Những cánh đồng chuyên canh ở Hải Dương
Với các công thức luân canh độc đáo và trình độ thâm canh cao, nông dân Hải Dương đã tạo ra những cánh đồng chuyên cây, chuyên canh cho năng suất chất lượng cao, cần nhân ra diện rộng.Vùng đất luân canh,'cưỡng vụ'Với phương châm: đa cây, đa thời vụ luân canh, 'cưỡng vụ'... trên những cánh đồng các xã khu C huyện Kim Thành luôn sôi động khí thế lao động sản xuất. Mùa nào thức ấy, sản phẩm củ đậu, dưa hấu, dưa lê, ớt ngọt, hành tây, tỏi tây, rau ngót, cà chua, hoa tươi... của nơi đây rất được thị trường ưa chuộng. Men theo những bờ ruộng mảnh như sợi chỉ ở xã Đồng Gia, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Hải nói: Đất ở đây quý hơn vàng anh ạ. Vàng còn có nhiều người bán nhưng đất canh tác thì không. Đồng Gia có 6.234 nhân khẩu nhưng chỉ có 250 ha đất canh tác, bình quân mỗi khẩu chỉ có gần 1,1 sào ruộng. Vậy mà nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp chiếm tới 51% cơ cấu kinh tế của xã, tương ứng với gần 42 tỷ đồng (thu nhập bình...
Vùng đất luân canh,'cưỡng vụ'
Với phương châm: đa cây, đa thời vụ luân canh, 'cưỡng vụ'… trên những cánh đồng các xã khu C huyện Kim Thành luôn sôi động khí thế lao động sản xuất. Mùa nào thức ấy, sản phẩm củ đậu, dưa hấu, dưa lê, ớt ngọt, hành tây, tỏi tây, rau ngót, cà chua, hoa tươi… của nơi đây rất được thị trường ưa chuộng.
Men theo những bờ ruộng mảnh như sợi chỉ ở xã Đồng Gia, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Hải nói: Đất ở đây quý hơn vàng anh ạ. Vàng còn có nhiều người bán nhưng đất canh tác thì không. Đồng Gia có 6.234 nhân khẩu nhưng chỉ có 250 ha đất canh tác, bình quân mỗi khẩu chỉ có gần 1,1 sào ruộng. Vậy mà nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp chiếm tới 51% cơ cấu kinh tế của xã, tương ứng với gần 42 tỷ đồng (thu nhập bình quân đầu người đạt 13,3 triệu đồng/năm). Chính vì đất chật, người đông, cho nên người dân Đồng Gia đã tìm tòi, sáng tạo ra những công thức luân canh độc đáo để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Gần 170 ha đất trồng trọt ở Đồng Gia được luân canh với các công thức: lúa chiêm – rau hè thu – củ đậu – rau gia vị (hoặc hai vụ rau ngắn ngày); lúa chiêm – lúa hè thu – củ đậu (hoặc dưa) – rau xanh. Diện tích còn lại được 'ép vụ' với công thức: rau gia vị – dưa hấu – rau xanh – dưa – rau xanh hoặc hai vụ dưa, bốn vụ rau. Theo thống kê của huyện năm 2008, hệ số sử dụng đất ở Đồng Gia đạt 4,5 lần.
Xã Cẩm La có diện tích canh tác là 183,2 ha, nhưng chỉ có 125 ha làm được vụ đông, trong đó củ đậu chiếm hơn 100 ha, diện tích còn lại được luân canh bốn đến năm vụ rau màu. Củ đậu ở Cẩm La cho năng suất trung bình 2,2 tấn/sào, giá bình quân 3.500 – 4.000 đồng/kg, như vậy mỗi ha củ đậu vụ đông có thể đạt 200 triệu đồng. Nhờ những công thức luân canh phù hợp như: lúa – rau xanh – dưa – củ đậu; dưa xuân – lúa mùa sớm – củ đậu… Cẩm La đã khai thác hiệu quả tiềm năng của đất, hệ số sử dụng đất đạt hơn ba lần; giá trị sản xuất nông nghiệp đóng góp tới 50% cơ cấu kinh tế của xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/năm. Chị Đỗ Thị Lan ở thôn Quảng Bình có ba sào ruộng, mỗi năm thu gần 40 triệu đồng nhờ trồng củ đậu. Chị cho biết, đồng đất Cẩm La chỉ cho thuê trồng rau màu cũng có giá 1,2 – 1,3 triệu đồng mỗi sào/năm.
Câu chuyện 'sáng lúa, chiều dưa', 'sáng dưa, chiều củ đậu'… trên các cánh đồng khu C là chuyện 'thường ngày' ở huyện Kim Thành, bởi trên địa bàn các xã: Đồng Gia, Tam Kỳ, Cẩm La, Bình Dân, Kim Tân đã hình thành các 'tập đoàn' lao động liên gia gồm thành viên của năm đến 10 hộ gia đình. Mỗi khi chuyển vụ, chỉ 'ới' một tiếng là những ruộng lúa vàng óng buổi sáng sang đến buổi trưa đã được lên luống thẳng tắp và đến chiều tối thì những bầu dưa hấu đã xoải những ngọn xanh non bước vào vụ mới (dưa được làm bầu trước khi đưa ra ruộng để có thời gian tăng vụ). Anh Đỗ Văn Ba, một tư thương chuyên thu mua rau màu ở các xã khu C nói với chúng tôi: Dân ở đây ai 'cướp' vụ giỏi người đó sẽ mau giàu, ai 'cưỡng' vụ giỏi thì còn giàu hơn. Hộ nào 'cướp' vụ được thu hoạch rau, củ, quả sớm năm, sáu ngày so với các nhà khác là thắng lớn. Nhiều hộ 'lỳ đòn', áp dụng hình thức 'cưỡng vụ', kéo dài vụ củ đậu để bán muộn hoặc giàu kinh nghiệm trồng rau màu chậm vụ, trái vụ có thể thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây trồng chính vụ. Những khu đồng đạt giá trị sản xuất 250- 300 triệu đồng /ha ở các xã khu C không còn là chuyện hiếm.
Phát triển những cánh đồng chuyên cây
Từ thực tiễn sản xuất, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã hình thành những vùng chuyên cây và vùng chuyên canh rau màu để thuận lợi các khâu chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và quan trọng hơn là dễ tiêu thụ sản phẩm. Diện tích các vùng đa cây, canh tác theo phương thức quảng canh ngày càng được thu hẹp.
Diện tích hành, tỏi chiếm khá lớn trong cơ cấu cây trồng vụ đông ở Hải Dương với gần 4.500 ha. Trong đó, vùng chuyên cây hành ở huyện Kinh Môn chiếm 75% diện tích vụ đông của huyện và là vùng chuyên canh một loại cây vụ đông lớn nhất tỉnh. Khắp huyện Kinh Môn đâu đâu cũng thấy xanh ngát những cánh đồng hành. Trồng hành vất vả, nhưng tiêu thụ khá thuận lợi, cho nên diện tích hành mỗi năm một tăng, năm 2007 huyện có 2.000 ha, năm nay tăng lên 2.500 ha. Chị Nguyễn Thị Thảo, nông dân thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa trồng bảy sào hành, ước thu 45 triệu đồng. Chị tâm sự: Hiệp Hòa 'tấc đất – tấc vàng', gần 400 ha đất canh tác trong xã và toàn bộ thùng vũng, ruộng trũng đều được người dân thuê máy hút bùn san lấp để lấy đất trồng hành. Với giá trung bình 12 nghìn đồng/kg, mỗi sào hành thu sáu triệu đồng, trừ chi phí lãi gần bốn triệu đồng, khi hành được giá mỗi sào có thể lãi chục triệu đồng. Theo thống kê, giá trị mỗi ha hành vụ đông năm trước đạt 124,9 triệu đồng. Với hai công thức luân canh chủ yếu: lúa xuân – lúa mùa – hành, lúa xuân – rau hè thu – hành, giá trị sản xuất đạt khoảng 150 triệu đồng/ha. Cây hành ở Kinh Môn đã giúp nhiều người dân của huyện miền núi xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại huyện Nam Sách, trước kia diện tích hành có vài trăm ha chủ yếu ở xã Nam Trung nay đã lan tỏa sang các xã An Bình, Nam Tân, Cộng Hòa nâng diện tích vùng chuyên cây hành của huyện lên gần 1.000 ha.
Huyện Cẩm Giàng có vùng chuyên cây cà rốt ở hai xã Đức Chính, Cẩm Văn. Cây cà rốt hợp với đất phù sa, canh tác được hai vụ, sản lượng có thể đạt hai tấn/sào. Với giá bốn nghìn đồng/kg thì một ha cà rốt có thể thu 150- 200 triệu đồng. Trước kia, cà rốt được trồng ngoài bãi sông Thái Bình khoảng vài chục ha. Sau này, củ cà rốt cho lợi nhuận cao, được tư thương thu mua ổn định cho nên cây cà rốt đã phủ kín vùng đất bãi và 'tràn' vào trong đồng hơn 200 ha, nâng tổng diện tích cà rốt ở hai xã lên gần 600 ha. Đất trong đồng không phù hợp với sự phát triển của cây cà rốt, người dân đã không ngại 'thắt lưng, buộc bụng' đầu tư hàng chục tỷ đồng chuyển đất phù sa ngoài bãi phủ một lớp dày 25-30 cm cho những thửa ruộng trong đồng để thâm canh cà rốt. Cải tạo mỗi sào ruộng phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng, mất hai năm mới thu hồi vốn. Trồng cà rốt hiệu quả cao cho nên không ít người dân Đức Chính, Cẩm Văn nhắm tới mục tiêu 'đánh bắt xa bờ', thuê đất bãi ở các địa phương khác, và chính họ đã góp công lớn vào việc tạo nên những vùng chuyên cây cà rốt ở các huyện Nam Sách (495 ha), Chí Linh (130 ha)…
Huyện Gia Lộc có diện tích vụ đông lớn nhất tỉnh với gần 4.000 ha và từ thực tiễn canh tác đã hình thành những vùng chuyên cây rộng lớn. Vùng chuyên cây cải bắp 1.200 ha, tập trung ở các xã Gia Xuyên, Hoàng Diệu, Gia Tân; vùng su hào hơn 600 ha ở các xã Phạm Trấn, Nhật Tân, Đoàn Thượng; vùng cải dưa 700 ha ở các xã Liên Hồng, Nhật Tân, Hồng Hưng; vùng ngô giống 400 ha ở Toàn Thắng, Lê Lợi, Gia Khánh; vùng bí xanh, bí đỏ hơn 200 ha ở Quang Minh, Đồng Quang… Theo bà Nguyễn Thị Kịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc, đến nay huyện đã thu hoạch xong vụ đông. Với giá bình quân cải bắp 3,5 triệu đồng/sào; su hào ba triệu đồng/sào, cải dưa 1,5 triệu đồng/sào… giá trị sản xuất vụ đông của huyện ước đạt 265 tỷ đồng và đạt khoảng 67 triệu đồng/ha. Hiện nay 1.200 ha các vùng chuyên cây vụ xuân như dưa hấu, dưa chuột, ngô giống đang sinh trưởng và phát triển tốt; tới tháng ba hơn 1.500 ha vùng chuyên cây hè thu lại bước vào vụ dưa hấu, dưa lê, đỗ tương… theo phương thức vụ gối vụ cho tới vụ đông.
Nhân rộng các mô hình chuyên canh giá trị kinh tế cao
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng giá trị kinh tế cao giai đoạn 2006 – 2010 ở Hải Dương đã góp phần quan trọng nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh lên 73,5 triệu đồng/ha (mục tiêu năm 2010 đạt 55 triệu đồng/ha). Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng những cánh đồng hiệu quả kinh tế cao vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Hiện nay, huyện Gia Lộc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đề án 'Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau quả cho giá trị kinh tế cao' được triển khai từ giữa năm 2006. Đến nay, đã quy hoạch 53 vùng chuyên canh rau quả với tổng diện tích 571 ha. Trong đó, 27 vùng có quy mô từ 10 đến 30,5 ha thuộc 15 xã; 26 vùng có quy mô dưới 10 ha thuộc 11 xã. Gần 30 vùng đã đạt tỷ lệ chuyên canh cao, áp dụng công thức luân canh bốn đến năm vụ/năm, có nơi ép đất quay vòng tới sáu lần/năm. Các vùng còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, từng bước giảm diện tích cấy lúa xen canh, nâng cao hệ số sử dụng đất và nâng cao giá trị sản xuất. Bình quân một ha canh tác trong vùng đạt giá trị khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhiều vùng đã thực hiện sản xuất theo hợp đồng bao tiêu nông sản như sản xuất ngô giống ở các xã Lê Lợi, Toàn Thắng, Hồng Hưng; sản xuất khoai tây giống, rau xanh ở Nhật Tân, Đoàn Thượng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành Phạm Viết Tuấn cho biết: Huyện đã xây dựng dự án 'Phát triển vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung theo hướng bền vững'. Nông dân trong vùng phấn khởi, mong sớm được thực hiện dự án. Dự án có quy mô 855 ha hướng tới mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng giá trị kinh tế cao, tạo thành mô hình điểm về vùng sản xuất rau hàng hóa chất lượng cao để nhân ra diện rộng. Kinh phí thực hiện dự án dự kiến 47 tỷ đồng.
Huyện Nam Sách cũng quan tâm nhân rộng các mô hình chuyên canh rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng tới xây dựng 25 vùng chuyên canh các loại rau, quả bền vững với các sản phẩm bí xanh, cà chua, dưa, ớt, hoa tươi, rau gia vị… Giữ vững diện tích vùng chuyên cây hành, tỏi hiện có; mở rộng diện tích dưa hấu, bí xanh ở Nam Tân, Hợp Tiến; phủ kín cà rốt vùng bãi ven sông ở các xã Thái Tân, Hiệp Cát, Minh Tân, Cộng Hòa.
Năm nay sản phẩm vụ đông được mùa, được giá. Với tổng diện tích vụ đông hơn 23 nghìn ha, thâm canh nhiều loại rau quả chất lượng cao, giá trị sản xuất vụ đông ở Hải Dương sẽ vượt nhiều so với năm trước. Tuy vậy, diện tích vụ đông và các vùng chuyên canh rau quả ở Hải Dương còn chưa xứng với tiềm năng. Không ít nơi còn 'trắng' vụ đông, hoặc nông dân vẫn trồng rau màu theo phương thức quảng canh, hiệu quả thấp. Nhiều địa phương hệ thống hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung… Để tiếp tục xây dựng các cánh đồng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phù hợp với tiềm năng, điều kiện của từng địa phương, tỉnh Hải Dương cần có sự đầu tư thỏa đáng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở những xã thuần nông, xã nghèo, trong đó sớm hoàn thiện hệ thống đường giao thông và hệ thống thủy lợi; có chính sách hỗ trợ, đưa dự án rau quả giá trị kinh tế cao về những xã vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt chính sách 'tam nông', coi trọng mối liên kết 'bốn nhà' chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tìm 'đầu ra' cho sản phẩm nông nghiệp; quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao hiệu quả canh tác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()