Những câu chuyện đình đám của truyền hình Mỹ 2010
Larry King nghỉ hưu, American Idol thoái trào nghiêm trọng sau khi Simon Cowell ra đi, bộ phim hoạt hình South Park bị đe dọa khủng bố… Đó là một vài trong số những câu chuyện đình đám của giới truyền hình Mỹ 2010.
Cái chết mòn của American Idol
Sau sự ra đi của hàng loạt giám khảo kỳ cựu trong American Idol mà đỉnh điểm là sự ra đi của Simon Cowell – người làm nên linh hồn của chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất thế giới này, công chúng bắt đầu cảm thấy một sự xáo trộn khủng khiếp cũng như sự hụt hẫng không thể bù đắp đang diễn ra bên trong cánh gà và trên cả sân khấu.
Từ giữa năm 2010, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục phát đi những thông tin nhiễu loạn về người kế vị trong ban giám khảo của American Idol. Hầu hết họ là những gương mặt siêu “hot”, siêu nổi tiếng. Khi công chúng chắc mẩm rằng Elton John, Harry Connick Jr., Chris Isaak, là những người sẽ thay thế thì bỗng chốc lại có tin đồn rằng Jamie Foxx, Bret Michaels, Sean Combs mới là ứng cử viên sáng giá. Nhưng dường như những ngôi sao “đầu 5, đầu 6” này đã trở nên “cũ mèm” so với đối tượng khán giả nòng cốt là giới trẻ; vì thế, American Idol lại chuyển hướng tìm cho mình những ngôi sao vừa hot, vừa trẻ trung sôi động. Lần này, cô ca sĩ kiêm diễn viên nóng bỏng Jessica Simpson cùng chàng ca sĩ trẻ tuổi Justin Timberlake từng đoạt 6 giải Grammy và 2 giải Emmy là những cái tên được tung hô. Kết quả cuối cùng, diễn viên kiêm ca sĩ Jennifer Lopez và ca sĩ-nhạc sĩ lừng danh Steven Tyler có mặt trong danh sách ban giám khảo chương trình kể từ 2011 trở đi.
Không chỉ là những tin đồn trong hậu trường, sự bất ổn của American Idol còn được thể hiện qua những con số thống kê lượng khán giả. Nếu như vào năm 2003, chương trình thu hút được 63,73 triệu người, các năm sau lần lượt là 53,97 triệu, 58,32 triệu, 68,08 triệu, 56,09 triệu, 58,72 triệu, 52,66 triệu, thì đến năm 2010 con số này chỉ là 44,29 triệu người – giảm hơn 14% so với 2009. Điều đáng nói là số khán giả bị giảm đa phần lại nằm trong độ tuổi 18 đến 49 – độ tuổi mà các nhà quảng cáo (nguồn thu chính của American Idol) nhắm tới. Khán giả cũng bắt đầu phàn nàn rằng những tiết mục biểu diễn của các thí sinh ngày càng tẻ nhạt, không tạo được sự đột phá và họ chỉ dừng lại ở vai trò một người nghệ sĩ chứ không thể trở thành thần tượng sáng chói như những năm trước đây.
Có thể nói rằng tiếng tăm của Simon Cowell sẽ không là gì nếu như ông không làm giám khảo cho American Idol; nhưng cũng có thể nói rằng American Idol sẽ mất đi cái “chất” của nó nếu như không có Simon Cowell. Ông đã khiến cho bản thân, khiến American Idol trở nên chói lọi giống như ông đã từng biến những người bình thường trong cuộc sống trở thành thần tượng của khán giả trên khắp thế giới. Dù vậy, người ta cũng linh cảm được rằng: American Idol đã có chặng đường 9 năm phát sóng trên truyền hình kể từ 2002 và đây là khoảng thời gian quá dài đối với một chương trình truyền hình thực tế mà xung quanh nó, có biết bao chương trình Idol khác sử dụng format tương tự. American Idol đã hứa hẹn trả lương hậu hĩnh hơn nhằm giữ chân Simon Cowell ở lại nhưng ông vẫn quyết định ra đi khi hợp đồng hết hiệu lực vào giữa năm 2010. Phải chăng ra đi khi đang trên đỉnh hình SIN sẽ tốt hơn là khi nó đã trượt xuống đáy?
South Park – Bộ phim hoạt hình bị đe dọa khủng bố
South Park là series phim hoạt hình hài kịch của Mỹ nhắm vào đối tượng khán giả là người trưởng thành. Nó khai thác các chủ đề văn hóa, xã hội, chính trị nóng bỏng với văn phong trào phúng, trâm biếm. Để kỷ niệm tập thứ 200 kể từ ngày bộ phim ra đời, hai nhà sản xuất chương trình Trey Parker và Matt Stone đã quyết định công chiếu một tập phim đặc biệt vào ngày 14/4/2010, trong đó có những nhân vật được cả thế giới biết đến như: Tom Cruise, Barbra Streisand, chúa Jesus, Đức Phật,… và thậm chí là cả vị thánh được tôn sùng nhất của đạo Hồi – Muhammad. Trước khi tập phim này được công chiếu, nhà sản xuất đã hai lần giới thiệu trailer, trong đó có cảnh Muhammad mặc trang phục của một con gấu và những diễn viên trong phim phải khổ sở biết bao để có thể đưa Muhammad tới thị trấn Colorado hư cấu.
Ngay ngày hôm sau, một nhóm người Hồi giáo có tên gọi Revolution Muslim đã lập tức đăng bài chỉ trích và đe dọa trên website www.revolutionmuslim.com.
“Chúng tôi cảnh báo Matt và Trey rằng những gì họ đang làm là ngu xuẩn và họ có thể sẽ phải chịu chung số phận với Theo Van Gogh. Đây không phải là lời đe dọa mà là lời cảnh báo về thực tế sẽ xảy ra đối với họ.” – trích trong bài viết trên trang web của Revolution Muslim. Theo Van Gogh là một nhà làm phim người Hà Lan; ông bị ám sát năm 2004 vì đã làm phim về phụ nữ Hồi giáo.
Sau lời cảnh báo trên, FBI Mỹ phải vào cuộc điều tra và bảo vệ những người làm phim. Còn về phần mình, Trey và Matt đã phải thay thế ông già Santa Clause vào trang phục con gấu.
Larry King thoái vị
Giữa năm 2010, Larry King bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu sau 25 năm gắn bó với các chương trình tin tức và trò chuyện trực tiếp của CNN mang tên Larry King Live. Lý do đưa ra là ông muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và các dự án cá nhân khác.
Trong suốt 25 năm qua, Larry King đã thực hiện gần 50.000 cuộc phỏng vấn và hơn 6.000 chương trình khác cho CNN, trong đó các nhân vật được mời có cả các nguyên thủ quốc gia (kể từ thời Tổng thống Richard M. Nixon), các chính khách nổi tiếng, doanh nhân thành đạt, ngôi sao hạng A, các nhà khoa học lỗi lạc… và thậm chí là cả những tù nhân.
Phong cách phỏng vấn thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, không mang tính đối đầu, cùng tài khêu gợi thông tin tuyệt đỉnh của ông đã khiến cho Larry King Live (phát sóng trong khung giờ vàng của CNN) có sức hút kỳ diệu đối với khán giả. Nó thu hút trung bình hơn 1 triệu người xem mỗi tối và trở thành chương trình “xương sống” của CNN. Không chỉ vậy, Larry King Live (ra đời năm 1985) còn được ghi vào kỷ lục Guiness là chương trình có sức sống dài nhất do một người dẫn dắt.
Trước khi show cuối cùng của Larry King Live diễn ra, tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chào tạm biệt tới “biểu tượng của CNN” và gọi Larry là “người khổng lồ của giới truyền thông”.
Người kế vị ông hoàng truyền thông này là Piers Morgan – một nhà báo danh tiếng của Anh Quốc đồng thời là giám khảo cuộc thi Britain Got Talent và American Idol. Tuy nhiên, như lời Thủ tướng Nga Vladimir Putin từng phát biểu: “Có rất nhiều người tài năng và thú vị, nhưng vua thì chỉ có một” (trong tiếng Anh, từ “king” nghĩa là vua). S ự thoái vị của Larry Kingrõ ràng sẽ là một tổn thất vô cùng to lớn đối với CNN và hàng triệu khán giả yêu mến chương trìnhcủa ông .
Super Bowl thu hút 106,5 triệu người xem
Vào ngày 7/2/2010, chỉ riêng tại Mỹ, chương trình Super Bowl đã thu hút được số người xem kỷ lục – 106,5 triệu khán giả trong trận đấu bóng bầu dục giữa đội New Orleans Saints và Indianapolis Colts. Vậy là sau 3 thập kỷ, một kỷ lục mới đã được thiết lập kể từ khi MASH – một chương trình hài kịch thời chiến tranh thu hút được 106 triệu người xem vào năm 1983.
Có một sự trùng hợp ở đây là thời điểm trận đấu diễn ra đúng vào lúc có bão tuyết tại vùng trung Atlantic. Vì thế, thời tiết bất thường đã được đặt ra như một giả thiết nhằm lý giải cho sự đột phá này. Tuy nhiên, sau khi nhìn lại chặng đường mà Super Bowl đã đi qua, người ta mới thống kê rằng đây là lần thứ 5 chương trình vượt qua mốc 90 triệu khán giả và thậm chí vào năm 2009, con số này đã tiến gần mốc kỷ lục nêu trên – 98,7 triệu người.
Rõ ràng ngày nay, khán giả đã có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ truyền hình hơn như: mạng lưới truyền hình analog truyền thống, kỹ thuật số, cáp, vệ tinh… Tuy nhiên cần phải thấy rằng với những sự kiện lớn, vai trò của Internet và Mạng xã hội đối với truyền hình đã được nhìn nhận một cách thân thiện hơn. Thay vì bị coi là kẻ thù địch với truyền hình như trước đây, Intenet và Mạng xã hội trở thành bệ phóng cho các chương trình truyền hình. Khán giả không còn cảm thấy cô độc khi phải xem các chương trình yêu thích một mình nữa. Giờ đây, họ có thể được xem trong một bàn tiệc mà thành viên tham dự bữa tiệc ấy có thể là bạn bè, người thân hoặc là tất cả những người có cùng mối quan tâm trên thế giới này.
Ý kiến ()