặc dù bị trọng thương nhưng Thượng úy Sầm Quốc Nghĩa vẫn tiếp tục truy đuổi và ra hiệu cho đồng đội tới.
Tuy nhiên, khi đồng đội kịp tới, 2 kẻ buôn ma túy đã bỏ chạy vào rừng sâu, vứt lại con dao vẫn còn vết máu ở dọc đường. Đồng đội sau đó đưa anh Nghĩa về cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện, nhưng anh đã không qua khỏi do vết thương quá nặng, mất máu nhiều…
Những ngày tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sĩ, chúng tôi đến thăm nhà Thượng tá Vũ Văn Dưỡng, Phó Trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Thượng tá Vũ Văn Dưỡng bị thương trong khi truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Lý A Di, trú tại bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên vào tháng 9/2005. Trong quá trình truy đuổi, đồng chí Dưỡng bị đối tượng đánh võng, chèn ép, xe máy mất lái lao xuống vực. Đến khi tỉnh dậy, anh Dưỡng thấy toàn thân bất động, đau buốt, anh mở mắt thấy mình nằm trên giường bệnh và mới biết được đồng đội đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Anh Dưỡng bị thương nặng ở chân phải, phải phẫu thuật nẹp khớp. Sau gần hai năm điều trị tích cực, anh mới đi lại bình thường.
Khi ổn định sức khỏe, được Trưởng phòng động viên, anh Dưỡng lại quay lại làm tiếp nhiệm vụ đã “ăn vào máu” mà không chọn công việc nhẹ nhàng hơn. Giờ đây, anh lại tiếp tục cùng đồng đội tham gia rất nhiều chuyên án lớn.
Hai trong những chuyên án đồng chí Dưỡng nhớ nhất là chuyên án đấu tranh với trùm ma túy Tráng A Tàng, tức “Tàng Keangnam”; hay vụ truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Tình, một tử tù, đã trốn trại cùng với Thọ “sứt”. Cách đây không lâu, một chuyên án mà đồng chí Dưỡng tham gia cùng đồng đội các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai đã bắt trọn ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy với 138.000 viên ma túy tổng hợp tại địa bàn tỉnh Lào Cai.
Vết thương không mảnh đạn và bản lĩnh trước “viên đạn bọc đường”
Viết đơn xung phong về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy từ những ngày đầu mới thành lập (năm 1997), Đại tá Nguyễn Đức Thính, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham gia điều tra, khám phá hàng trăm vụ án, từng nhiều lần cải trang thành dân chơi để thâm nhập vào các đường dây, ổ, nhóm ma túy để phá án mà theo ông là chỉ cần sơ sẩy sẽ mất mạng.
“Tôi đã từng nhiều lần bị họ chĩa súng vào đầu vì nghi ngờ, chỉ cần mất bình tĩnh là xong! Những lúc ấy trinh sát phải khéo léo, bản lĩnh để xử lý mọi tình huống”, Đại tá Thính kể.
Đại tá Thính tham gia các vụ triệt phá băng nhóm tội phạm ma túy ở các điểm nóng bỏng về ma túy như Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình), Lóng Luông (Sơn La). Những đối tượng buôn bán ma túy biết rằng sẽ đối mặt với bản án rất nghiêm khắc nếu bị bắt nên điên cuồng chống trả bằng vũ khí nóng.
“Trong một trận chiến giữa đêm khuya, chiến sĩ Đỗ Mạnh Linh đã bị các đối tượng bắn trọng thương và hy sinh, khoảng cách giữa tôi và anh ấy chỉ vài bước chân…”, Đại tá Thính bùi ngùi kể lại phút sinh tử của mình và đồng đội.
Chuyện cảnh sát ma túy uống thuốc chống phơi nhiễm HIV cũng xảy ra như cơm bữa. Đại tá Thính cũng không ngoại lệ. “Trong một lần truy bắt tội phạm ma túy, nghi phạm tìm cách uống thuốc tự tử. Để lấy lời khai, mở rộng vụ án, tôi nhanh chóng dùng tay bóp miệng để ngăn lại. Nghi can nhiễm HIV cắn tay chảy máu, tôi phải uống thuốc chống phơi nhiễm”.
Hằng năm có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Những lần như vậy, các chiến sĩ đều được điều trị chống phơi nhiễm HIV, có những người phải điều trị cả năm, chống chọi với tác dụng phụ của thuốc, kèm theo đó là tâm trạng lo âu, thấp thỏm. Những “vết thương không mảnh đạn” nhưng hằng ngày, hằng giờ gặm nhấm nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của họ.
Công việc của những chiến sĩ cảnh sát ma túy gắn với những cuộc băng rừng hàng chục cây số trong trời mưa rét, những chuyến công tác biền biệt và những cuộc đấu súng “sống còn”… Dẫu chi tiết, tỉ mỉ đến mấy trong kế hoạch đánh án nhưng khi xung trận, trong thời khắc sinh – tử cận kề luôn tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm mà không thể lường hết được.
Trải qua hơn một thập kỷ giữ vai trò Tư lệnh lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, có lẽ hơn ai hết, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy hiểu rõ những khó khăn, gian khổ, hy sinh của những người lính trên mặt trận được xem là “nóng” bậc nhất của lực lượng công an nhân dân.
Trải lòng với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bản thân mình cũng đã từng bị đe dọa, trực tiếp qua điện thoại hoặc đối tượng bắn tin qua người nọ người kia. Cũng đã từng nghe được ghi âm cuộc điện thoại của đối tượng bàn kế hoạch ốp mìn tại nhà riêng và đồng đội. Cũng có kẻ nhờ các mối quan hệ để tiếp cận và đưa ra đề nghị hợp tác “đôi bên cùng có lợi” nếu giúp đỡ họ thoát án.
“Đã liên quan đến ma tuý, dù chỉ một lần rồi dừng lại cũng không thể xoá được tội lỗi của mình. Bởi anh dừng lại, nhưng đường dây vẫn tồn tại. Kể cả các đối tượng đã bị phát hiện, trốn truy nã nhưng vẫn hoạt động, thậm chí hoạt động điên cuồng hơn. Sớm hay muộn chúng cũng bị bắt, chúng sẽ khai tất cả những ai từng liên quan đến hoạt động phạm tội ma tuý trong đường dây. Cán bộ chiến sĩ tự nhận thức được điều đó rất rõ và cũng hiểu rằng, nếu liên quan đến tội phạm ma tuý, khi bị phát hiện sẽ phải đánh đổi bằng mạng sống, sinh mạng chính trị và cả danh dự gia đình”, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, bình quân hằng năm, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phát hiện, khám phá thành công trên 25.000 vụ, bắt giữ hơn 35.000 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ số lượng ma tuý rất lớn, vũ khí, phương tiện, tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội. Trong đó có nhiều chuyên án đặc biệt lớn, xuyên quốc gia, thu giữ tại chỗ hơn 1 tấn ma tuý tổng hợp và hàng nghìn bánh heroin.
“Toàn lực lượng rất ít trường hợp sai phạm liên quan đến ma túy. Còn tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chưa có trường hợp nào sai phạm”, Thiếu tường Nguyễn Văn Viện cho hay.
Tội phạm ma tuý sẵn sàng dùng những “viên đạn bọc đường” để lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng chống ma tuý; không dụ dỗ lôi kéo được thì sẵn sàng bôi lem, chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí.
Do vậy, để công tác phòng chống ma tuý thành công, trước hết lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ làm công tác trong lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phải có bàn tay sạch, có tâm hồn trong sáng, có lòng trung thực, dũng cảm, phải biết đặt lợi ích của quốc gia, cộng đồng lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Việt Nam chịu ảnh hưởng của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và các nước trong khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng” nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những tiến bộ vượt bậc của các thành tựu khoa học- kỹ thuật mà tội phạm ma túy triệt để lợi dụng, cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp và quyết liệt hơn…
Máu đã đổ, nước mắt đã rơi, nhưng sự hy sinh trong cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt này đã chứng minh bản chất, hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, thấm nhuần và làm theo lời Bác dạy: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Ý kiến ()