Những "cánh đồng vàng" ở Bạc Liêu
Hồng Dân, Phước Long là hai huyện thuần nông thuộc vùng sâu Bạc Liêu, được tách ra từ năm 2000. Từ bao đời nay, hơn 21 nghìn ha tại vùng đất này bị nhiễm phèn mặn rất nặng, do đó trồng lúa năng suất thấp, trồng các loại cây khác cũng không phát triển được. Vì vậy, người dân gọi nơi đây là "cánh đồng chó ngáp".Song, vài năm gần đây, cán bộ, nông dân đã phục tráng, nâng cấp và xây dựng thành công thương hiệu lúa Một bụi đỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới.Vượt lên từ gian khó Chúng tôi trở lại hai huyện Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu) để tìm hiểu và chia sẻ niềm vui mới với hàng chục nghìn hộ nông dân nơi đây. Đó là gạo Một bụi đỏ Hồng Dân cùng lúc đạt hai danh hiệu nổi tiếng: "Sản phẩm Việt Nam được tin dùng nhất năm 2011" và "Sản phẩm vì cộng đồng năm 2011". Các danh hiệu này do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo, Câu lạc bộ Doanh nhân Đất Việt và Tạp chí Thương mại Việt Nam...
|
Hồng Dân, Phước Long là hai huyện thuần nông thuộc vùng sâu Bạc Liêu, được tách ra từ năm 2000. Từ bao đời nay, hơn 21 nghìn ha tại vùng đất này bị nhiễm phèn mặn rất nặng, do đó trồng lúa năng suất thấp, trồng các loại cây khác cũng không phát triển được. Vì vậy, người dân gọi nơi đây là “cánh đồng chó ngáp”.
Song, vài năm gần đây, cán bộ, nông dân đã phục tráng, nâng cấp và xây dựng thành công thương hiệu lúa Một bụi đỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới.
Vượt lên từ gian khó
Chúng tôi trở lại hai huyện Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu) để tìm hiểu và chia sẻ niềm vui mới với hàng chục nghìn hộ nông dân nơi đây. Đó là gạo Một bụi đỏ Hồng Dân cùng lúc đạt hai danh hiệu nổi tiếng: “Sản phẩm Việt Nam được tin dùng nhất năm 2011” và “Sản phẩm vì cộng đồng năm 2011”. Các danh hiệu này do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo, Câu lạc bộ Doanh nhân Đất Việt và Tạp chí Thương mại Việt Nam bình chọn. Đây là cơ hội lớn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo trong nước và thế giới. Đáng chú ý, hơn 21 nghìn ha đất phèn mặn sản xuất hiệu quả thấp đã và đang được bà con hai huyện cải tạo, chuyển sang trồng giống lúa Một bụi đỏ. Kết quả này có ý nghĩa hơn bởi tại “cánh đồng chó ngáp” này từ bao đời nay nông dân trồng các loại giống lúa và cây ăn trái đều hết sức khó khăn. Đáng nói nhất là năm 2000, khi Phước Long tách khỏi huyện Hồng Dân, thì Hồng Dân có đến 8 trong số 9 xã nghèo thuộc diện Chương trình 135 của Chính phủ…
Về Hồng Dân lần này, chúng tôi đến các xã vùng sâu như Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh, Ninh Quới… Đây là khu Tỉnh ủy Bạc Liêu chọn làm căn cứ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều năm sau giải phóng, do nhiều nguyên nhân, nhất là nơi đây thuộc các xã vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất thuần nông, đất đai nhiễm phèn mặn cho nên năng suất lúa hằng năm thấp. Hàng chục năm qua, nói đến Hồng Dân, nhiều người trong và ngoài tỉnh luôn liên tưởng đó là vùng đất nghèo đói, lạc hậu. Nhưng, hôm nay đến các xã và hộ nông dân tìm hiểu, chúng tôi càng tin yêu, trân trọng những cán bộ và người nơi đây đã gắn kết cùng nhau trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, phục tráng và nhân rộng giống lúa Một bụi đỏ cho chất lượng cao, năng suất bình quân đạt gần sáu tấn/ha, giúp “đổi đời” hàng nghìn hộ nông dân thuộc hai huyện Hồng Dân, Phước Long.
Trò chuyện với hai “lão nông tri điền” Huỳnh Văn Phó, Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân), là những nông dân nhiều năm lăn lộn trên vùng đất phèn này nuôi tôm, trồng khóm nhưng không thoát khỏi cảnh nghèo. Các ông cho biết, năm 2005, khi thấy một số cán bộ và nông dân trong xã cấy lúa Một bụi đỏ trúng từ đó mới tin và làm theo. Ông Nguyễn Văn Hoàng kể: “Những năm trước đây, bà con trong huyện trồng đủ loại cây, đủ loại giống lúa nhưng chỉ có cây khóm (dứa) và giống lúa Một bụi đỏ phát triển khá tốt. Nhưng, gạo Một bụi đỏ trước đây chất lượng không cao như bây giờ, cơm hơi cứng, giá trị dinh dưỡng không cao. Mấy năm qua, nhờ lãnh đạo huyện kết hợp các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ phục tráng, nâng cấp giống lúa Một bụi đỏ cho nên gạo nấu cơm mới được dẻo, thơm, dinh dưỡng cao như hiện nay… Cũng nhờ vậy, nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả, sung túc”.
Chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền giống nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp (Trường đại học Cần Thơ), người đã nhiều năm lăn lộn ở vùng đất chua phèn Hồng Dân, cùng chính quyền và nông dân trong huyện thử nghiệm, nhân rộng mô hình sản xuất lúa Một bụi đỏ. Tiến sĩ Thành cho biết: Chúng tôi kết hợp cán bộ, nông dân huyện Hồng Dân đã phục tráng, nâng cấp thành công giống lúa Một bụi đỏ. Đặc biệt, gạo Một bụi đỏ có mầu vàng sẫm, hơi ánh đỏ, cơm thơm, nở mềm, hàm lượng tinh bột 85%, protein 8% và 1,5% đạm, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến và ưa thích. Giống lúa này đã giúp cho “cánh đồng cỏ năn bất tận” rộng hơn 5.000 ha ở một số xã thuộc huyện Hồng Dân hầu như bỏ hoang phí từ bao đời nay trở thành những “cánh đồng vàng”. Hiện nay, giống lúa này đang được chính quyền và nông dân huyện Hồng Dân, Phước Long nhân rộng. Đây là kết quả đáng khích lệ, mở ra cho bà con nông dân hướng sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiến sĩ Võ Công Thành còn “tiết lộ” thêm một thông tin mới: “Chúng tôi vừa nhân thành công giống lúa Một bụi hồng tại vùng đất huyện Hồng Dân, đây là loại gạo quý hiếm ở nước ta hiện nay. Theo kết quả phân tích chất lượng, gạo này cơm rất thơm ngon, bổ dưỡng, giàu chất sắt (Fe = 6.70mg/kg gạo). Ưu thế của loại gạo này vượt trội so với gạo Một bụi đỏ (đã được nhân rộng). Gạo Một bụi hồng còn có tác dụng bổ xương, bổ máu, chống ung thư. Đặc biệt, giống lúa này chịu được độ phèn mặn từ 8 đến 10%o, rất phù hợp đồng đất vùng chuyển đổi sản xuất lúa-tôm ở Bạc Liêu…”. Giống lúa chịu mặn này có tên là CTUS (CTU viết tắt Đại học Cần Thơ), do chính ông Thành phục tráng từ giống lúa Sỏi và Một bụi đỏ mà thành. Hai giống này được ông cất công sưu tầm, lưu giữ từ 13 năm nay, sau những chuyến đi thực địa khắp vùng biển duyên hải đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út nhớ lại: Sau nhiều năm ông và một số lãnh đạo huyện rất tâm huyết với giống lúa Một bụi đỏ tại địa phương, đồng thời tìm mọi cách chỉ đạo chính quyền các xã và bà con nông dân khắc phục khó khăn, quyết tâm phục tráng và nhân rộng. Mặt khác, lãnh đạo huyện chủ động, tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các ngành chức năng của tỉnh ủng hộ chủ trương của huyện về việc phục tráng, nhân rộng giống lúa này.
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, khi ấy, bản thân Chủ tịch UBND huyện đã phải trực tiếp “khăn gói” đến Trường đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL nhờ các nhà khoa học giúp đỡ, sau mấy năm nghiên cứu, thực nghiệm đã phục tráng, nâng cấp thành công giống lúa Một bụi đỏ sinh trưởng ổn định và cho năng suất khá cao, chất lượng gạo tốt, bổ dưỡng trong điều kiện đất đai phèn mặn cao. Sự năng động, tâm huyết và quyết tâm cao của lãnh đạo và nông dân hai huyện Hồng Dân đã thành công. Ngày 25-6-2008, gạo Một bụi đỏ Hồng Dân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn thương hiệu độc quyền. Đây thật sự là một niềm vui lớn đối với cán bộ, nông dân hai huyện Hồng Dân, Phước Long nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung. Nhờ đó, diện tích lúa Một bụi đỏ không ngừng được nhân rộng, huyện Hồng Dân và Phước Long đang phấn đấu mở rộng diện tích hơn 21 nghìn ha…
Để thương hiệu gạo Một bụi đỏ được nhiều người biết đến, nhất là Công ty Lương thực các tỉnh ĐBSCL ký kết hợp tác thu mua gạo với số lượng lớn, lâu dài, theo chúng tôi, chính quyền, ngành nông nghiệp và mỗi hộ nông dân huyện Hồng Dân, Phước Long cần nỗ lực cao hơn nữa. Nhất là chủ động, tìm kiếm, mở rộng thị trường trọng tâm tiêu thụ sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()