Đây chính là mô hình để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tập trung thuận tiện trong lưu thông sản phẩm. Các tỉnh, thành phố ĐBSCL cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhiều CĐM lớn.
Nông dân hưởng lợi từ mô hình liên kết sản xuất
Tỉnh An Giang là địa phương đi đầu trong việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân theo mô hình liên kết sản xuất tham gia CĐM lớn. Là người trực tiếp xây dựng mô hình này, Phó Ban điều hành chương trình “Cùng nông dân ra đồng” thuộc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) Lê Minh Tuệ cho biết: Để triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, công ty đã tiến hành đầu tư, thu mua và chế biến gạo cho nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành với diện tích 1.200 ha vụ đông xuân 2010 – 2011. Theo đó, công ty xây dựng nhà máy chế biến gạo với công suất đủ đáp ứng cho nhu cầu vùng nguyên liệu từ 13 đến 15 nghìn ha diện tích canh tác/năm, hệ thống kho có sức chứa 30 nghìn tấn lúa, các lò sấy, khu thu mua trên diện tích năm ha.
Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến gạo Vĩnh Bình Lê Minh Phương cho biết thêm: Hiện tại, chúng tôi đang thu mua lúa vụ hè thu trên diện tích 1.600 ha mà công ty đã ký hợp đồng sản xuất lúa hàng hóa với 684 hộ nông dân ở bảy xã, thuộc các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn. Sản xuất chủ yếu là những giống lúa chất lượng cao như: OM 4218, OM 2517, Jasmine. Tại nhà máy, giá bán được niêm yết theo giá thị trường hằng ngày và nông dân khi mang lúa đến có quyền ký gửi hay bán tùy ý, miễn sao thấy có lãi nhất. Đây chính là nét mới của cách làm ăn bình đẳng, bảo đảm cho nông dân có lãi cao.
Bác Trịnh Thanh To, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Bình (Châu Thành) đang chiết tính sổ sách và nhật ký nông vụ với các nhân viên thu mua tại Xí nghiệp Chế biến gạo Vĩnh Bình phấn khởi, nói: Vụ đông xuân trước, tôi không tham gia, nhưng thấy mấy anh em trong xóm thực hiện mô hình CĐM làm lúa trúng lại không bị thương lái ép giá, cho nên vụ hè thu này tôi hợp đồng với công ty góp 3,5 ha làm thử giống lúa OM 4218. Bây giờ chưa tính sổ, nhưng ước tính mỗi công tôi có lãi hơn hai triệu đồng. Theo ông To, đây là mức lãi cao nhất trong nhiều năm canh tác lúa của mình.
Mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp theo mô hình CĐM ở An Giang được xây dựng dựa trên việc nông dân nhận nguồn lúa giống xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại vào từng thời điểm sử dụng. Toàn bộ các khoản đầu tư này công ty cho nông dân nợ không tính lãi trong vòng 120 ngày (từ đầu vụ đến sau thu hoạch 30 ngày). Bên cạnh đó, lực lượng kỹ sư chương trình “Cùng nông dân ra đồng” sẽ đồng hành cùng nông dân trong suốt quá trình sản xuất từ khâu làm đất đến khâu tiêu thụ. Đến khi thu hoạch, nông dân có thể bán lúa ngay cho nhà máy với giá thu mua được niêm yết mỗi ngày hoặc có quyền ký gửi lúa vào kho của nhà máy miễn phí trong vòng 30 ngày và đăng ký giá mà nông dân muốn bán. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý dịch hại theo hướng “hiệu quả – bền vững”, cho nên năng suất lúa đạt khá cao từ 8 đến 10 tấn/ha, có hộ đạt tới 12 tấn/ha. Vụ đông xuân vừa qua, chi phí sản xuất của nông dân trên CĐM xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành chỉ gần 3.000 đồng/kg lúa, giảm tới 30% so canh tác bên ngoài vùng nguyên liệu. Hiện tại, Công ty AGPPS đang thu mua lúa với giá trung bình 6.600 đồng/kg. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, nông dân trong vùng nguyên liệu có mức thu nhập khá cao, từ 38 đến 40 triệu đồng/ha vụ đông xuân và vụ hè thu là 21 đến 22 triệu đồng/ha.
Vụ lúa hè thu năm nay, 208 hộ nông dân Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tham gia thực hiện thí điểm mô hình CĐM với 400 ha. Để hỗ trợ nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ thường xuyên cử cán bộ xuống tận địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học – kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất lúa chất lượng cao, nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu. Cách làm này vừa bảo đảm an toàn cho nông dân, vừa giảm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa. Toàn bộ sản lượng lúa làm ra của nông dân đều được Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Công ty cổ phần Gentraco) ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 200 – 250 đồng/kg. Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn Nguyễn Văn Thành cho biết, bà con xã viên đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu. Chú Trần Ngọc Lâm, thành viên Tổ hợp tác vui mừng nói: Lúa vừa thu hoạch được công ty mua tại ruộng với giá 5.400 đến 5.500 đồng/kg. Quy ra lúa khô khoảng 6.600 đến 6.700 đồng/kg. Đây là lần đầu trong gần 30 năm trồng lúa tôi mới thấy giá lúa hè thu cao hơn lúa đông xuân. Vụ này xem như thắng to, vì vừa tiết kiệm được chi phí, lúa đạt năng suất cao lại bán được giá.
Ở Sóc Trăng, Hợp tác xã Lúa – Tôm Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên cũng vừa hình thành Liên minh sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo thơm Gạo Việt – Hòa Lời với sự đồng hành của Công ty cổ phần Gentraco theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 25% so với giá lúa thơm ST5 trên thị trường. Theo Chủ nhiệm HTX Mai Văn Chánh nhờ được hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm mà diện tích CĐM của HTX được mở rộng từ 20 ha ban đầu lên 60 ha trong vụ hè thu năm nay, đưa sản lượng lúa thơm ST5 từ 100 tấn lên 300 tấn. Sự ra đời của liên minh không chỉ giúp HTX mở rộng được diện tích, gia tăng lợi nhuận cho người trồng lúa mà còn duy trì tốt hệ thống sản xuất lúa thơm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Xã viên Nguyễn Văn Mừng, cho biết: “Vụ hè thu này, gia đình tôi tham gia CĐM với ba ha trồng lúa cao sản. Hôm rồi mới thu hoạch, tính năng suất lúa tươi đạt khoảng 7,2 tấn/ha. Không riêng gì tôi mà bà con xã viên Hòa Lời ai cũng mừng vì được trúng mùa, trúng giá. Hiện lúa thơm ST5 đang được công ty mua vào 7.000 – 7.200 đồng/kg, tính ra mỗi ha có lãi hơn 20 triệu đồng…”.
Phát triển nhiều cánh đồng mẫu lớn
Cục phó Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho biết: Vụ lúa hè thu 2011, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện hàng chục mô hình CĐM lớn, với diện tích gần 7.300 ha. Trong đó, An Giang với hơn ba nghìn ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Thoại Sơn, Châu Thành do Công ty AGPPS và Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh An Giang đầu tư giống, phân, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tại Đồng Tháp, có mười CĐM với diện tích 1.500 ha, thu hút hơn 1.200 hộ nông dân huyện Tháp Mười, Tam Nông tham gia. Tỉnh Long An đã và đang triển khai thực hiện CĐM sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô hơn một nghìn ha tại các huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng. Riêng tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang có từ 900 đến 1.500 ha diện tích lúa hè thu tham gia CĐM. Các tỉnh, thành khác cũng đang hướng đến việc xây dựng những CĐM có quy mô từ 300 đến 500 ha để nhân rộng trong các vụ tiếp theo, nhằm gia tăng lợi nhuận của người trồng lúa và xây dựng thương hiệu gạo của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng nhận định: Sản xuất lúa theo mô hình CĐM đã và đang phát triển khá nhanh ở ĐBSCL. Đây là sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” trong quy trình khép kín. Rộng hơn, là quá trình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả mang lại lợi ích hài hòa cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp. Theo đó, từng địa phương đề ra kế hoạch sản xuất, các nhà khoa học hỗ trợ về kỹ thuật – công nghệ, các doanh nghiệp tham gia cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau thu hoạch. Ngoài ra, sự liên kết giữa các nông dân với nhau còn hình thành những CĐM lớn, rất thuận tiện cho việc sản xuất cùng một giống lúa, có năng suất, chất lượng cao; vấn đề áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, thủy lợi nội đồng, cơ giới hóa vào sản xuất lúa cũng được thực hiện đồng bộ hơn. Đồng thời, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, nông dân sẽ giảm được nhiều chi phí sản xuất, lại bán được lúa với giá cao hơn và không phải mua thiếu các loại vật tư nông nghiệp để chịu lãi như trước đây. Còn doanh nghiệp ổn định được vùng nguyên liệu thu mua lúa với khối lượng lớn, chất lượng đồng đều, không phải qua nhiều khâu trung gian, việc vận chuyển, chế biến, xuất khẩu cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, thời gian tới tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch vùng nguyên liệu để doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Hiện An Giang có 17 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cụm kho chứa, sấy, xay xát lúa với tổng kho gần 500 nghìn tấn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để An Giang chủ động mở rộng liên kết sản xuất theo mô hình CĐM lớn.
Từ thành công hai vụ lúa đông xuân và hè thu 2011 ở An Giang, Tổng Giám đốc Công ty AGPPS Huỳnh Văn Thòn phấn khởi, cho rằng: Ngoài việc tiếp tục ký kết thực hiện hợp tác với nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, công ty sẽ phối hợp với tỉnh xây dựng khu vực canh tác theo mô hình CĐM lên bốn nghìn ha trong vụ đông xuân 2012. Nhằm nhân rộng và phát triển liên kết sản xuất theo mô hình CĐM, hướng đến xây dựng quy trình sản xuất khép kín, bảo đảm giảm thiểu rủi ro, nâng cao mức thu nhập cho người nông dân cũng như thực hiện truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị thương mẫu cho thương hiệu gạo Việt Nam.
Đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà” trong việc thực hiện mô hình sản xuất CĐM lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khiến nông dân trồng lúa ĐBSCL rất phấn khởi, doanh nghiệp cũng được phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn hợp tác với ngành nông nghiệp địa phương và nông dân để tham gia xây dựng CĐM, gây trở ngại khi chuyển sang nền sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn. Để mối liên kết “bốn nhà” được thắt chặt hơn nữa nhằm thực hiện thành công mô hình trong tương lai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng, các địa phương và nông dân cần đổi mới phương thức sản xuất theo hướng “nông dân nhỏ – cánh đồng lớn”. Nông dân với nông dân cần liên kết lại trên cùng một cánh đồng, sử dụng một giống lúa, một quy trình sản xuất đồng bộ theo hướng VietGAP. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác hoạch định chính sách, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng trên những cánh đồng lớn, giúp nông dân mở rộng liên kết với doanh nghiệp để phát triển nhiều CĐM lớn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL.
Ý kiến ()