Thứ 6, 22/11/2024 23:38 [(GMT +7)]
Những chiếc "cưa vuông" ven quốc lộ
Thứ 2, 24/05/2010 | 14:13:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Người dân Hữu Lũng gọi những chiếc hòm chứa, bày bán thớt nghiến tại các nhà hàng trên tuyến quốc lộ 1A là những chiếc “cưa vuông”. Bởi chính những chiếc cưa này đã che đậy, nối dài cánh tay cho nạn phá rừng đặc dụng ở Hữu Lũng.
Hòm thớt nghiến bày bán ở nhà hàng tại Hữu Lũng. |
Rất lạ là anh bạn học cùng khoá quê mãi tận phía Nam lại gọi điện cho tôi giọng khẩn khoản: “Nhờ anh đi qua điểm đỗ xe Hữu Lũng mua hộ mấy chiếc thớt nghiến để làm quà, vì có người mua rồi họ bảo tốt lắm, mà gỗ nghiến thì phía Nam hiếm”. Chiếc xe khách 16 chỗ dừng tại một điểm nghỉ, quan sát mãi mà chẳng thấy thớt bày bán ở đâu. Đang thất vọng thì cậu thanh niên bán hàng cầm chiếc micro, khèn khẹt thông báo số xe, gọi khách lên xe khệ nệ bê đến mấy chiếc thớt cho khách. Thấy tôi chú ý cậu có vẻ nghi ngại, nhưng mọi mối ngờ được xua đi khi tôi ngỏ ý muốn có mấy chiếc thớt nghiến để làm quà. Cậu thanh niên bắt chuyện rất hồ hởi rồi chỉ vào chiếc hộp giấy được bọc cẩn thận trong chiếc bao tải đen sì bày lẫn cùng những bao ngô, bánh kẹo bày bán cho khách rồi nói: “Anh cứ chọn thoải mái, thích cái nào thì ra quầy tính tiền cái đấy, giá đã nghi luôn trên thớt rồi, không bớt đâu, chuẩn không cần chỉnh rồi đấy, ở đâu cũng thế thôi”. “Thế mua buôn có được không?” cậu thanh niên cười, thiếu gì, ở đây gom vài chỗ là được cả đống, một số nhà hàng còn bày công khai cơ. Hữu Lũng có gần 20 điểm dừng, nghỉ, đỗ xe đường dài và các nhà hàng trong thị trấn thì có quá nửa trong số nhà hàng có bán thớt nghiến. Theo người dân cho biết, trước đây thớt được bày bán công khai, nhưng trước sự kiểm soát ngày càng ngặt nghèo của kiểm lâm, các lực lượng chức năng khác, chủ nhà hàng đã phải cho thớt vào bao, hộp giấy, chỉ khi khách cần mới mang ra. Hiện nay, để thuận mua bán, tiện cho khách xem hàng, các chủ nhà hàng đã nghĩ ra cách bày thớt nghiến vào những chiếc hòm lớn và ở đây những chiếc hòm được người dân gọi là những chiếc “cưa vuông” phá rừng.
Thớt được bày bán công khai. |
Có mặt tại một nhà hàng thị trấn Hữu Lũng, chúng tôi phát hiện ngay trong nhà hàng hai chiếc hòm thớt nghiến khá to chắn ngay phía đường ra lối sau, trên nắp hòm còn nguyên dòng chữ in vi tính trên khổ giấy A4, “quý khách mua thớt thanh toán tại quầy”. Hỏi một nhân viên nhà hàng, sao không bày hẳn ra ngoài bán? Cô nhân viên nhìn tôi như người từ hành tinh xa xôi và trả lời chỏng lỏn: “Có mà điên, kiểm lâm bắt ngay”. Nhìn vào thùng thớt nghiến, tôi đếm sơ sơ hai hòm có tầm 50 chiếc thớt quy đơn các loại, được bào, gọt hết sức cẩn thận, trên thớt ghi giá bằng bút xoá: 150 ngàn, 200 ngàn, 250 ngàn… và chỉ tính chỗ thớt nghiến quy đơn ấy cộng lại chắc chắn phải có vài cây nghiến hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ. Tâm sự điều này với bác V, cán bộ hưu trí tại trị trấn Hữu Lũng, bác cho biết, hầu hết thớt nghiến được mua từ “lâm tặc” khai thác ở rừng đặc dụng Hữu Liên, họ thuê các xưởng mộc quanh thị trấn gia công. Suốt mấy năm nay việc bán thớt nghiến khi thì diễn ra công khai, khi thì lén lút, thậm chí có xưởng mộc làm để bán buôn. Nhưng dù thế nào thì việc buôn bán thớt nghiến cũng đã tạo nên một hình ảnh khá phản cảm với những người có trách nhiệm.
Khi chúng ta đang hô hào phong trào bảo vệ rừng đặc dụng, thậm chí cấp gạo cho nhân dân để bảo vệ rừng, phong trào bảo vệ rừng cũng từ đó được nhen lên thì việc bán thớt nghiến tại các nhà hàng ven quốc lộ sẽ như một gáo nước lạnh làm tắt ngấm những cố gắng của phong trào bảo vệ rừng. Đã đến lúc không thể để cảnh kẻ xây người phá, và bảo vệ rừng đâu có phải cứ tại cửa rừng mà có lẽ phải bảo vệ ngay trên chính tại đường quốc lộ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()