Những bước ngoặt của nước Đức
Bà Angela Merkel tuyên bố sẽ không ra tranh cử chức thủ tướng nhiệm kỳ 5. (Ảnh: Reuters)
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ZDF, Thủ tướng Ðức A.Merkel vừa tuyên bố rằng, bà sẽ không tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa. Tuyên bố nói trên của nữ Thủ tướng Ðức đồng nghĩa với việc nước Ðức sẽ có bước ngoặt chính trị lớn với một “thời kỳ hậu Merkel”. Theo kế hoạch, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ bầu lãnh đạo mới của đảng vào cuối năm nay. Hiện tại, hai ứng cử viên sáng giá có thể được cử tri Ðức “chọn mặt gửi vàng” để trở thành lãnh đạo CDU là ông P.Merz, cựu Chủ tịch liên đảng bảo thủ trong Quốc hội liên bang và ông A.Laschet, Thủ hiến bang Nordrhein Westfalen. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) M.Soeder cũng có thể “làm nên chuyện” trong cuộc đua giành chiếc ghế thủ tướng mà bà Merkel để lại.
Trong bốn nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua, bà Merkel đã để lại dấu ấn đậm nét trên chính trường Ðức và châu Âu. Bà cùng các nhà lãnh đạo Ðức và các nước EU vượt qua ít nhất ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư và “khủng hoảng Covid-19” hiện nay. Ðối với đại dịch, chính sách xử lý khủng hoảng của Chính phủ Ðức được dư luận ủng hộ. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của kênh truyền hình ARD cho thấy, có 62% số ý kiến được hỏi bày tỏ hài lòng hoặc rất hài lòng với những biện pháp xử lý dịch Covid-19 của Chính phủ Ðức. “Bông hồng thép” Merkel cũng là chính trị gia được yêu thích nhất trong nội các với 71% số người bày tỏ hài lòng hoặc rất hài lòng với cá nhân bà.
Trước khi rời nhiệm sở, bà Merkel đã cùng chính phủ liên minh của mình tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho kinh tế Ðức với gói kích cầu khổng lồ nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch. Trong bối cảnh giới chuyên gia nhận định nước Ðức đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi dịch Covid-19 được khống chế, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel đã nhất trí một gói kích thích trị giá 130 tỷ euro nhằm tiếp sức cho đà phục hồi kinh tế.
Các chính trị gia Ðức cho biết, đây sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất của nước này kể từ năm 1949. Với gói kích cầu nêu trên, Ðức kỳ vọng đến nửa cuối năm 2022 nền kinh tế sẽ trở lại các mức tăng trưởng như trước khi bùng phát dịch. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Ðức vẫn “chưa chạm đáy”, nhưng mục tiêu của chính phủ liên bang là trở lại tăng trưởng ngay trong năm nay, cụ thể là nửa cuối năm, hướng tới đạt mức tăng trưởng mạnh khoảng 5% vào năm 2021, và trở lại các mức tăng trưởng trước dịch chậm nhất là vào khoảng nửa cuối năm 2022.
Giới phân tích nhận định, gói kích cầu khổng lồ nêu trên sẽ giúp giải phóng nền kinh tế và khắc phục tình trạng cực kỳ khó khăn, đồng thời cũng cho thấy sự điều chỉnh trong cách thức đối phó với khủng hoảng của Ðức như Thủ tướng A.Merkel kỳ vọng. Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, nước Ðức thường đưa ra các “gói kích thích kinh điển” gắn với chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, lần này, Bộ trưởng Tài chính liên bang Ô.Xôn-dơ cho biết, Ðức muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng một “tiếng nổ lớn”. Với “đòn bẩy tài chính” 130 tỷ euro này, Chính phủ Ðức muốn thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và thúc đẩy nền kinh tế ở trong nước, đồng thời dựa vào các công ty để tăng đầu tư.
Việc liên minh cầm quyền đồng thuận cao trong kích cầu kinh tế “hậu Covid-19” để tạo bước ngoặt tăng trưởng mới cho thấy nội bộ Ðức không có bất đồng đáng kể. Theo đó, tiến trình chuyển giao quyền lực nhiệm kỳ tới có thể diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, bất kể ai trở thành Thủ tướng Ðức thay bà Merkel nhiệm kỳ tới, người đó cũng phải đối mặt những thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế Ðức đã bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh. Thị trường việc làm Ðức gần đây ngày càng ảm đạm với nhiều người mất việc, hơn 7 triệu người đang làm việc theo mô hình rút ngắn thời gian. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu C.Lagarde vừa nhận định, nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có và sẽ giảm mạnh ở mức 8,7% trong năm 2020 do tác động của dịch.
Trong bối cảnh nêu trên, đưa nước Ðức vượt qua khủng hoảng sẽ là nhiệm vụ khó khăn của người kế nhiệm bà Merkel. Tuy nhiên, khi kinh tế Ðức đã “thấy ánh sáng cuối đường hầm” như hiện nay, chỉ cần bước ngoặt chính trị diễn ra suôn sẻ thì tân Thủ tướng Ðức hoàn toàn có thể đưa nền kinh tế số một EU trở lại “thời kỳ vàng son” như trước khủng hoảng.
Ý kiến ()