Những bước tiến vững chắc
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2015, cả nước đã có hơn 70,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, tăng 4,46 triệu người (6,8%) so năm 2014. Trong đó, riêng số tham gia BHXH bắt buộc là 12,1 triệu người; số tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10,3 triệu người; số tham gia BHXH tự nguyện là 230 nghìn người và 70 triệu người tham gia BHYT. Tính theo tỷ lệ tương đối, các chỉ tiêu này đều có sự gia tăng khá mạnh so với năm 2014 (đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng 5,3%, bảo hiểm thất nghiệp tăng 11,6%, BHYT tăng 5,31% và BHXH tự nguyện tăng 19%).
Nếu đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội đất nước năm qua còn không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT…, thì những kết quả nêu trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan BHXH các cấp cũng như tính hiệu quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hai trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội.
So sánh những kết quả vừa đạt được với những con số cách đây 5 năm, chúng ta thấy rõ những bước tiến trong lĩnh vực này. Theo đó, số người tham gia BHXH tăng hơn hai triệu người; số tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng hơn hai triệu người; số tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn hai lần; riêng số tham gia BHYT tăng gần 13 triệu người, đưa tổng số người tham gia chiếm tỷ lệ 76,52% dân số… Từ việc mở rộng đối tượng tham gia, riêng trong năm 2015, đã có hơn tám triệu lượt người (chưa bao gồm những người trong lực lượng vũ trang) được thụ hưởng các chế độ BHXH, hơn 530.000 lao động mất việc được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và hơn 130 triệu lượt người được thụ hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT, với tổng kinh phí hơn 202.000 tỷ đồng. Trên thực tế, việc được bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp không ít người được bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, nhiều người vượt qua được những khó khăn khi gặp rủi ro về sức khỏe hay khi mất việc làm… Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như ý thức rõ nhiệm vụ của mình và ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH sớm xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2016, trong đó trọng tâm là tiếp tục thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; tích cực đưa Luật BHXH (sửa đổi) vào cuộc sống; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị và Đề án “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”, Đề án “Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2013-2020”… cùng những chỉ tiêu quan trọng như phát triển đối tượng đạt hơn 12,455 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 306.000 người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 10,485 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hơn 72,141 triệu người tham gia BHYT.
Với những giải pháp và sự quyết tâm trong mùa Xuân mới, chúng ta có thể tin tưởng rằng ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tạo nên những bước tiến vững chắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()