Thứ 7, 23/11/2024 06:18 [(GMT +7)]
Những bước tiến của nền giáo dục cách mạng
Chủ nhật, 16/01/2011 | 08:49:00 [(GMT +7)] A A
|
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Cùng với sự phát triển của đất nước, qua mỗi thời kỳ lịch sử, nền giáo dục từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 1945 đến nay, nền giáo dục cách mạng đã trải qua những chặng đường lịch sử quan trọng và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí đã được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo. Từ chỗ có 95% số dân mù chữ, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, phong trào chống mù chữ lan rộng ra khắp cả nước, tạo nên một 'chiến dịch' với sự tham gia của đông đảo đồng bào cả nước. Trải qua những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ giáo dục xã hội chủ nghĩa, qua nhiều cuộc cải cách (năm 1950, 1956, 1979…) nền giáo dục nước ta đều đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, sau gần 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn lực con người Việt Nam càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phát triển đất nước. Giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) ngày càng giữ vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, mặc dù điều kiện đất nước và ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước vẫn quan tâm dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể để đầu tư cho GD và ĐT. Thực tiễn đã khẳng định những định hướng đúng đắn của chiến lược phát triển giáo dục đất nước qua các thời kỳ với phương châm giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Toàn ngành GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như: Đổi mới quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh công tác đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, biến quá trình học tập thành quá trình tự học có hướng dẫn và quản lý của giáo viên được triển khai đồng bộ. Ngành GD và ĐT đã xây dựng lại những tài liệu đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập cho các giáo viên từ mầm non đến giáo dục nghề nghiệp và đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đáng chú ý, quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp trong toàn quốc. Năm 2010 cả nước có 12.357 trường mầm non, 28.413 trường phổ thông, không chỉ tạo điều kiện học tập cho hơn 18,4 triệu cháu mầm non và học sinh mà còn mở rộng cơ hội học tập cho nhân dân, góp phần từng bước hình thành xã hội học tập. Về cơ bản nước ta đã xóa được 'xã trắng' về giáo dục mầm non; trường, lớp tiểu học và THCS đã có ở tất cả các xã hoặc liên xã. Cả nước đã hoàn thành chuẩn quốc gia về công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và đang đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Công tác GD và ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Toàn quốc có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú với khoảng 70 nghìn học sinh và 1.736 trường phổ thông dân tộc bán trú với hơn 147 nghìn học sinh. Công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện, nhất là đối với trẻ em gái, người dân tộc thiểu số và con em các gia đình nghèo, các đối tượng bị thiệt thòi ngày càng được quan tâm. Việc miễn, giảm học phí, cấp học bổng và các chính sách hỗ trợ khác đã tạo điều kiện cho đại bộ phận con em các gia đình nghèo, diện chính sách được học tập, nhất là ở các cấp học phổ cập.
Trong đào tạo nguồn nhân lực đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, cung cấp nguồn lao động chủ yếu có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học được phát triển đúng theo định hướng quy hoạch, phân bổ trên khắp mọi miền. Đến năm 2010, cả nước có 149 đại học, học viện, trường đại học với tổng số gần 1,359 triệu sinh viên và 24.460 nghiên cứu sinh, học viên cao học; 227 trường cao đẳng với quy mô hơn 597 nghìn sinh viên. Trong đó, có 41/63 tỉnh, thành phố có trường đại học (đạt tỷ lệ 65%); có 60/63 tỉnh, thành phố có trường cao đẳng (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành phố có ít nhất một trường cao đẳng hoặc đại học (đạt tỷ lệ 98%). Số lượng trường đại học, cao đẳng ở các vùng cao, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn đã tăng lên, như Tây Bắc (một trường đại học, tám trường cao đẳng); Tây Nguyên (ba trường đại học, mười trường cao đẳng); đồng bằng sông Cửu Long (11 trường đại học, 27 trường cao đẳng)… Các trường đại học, cao đẳng đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, miền núi, con em đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học không chỉ nâng cao dân trí mà còn tạo nguồn nhân lực cho những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo đại học, cao đẳng tăng dần qua các năm, nhất là tăng nhanh tỷ lệ sinh viên/mười nghìn dân. Cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo thay đổi theo xu hướng hợp lý và hình thức đào tạo đa dạng hơn. Phần lớn số tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo trong nước là giảng viên, cán bộ nghiên cứu của các cơ sở đào tạo sau đại học và viện nghiên cứu… Có thể nói, công tác đào tạo đã cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học; hàng chục nghìn thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước.
Những thành tựu trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và tạo điều kiện cho đất nước vươn lên có một vị trí xứng đáng trên thế giới. Đó là một thành tựu đáng tự hào của 65 năm nhân dân ta cùng đội ngũ các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh đạt được.
– Đến năm 2010, cả nước có 52/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (đạt tỷ lệ 82,5%); 63/63 tỉnh, thành phố và tất cả các huyện trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập THCS.
– 99,09% số giáo viên tiểu học, 98,25% số giáo viên THCS, 98,91% số giáo viên THPT đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.
– Có 2.014 trường mầm non, 5.469 trường tiểu học, 1.912 trường THCS và 272 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
– Trong mười năm từ 2001-2010, quy mô giáo dục đại học tăng 1,96 lần; trung cấp chuyên nghiệp tăng 3,5 lần, đào tạo nghề tăng 2,17 lần.
– Trung bình cả nước đạt 195 sinh viên/mười nghìn dân.
– Số giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ TS, TSKH là 7.041; Số giảng viên có chức danh GS là 262, PGS 1.885.
(Bộ GD và ĐT)
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()