Những bước đi đầu trên con đường chính trị của bà Dinh-lắc
Một tháng cầm quyền của Chính phủ liên hiệp mới ở Thái-lan do nữ Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt đứng đầu đã trôi qua một cách "yên ả". Nhân dịp này, tân Thủ tướng Dinh-lắc khẳng định rằng, Chính phủ của bà sẽ thực hiện bốn nhiệm vụ ưu tiên là đem lại hòa giải dân tộc và hài hòa, thống nhất xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng và bền vững; đẩy mạnh thương mại và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; cam kết đem các lợi ích của tăng trưởng đến với mọi người dân.Vừa chân ướt, chân ráo bước vào chính trường, nhưng bà Dinh-lắc đã hoàn thành một công việc khó khăn - đó là giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái-lan. Tiếp đó, bà lại vượt qua những khó khăn lớn hơn để giành thêm một thắng lợi nữa - trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, dư luận Thái-lan cho rằng điều khó khăn nhất đối với tân Thủ tướng Dinh-lắc vẫn ở phía trước. Đó chính là việc kéo dài thời gian tồn tại trên chính trường luôn chao đảo ở...
Vừa chân ướt, chân ráo bước vào chính trường, nhưng bà Dinh-lắc đã hoàn thành một công việc khó khăn – đó là giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái-lan. Tiếp đó, bà lại vượt qua những khó khăn lớn hơn để giành thêm một thắng lợi nữa – trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, dư luận Thái-lan cho rằng điều khó khăn nhất đối với tân Thủ tướng Dinh-lắc vẫn ở phía trước. Đó chính là việc kéo dài thời gian tồn tại trên chính trường luôn chao đảo ở Thái-lan.
Một tháng cầm quyền của Chính phủ mới ở Thái-lan do nữ Thủ tướng Dinh-lắc đứng đầu đã trôi qua một cách “yên ả”. Nhưng trong tháng qua, bà đã phải mất hơn hai tuần để hoàn tất các thủ tục theo hiến định (để Chính phủ có thực quyền), gồm công bố và bảo vệ chính sách, chương trình hành động và thành phần Chính phủ trước lưỡng viện QH để được QH thông qua. Chương trình hành động của Chính phủ liên hiệp (đảng Vì nước Thái làm nòng cốt) công bố, được chia làm ba giai đoạn, gồm ngắn hạn (ngay năm đầu), trung hạn (trong vòng bốn năm) và dài hạn đến năm 2020. Chương trình này dựa trên triết lý “nền kinh tế vừa đủ”; kinh tế-xã hội cân bằng và bền vững; hòa giải dân tộc. Từ đó Chính phủ hoạch định tám chương trình hành động cụ thể về những lĩnh vực: các vấn đề khẩn cấp; an ninh quốc gia; kinh tế; xã hội và chất lượng cuộc sống; tài nguyên thiên nhiên và môi trường; khoa học và công nghệ, nghiên cứu và sáng tạo; điều hành chính phủ tốt; đối ngoại tích cực và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Ba nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề ra là chống buôn lậu ma túy, chống tham nhũng và kiến tạo hòa bình ở miền nam.
Tuy nhiên, nhiều điểm trong chính sách kinh tế, xã hội do Chính phủ của bà Dinh-lắc đưa ra dựa trên nền tảng “dân túy” bị phe đối lập chỉ trích rằng, chính sách này có thể cải thiện được mức sống của người nghèo, nhưng không tăng được sức sản xuất và làm sụt giảm khả năng cạnh tranh. Hiện trên chính trường Thái-lan vẫn đang diễn ra những tranh cãi gay gắt về việc tăng lương tối thiểu (sẽ triển khai từng phần sau sáu tháng) và nâng giá sàn thu mua lúa từ ngày 7-10. Trong đó, phe đối lập lo ngại rằng quyết định này sẽ làm hao hụt ngân sách đầu tư cho phát triển. Các nhà quan sát cho rằng, chính sách dân túy không phải là điều gì mới mẻ trên chính trường Thái-lan. Từ năm 1975 đến nay, chính sách này đã được các chính phủ kế tiếp nhau thực hiện, chỉ khác nhau về quy mô, tính nhất quán và đối tượng. Về chính sách đối ngoại, Chính phủ của bà Dinh-lắc điều chỉnh để nâng cao vai trò, hình ảnh, niềm tin và khả năng cạnh tranh của nước này trong khu vực và trên trường quốc tế. Mục tiêu quan trọng nhất là tập trung xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Cải thiện và thúc đẩy quan hệ với nước láng giềng Cam-pu-chia là ưu tiên hàng đầu.
Con đường chính trị của Thủ tướng Dinh-lắc không trải kín hoa hồng, nhưng cũng không toàn chông gai. Chính phủ của bà được đông đảo cử tri (phần lớn là người nghèo) ủng hộ, liên minh cầm quyền với số lượng áp đảo 300 trên tổng số 500 ghế trong Hạ viện tạo lợi thế đáng kể trên nghị trường. Các chính sách của Chính phủ mới đối với các vấn đề kinh tế, xã hội cấp bách đầy khó khăn được phần đông dân chúng ủng hộ. Theo nhiều nhà quan sát, để không “đứt gánh giữa đường” Chính phủ cần hành động thận trọng, khéo léo, mang tính thỏa hiệp hoặc “tế nhị” với các nhánh quyền lực, các lực lượng đối lập và quân đội… với cả đồng minh và những người ủng hộ như phong trào “áo đỏ” hoặc nhân tố “Thặc-xỉn”…
Bà Dinh-lắc tiếp quản một đất nước bị xâu xé bởi xung đột chính trị và hàng loạt các vấn đề khác chưa được giải quyết. Chính phủ mới đang nỗ lực kiềm chế, tránh “kích động” xung đột chính trị để bắt tay vào công việc. Trong khi đó, vấn đề xã hội bất bình đẳng là một thách thức lâu dài và khó khăn lớn đối với Chính phủ mới nói riêng và cả Thái-lan nói chung. Thách thức này được coi là một sản phẩm phụ, tự nhiên của một nền kinh tế đang bùng nổ. Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cũng như chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền là vấn đề vô cùng khó khăn trong sự phân cực sâu sắc và phức tạp ở nước này.
Tình trạng bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội ở Thái-lan thời gian qua đã lộ ra những vết thương cũ và mới giữa nông thôn và đô thị, giữa các tầng lớp trong xã hội. Cuối cùng, tất cả mọi người ở Thái-lan đều bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng xã hội. Chính vì vậy, xây dựng xã hội bình đẳng được Chính phủ mới ở nước này coi là ưu tiên quốc gia. Hiện cuộc đối thoại quốc gia về vấn đề này ở Thái-lan đã được khai màn, hướng tới sự lựa chọn mới cho nước Thái.
Theo Nhandan
Ý kiến ()