Những câu chuyện từ thực tế
LSO-Trong tác nghiệp báo chí, chụp ảnh là một trong những công đoạn rất khó khăn và vất vả. Chưa nói đến việc lấy hình trong các bài viết mang tính điều tra, chỉ riêng chuyện tác nghiệp ảnh trong các sự kiện lớn, hay trong đời thường cũng đã rất phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm, sự thông minh, nhạy bén và đôi khi là cả “tiểu xảo” của người phóng viên.
![]() |
Lãnh đạo Báo Lạng Sơn trao đổi nghiệp vụ với đoàn báo chí Lào |
Bước vào nghề báo, bản thân tôi chưa hề có khái niệm gì về tác nghiệp ảnh báo chí. Ngày ấy cứ mỗi lần các phóng viên kỳ cựu ngồi nói nói chuyện về ảnh tôi lại lân la đến “hóng”. Trưởng phòng trực tiếp của tôi thường xuyên tham gia đưa tin các sự kiện lớn hay kể câu chuyện tác nghiệp ảnh với các phóng viên ảnh của Trung Quốc. Thường khi diễn ra các sự kiện, lực lượng phóng viên Trung Quốc rất hùng hậu, trang bị nghề nghiệp thì phải nói là đến tận răng. Từ máy móc cho đến các phụ kiện phục vụ tác nghiệp. Trong đám đông ấy, muốn chọn được góc đẹp để có những bức ảnh đạt yêu cầu thì phải có những thủ thuật riêng, thậm chí đôi khi phải lấy thân mình làm giá máy. Nhớ hồi tháng 6/2013, khi nhận nhiệm vụ đưa tin về lễ thông xe công vụ và vận tải hàng hóa quốc tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, những câu chuyện về nghề mà tôi ngồi “hóng” trước đó đã thực sự hữu ích. Lúc đó về phía tỉnh, phóng viên báo chí có mỗi tôi, còn bên Trung Quốc, tôi đếm sơ khoảng hơn ba chục. Không phải là lần đầu đưa tin những sự kiện lớn, song trước một rừng máy móc, mà thiết bị nào cũng thuộc loại tối tân, tôi không khỏi ngợp. Phóng viên ảnh bên kia còn trang bị cả ghế thang, có người mang vác để chọn vị trí đẹp. Ngay từ lúc các đồng chí lãnh đạo phát biểu trên bục, việc tác nghiệp đã rất khó khăn bởi những vị trí đẹp nhất thì người ta đã yên vị tại đó.
Nhiệm vụ đề ra là bằng mọi giá là phải có ảnh hoạt động của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Tôi nhớ lại các đợt tập huấn ảnh trước đó và cả những câu chuyện của đồng nghiệp đi trước. Câu hỏi đặt ra là đâu là hoạt động chính của lễ thông xe này? Hình ảnh nào là quan trọng buộc phải có? Câu trả lời có từ ban tổ chức buổi lễ. Tôi hỏi nhanh các anh bên Sở Ngoại vụ và nắm chắc rằng, sau các bài phát biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn sẽ cùng với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc cắt băng thông đường.
Ngay khi các phóng viên khác đang tập trung ghi hình lãnh đạo phát biểu, tôi bám rịt các cô lễ tân, đồng thời định hình và ước lượng khoảng cách nơi sẽ cắt băng. Ngay khi các đại biểu tới vị trí cắt băng, tôi chỉ việc lùi ra sau vài bước ngắm sẵn vào ống kính và yên vị ở đó. Lúc này số đông phóng viên bên kia bắt đầu xô đến, nhưng mình đã có vị trí đắc địa. Chấp nhận có camera tì trên vai và cả trên đầu, khoảnh khắc cắt băng chỉ trong vòng vài giây, nhưng trong loạt bấm máy đầu tiên tôi đã có những bức ảnh ưng ý hoàn thành nhiệm vụ tòa soạn giao phó.
Nghĩ tưởng tác nghiệp ảnh hội nghị trong tỉnh sẽ dễ dàng hơn tác nghiệp hiện trường, nhưng không hẳn vậy. Tôi nhớ những năm đầu làm báo, khi đưa tin hội nghị, tôi thường đứng xa chụp trung cảnh hoặc toàn cảnh. Thế nhưng cách làm này không cho ra những bức ảnh đẹp, các đồng chí lãnh đạo chủ trì thường không rõ mặt và do chụp xa nên người đứng trên bục rất nhỏ. Chuyện này tôi đã được các phóng viên đi trước hướng dẫn rất nhiều và thông qua các lớp tập huấn về ảnh báo chí các thầy cũng đã nói rất cặn kẽ, phải tiếp cận để có những bức ảnh cận cảnh hoạt động của người chủ trì.
Tuy nhiên việc chụp ảnh cận cảnh, ngoài việc nâng cấp thiết bị thì việc rất quan trọng là nắm thời điểm. Có nghĩa là người phóng viên phải nắm được cách phát biểu của từng đồng chí lãnh đạo, và góc chụp đẹp của từng người. Đối với những hoạt động diễn ra rất nhanh như động tác bỏ phiếu bầu cử, cắt băng khánh thành, khởi công, tặng quà… rõ ràng là phải dự trù được để có góc đứng. Tuy nhiên an toàn nhất vẫn là trao đổi trước với ban tổ chức, hoặc với các đồng chí lãnh đạo để khi tiến hành, các động tác đó chậm lại một chút tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, lấy ảnh đẹp.
Việc trao đổi này, nhiều phóng viên còn e dè. Thực chất qua nhiều lần tác nghiệp, tôi thấy các đồng chí lãnh đạo rất tạo điều kiện. Còn nhớ khi dịp cuối năm 2013, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lên thăm và làm việc tại Lạng Sơn, cánh báo chí cả Trung ương và địa phương có rất nhiều ảnh đẹp. Những khung hình đẹp ấy là do Phó Thủ tướng đã tạo điều kiện rất nhiều cho phóng viên, thậm chí khi đi thị sát, những góc đứng, động tác chỉ tay… đồng chí đều chọn những thời điểm rất thuận lợi cho báo chí tác nghiệp.
Thực tế nếu thiếu sự tiếp cận, trao đổi, thì ngay việc chụp các chị nông dân đang cấy lúa cũng khó. Có lần tôi đứng trên bờ chĩa ống kính xuống ruộng, nhưng không thể nào lấy được ảnh, bởi người dân người ta nhất quyết không quay mặt ra cho mình chụp, thậm chí cứ thấy ống kính là họ lên bờ nghỉ luôn, không làm nữa. Lần sau tôi thay đổi cách tiếp cận, chủ động lội ruộng, nói chuyện thân tình và hỏi thăm bà con, thì chỉ một lúc sau bà con còn tạo dáng cho phóng viên chụp được bức ảnh đẹp nhất. Thực tế này cho thấy, tác nghiệp ảnh không thể lười, đứng xa xa mà chụp.
So với các tay máy lão làng như phóng viên ảnh thế hệ đầu tiên của Báo Lạng Sơn, cụ Vũ Bách, hay như các bác phóng viên Thanh Luyện, Thanh Đàn… cánh phóng viên chúng tôi bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là về thiết bị, phương tiện tác nghiệp. Thế nhưng nếu không tranh thủ kinh nghiệm từ những bậc tiền bối, không trau dồi thêm về nghiệp vụ, không tìm hiểu để làm chủ thiết bị và rèn luyện tư duy sáng tạo trong tác nghiệp ảnh…thì dù trang thiết bị có hiện đại đến đâu, điều kiện có thuận lợi thế nào cũng khó có tác phẩm tốt.
NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()